Nếu được đầu tư xây dựng, tuyến đường sắt liên vận quốc tế mới có khổ ray 1.435mm sẽ nối cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) tới Trung Quốc và đi châu Âu, chi phí được tính toán khoảng 100.000 tỷ đồng.
Liên danh tư vấn giữa Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC) – Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc vừa có báo cáo quy hoạch tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hải Phòng – Trung Quốc gửi Bộ GTVT. Chi phí nghiên cứu xây dựng quy hoạch này do phía Trung Quốc tài trợ.
Theo đó, tuyến đường sắt tương lai có thể đi qua 8 tỉnh thành, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng (điểm cuối tại cảng Lạch Huyện). Chạy tàu khổ ra 1.435mm. Ước tính tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 100.000 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654 ha.
Cụ thể, tuyến đường sắt được quy hoạch xuất phát từ Hà Khẩu (Trung Quốc), qua ga Đồng Đăng tới ga Lạng Sơn. Từ đây, tuyến đường vượt sông Hồng chạy dọc theo cao tốc Lào Cai – Nội Bài để về ga Đông Anh.
Rời ga Đông Anh, tuyến đường vượt cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, về Yên Viên, vượt sông Đuống đến huyện Gia Lâm (Hà Nội), qua Hưng Yên, chạy dọc theo cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Tuyến đường không vào ga Hải Phòng mà qua cầu Tân Vũ – Lạch Huyện tới cảng Lạch Huyện.
Tổng chiều dài toàn tuyến đường sắt này gần 393km. Toàn tuyến có 37 ga, xây mới 96 cầu, 26 hầm, xây mới 1.084 hầm chui dân sinh. Tốc độ thiết kế 160km/h.
Sau khi tư vấn hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ trình Bộ GTVT và các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Nếu được thông qua, tuyến đường sắt này được chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2020 – 2025 và xây dựng sau năm 2025.
Tuy vậy, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau với đề xuất trên. Thay vì xây mới một số đoạn qua Hưng Yên, Hải Dương, có thể tận dụng Dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân hiện đã làm khổ đường 1.435mm về đến Uông Bí (Quảng Ninh). Đồng thời có nhánh kết nối với cảng Lạch Huyện.
Phía Bộ GTVT cho hay, việc nghiên cứu quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt mới trên để đồng bộ kết nối chạy tàu liên vận quốc tế. Do hiện nay các tuyến đường sắt của Việt Nam hầu hết là khổ ray 1.000mm, trong khi các tuyến đường sắt liên vận quốc tế hiện nay đều khổ ray 1.435mm. Việt Nam hiện mới chỉ có 1 số đoạn Đồng Đăng – Gia Lâm (Hà Nội); đoạn Hà Nội – Hạ Long có đường ray khổ 1.435mm.
Được biết, hiện có không ít đơn vị phía Trung Quốc rất quan tâm tới dự án đường sắt này.