Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThượng nghị sĩ Mỹ đề trình Dự luật yêu cầu Mỹ chống...

Thượng nghị sĩ Mỹ đề trình Dự luật yêu cầu Mỹ chống lại mối đe dọa kinh tế từ TQ

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, Todd Young và các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeff Merkley, Chris Coons (12/11) cùng đề xuất dự luật yêu cầu yêu cầu chính phủ phác thảo chiến lược an ninh kinh tế toàn cầu của Mỹ chống lại mối đe dọa kinh tế từ Trung Quốc.

Theo thông tin trên, các Thượng nghị sỹ cho rằng sự ổn định toàn cầu và an ninh quốc gia của Mỹ phụ thuộc phần lớn vào nền kinh tế sôi động, đang phát triển và an toàn, Dự luật Chiến lược An ninh kinh tế toàn cầu sẽ đảm bảo Mỹ phản ứng theo cách hiệu quả nhất có thể đối với các hoạt động kinh tế “săn mồi” của Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio cho biết, lần đầu tiên sau gần ba thập kỷ, Mỹ phải đối đầu với một đối thủ cạnh tranh gần như “ngang tài ngang sức” trên sân khấu kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đang nỗ lực và kiên nhẫn để định hướng lại trật tự toàn cầu để đạt được lợi ích bằng cách chà đạp lên nước Mỹ, bao gồm sử dụng trợ cấp và chủ nghĩa bảo hộ để xây dựng khả năng của họ trong các ngành công nghiệp chủ chốt trong khi tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ. Dự luật được cả hai đảng đưa ra này thừa nhận tầm quan trọng của việc chống lại mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra đối với an ninh kinh tế và quốc gia của Mỹ bằng cách duy trì trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Todd Young cho rằng các hoạt động kinh tế của Trung Quốc và các đối thủ chiến lược khác có khả năng làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ và vị thế của chúng ta trên thế giới. Mỹ phải chống lại các hoạt động săn mồi này bằng cách hợp tác với các đối tác cùng chí hướng và các đồng minh trên toàn cầu. Dự luật này sẽ giúp đảm bảo các cơ quan chính phủ khác nhau của Mỹ làm việc cùng nhau và với các đối tác trên khắp thế giới để tạo ra các chính sách phối hợp nhằm thúc đẩy và bảo vệ an ninh kinh tế. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeff Merkley nhấn mạnh, trong nhiều thập kỷ, cuộc đua toàn cầu về tiêu chuẩn lao động và môi trường đã để lại ngày càng ít công việc có mức lương đáng tin cậy cho các gia đình lao động Mỹ. Dự luật này sẽ giúp đảm bảo Mỹ có kế hoạch ứng phó với chiến lược kinh tế săn mồi của các quốc gia khác. Từ đó chúng ta có thể đảm bảo một sân chơi bình đẳng và giúp các gia đình lao động Mỹ phát triển mạnh cho các thế hệ sắp tới. Một nền kinh tế mạnh mẽ rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh của người dân Mỹ. Cùng quan điểm trên, Thượng nghị sĩ Chris Coons cho biết Dự luật này sẽ đảm bảo Chính quyền hiện tại và tương lai tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế tự do và công bằng, ngành công nghiệp và đổi mới và quản lý môi trường của Mỹ. Nó cũng sẽ làm giảm các mối đe dọa đối với nền kinh tế quốc gia của chúng ta và thúc đẩy cạnh tranh công bằng cho các công nhân và gia đình Mỹ.

Trước đó, các thượng nghị sĩ Mỹ (4/2018) cũng đã giới thiệu một dự luật tương tự, sau đó được gọi là Đạo luật Chiến lược An ninh kinh tế quốc gia. Tuy nhiên văn bản này không đề cập đến Trung Quốc. Các nghị sĩ Mỹ miêu tả dự luật Chiến lược An ninh kinh tế toàn cầu như Chiến lược An ninh quốc gia (NSS), mặc dù nó chỉ tập trung vào đảm bảo an ninh kinh tế.

Dự luật được đưa ra trong bối cảnh các chính trị gia Mỹ coi Trung Quốc đe dọa việc làm và an ninh kinh tế của Mỹ, mặc dù Tổng thống Donald Trump cho biết Washington và Bắc Kinh chuẩn bị ký kết thỏa thuận thương mại Giai đoạn I. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết Mỹ và Trung Quốc phải đồng thời rút một phần thuế nhập khẩu đang áp lên nhau để đạt thỏa thuận giai đoạn một. Quy mô gỡ thuế của hai nước phải như nhau và con số cụ thể có thể được thỏa thuận. Theo ông Gao Feng, việc hủy bỏ thuế là điều kiện quan trọng với bất kỳ thỏa thuận nào và “chiến tranh thương mại bắt đầu bằng thuế, và nên chấm dứt với việc gỡ bỏ thuế”. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc không đưa ra lộ trình cụ thể. Trong khi đó, hãng tin Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết các nhà đàm phán Trung Quốc muốn Mỹ gỡ bỏ thuế 15% với khoảng 125 tỷ USD hàng Trung Quốc có hiệu lực hồi tháng 9. Họ cũng muốn hủy 25% thuế áp lên 250 tỷ USD hàng hóa, từ máy móc đến sản phẩm bán dẫn và đồ nội thất. 

Được biết, để ngăn chặn và kiềm chế sự trỗi dậy không minh bạch của Trung Quốc, giới chức Mỹ đã nhiều lần đệ trình các dự luật nhằm trừng phạt Bắc Kinh. Trong số đó, có một số dự luật đặc biệt như: “Dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2019” do các Thượng Nghị sĩ Todd Young và Mitt Romney của đảng Cộng hòa cùng Maggie Hassan và Catherine Cortez Masto của đảng Dân chủ đưa ra ngày 25/9. Theo đó, Dự luật kêu gọi Chính quyền Mỹ tăng cường hợp tác với các nước đồng minh đối phó với Trung Quốc. Nếu được thông qua, dự luật sẽ thúc đẩy Mỹ cùng các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu đưa ra giải pháp thống nhất nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.

“Dự luật Chiến lược Đông Nam Á” đã được Hạ viện Mỹ (24/9) thông qua nhằm tăng cường sự can dự của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á và đảm bảo rằng các đối tác quan trọng trong khu vực nhận được sự hẫu thuẫn mạnh mẽ của Washington. Hiện dự luật này đã được chuyển cho Thượng viện xem xét. “Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông” do Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc do các hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Nếu được thông qua, Dự luật sẽ yêu cầu Tổng thống Mỹ thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt chống lại các cá nhân, tổ chức Trung Quốc tham gia hoạt động ở Biển Đông và phạt cả tổ chức tài chính của bên thứ ba cố ý tham gia. Dự luật cũng bao gồm đề xuất hạn chế viện trợ với các nước đứng về lập trường của Trung Quốc trong xử lý vấn đề tại Biển Đông, biển Hoa Đông. Điều này thay đổi lập trường của Mỹ lâu nay là không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ (trừ một số ngoại lệ). Đến năm 2019, Dự luật trên tiếp tục được 13 nghị sỹ của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đưa ra thảo luận. Dự luật mới cũng yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ phải trình lên Quốc hội bản báo cáo theo thời hạn 6 tháng một lần để xác định những cá nhân hay công ty Trung Quốc có liên quan tới hoạt động xây dựng hay phát triển các dự án trái phép trên Biển Đông. Các hoạt động trái phép được quy định theo dự luật của Mỹ gồm bồi đắp, xây đảo nhân tạo, xây dựng hải đăng và hạ tầng viễn thông di động. Những cá nhân hay tổ chức đồng lõa hoặc trực tiếp tham gia vào các hoạt động đe dọa tới “hòa bình, an ninh hay ổn định” ở những khu vực do Nhật Bản hoặc Hàn Quốc quản lý trên biển Hoa Đông cũng bị nhắm mục tiêu trừng phạt theo dự luật mới.

RELATED ARTICLES

Tin mới