Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đã ký 197 văn bản hợp tác “Vành đai, Con đường”...

TQ đã ký 197 văn bản hợp tác “Vành đai, Con đường” với 137 nước và 30 tổ chức quốc tế

Người phát ngôn báo chí Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc Mạnh Vĩ (15/11) cho biết, tính đến cuối tháng 10 năm nay, Trung Quốc đã ký 197 văn bản hợp tác “Vành đai, Con đường” với 137 nước và 30 tổ chức quốc tế, trong đó có nước đang phát triển, nước phát triển, cũng có nhiều công ty, tổ chức tài chính và ngân hàng của nước phát triển hợp tác với Trung Quốc khai thác thị trường bên thứ ba.

Theo Người phát ngôn báo chí Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc Mạnh Vĩ, Trung Quốc đã ký 197 văn bản hợp tác “Vành đai, Con đường” với 137 nước và 30 tổ chức quốc tế. Bà Mạnh Vĩ cũng cho biết, tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào, tuyến đường sắt Trung Quốc – Thái Lan, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bangdung và tuyến đường sắt Hunggari – Sebia được thúc đẩy vững chắc, những dự án như cảng biển Gwadar, cảng biển Hanbantota… tiến triển thuận lợi. Tính đến cuối tháng 10, lũy kế đã có 20 nghìn chuyến tàu hàng chuyên tuyến Trung Quốc – châu Âu.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra lần đầu tiên vào năm 2013 trong bối cảnh toàn cầu hóa và liên kết kinh tế vẫn tiếp tục là xu thế lớn trong đời sống kinh tế quốc tế. Mục đích của sáng kiến nhằm thúc đẩy kết nối trên 5 lĩnh vực về chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại – đầu tư, tài chính – tiền tệ và con người được đề ra trên cơ sở 5 nguyên tắc tham vấn, bình đẳng, cùng có lợi, hòa hợp và bao trùm, hoạt động dựa trên thị trường, cân bằng và bền vững. Đây là những lĩnh vực hợp tác phù hợp với lợi ích của các nước.

Trung Quốc luôn tuyên truyền rằng Sáng kiến nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và Bắc Kinh tuyệt đối tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế hiện hành: Đầu tiên, Trung Quốc kêu gọi duy trì trật tự trên biển quốc tế hiện tại và tôn trọng các khái niệm đa dạng về phát triển biển của các quốc gia dọc Con đường. Mối quan tâm của tất cả các bên liên quan sẽ được đáp ứng, sự khác biệt sẽ được thu hẹp và tìm kiếm nền tảng chung. Thứ hai, Trung Quốc chủ trương mở cửa thị trường hơn nữa, nâng cao môi trường đầu tư, xóa bỏ các rào cản thương mại và thúc đẩy đầu tư, thương mại. Trung Quốc tìm kiếm sự tin tưởng lẫn nhau về mặt chính trị, đẩy mạnh đối thoại giữa các nền văn minh, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và cùng tồn tại hài hòa. Thứ ba, Trung Quốc tuân thủ luật lệ thị trường và các định chế quốc tế, phát huy vai trò chính của doanh nghiệp. Trung Quốc khuyến khích sự ra đời của các đối tác thành viên và thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của chính phủ, các tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và các chủ thể công nghiệp và thương mại trong hợp tác trên biển. Thứ tư, Trung Quốc tôn trọng ý chí của các quốc gia dọc tuyến đường, cân nhắc lợi ích của tất cả các bên và phát huy lợi thế so sánh của họ. Trung Quốc sẽ cùng đưa ra kế hoạch, phát triển cùng nhau và chia sẻ thành quả hợp tác. Trung Quốc giúp đỡ các nước đang phát triển xóa bỏ đói nghèo và cùng thúc đẩy cộng đồng cùng chung vận mệnh. Thứ năm, Trung Quốc khuyến khích các nước dọc Con đường phối hợp chiến lược, tăng cường hợp tác thực chất và cùng xây dựng kênh vận chuyển trên biển hiệu quả, an toàn và không bị cản trở. Trung Quốc sẽ xây dựng nền tảng hợp tác trên biển và phát triển “đối tác xanh”, theo đuổi Con đường hài hòa giữa con người và đại dương, với đặc trưng bởi phát triển xanh, phát triển kinh tế biển, an ninh biển, tăng trưởng sáng tạo và quản trị chung. Thứ sáu, Trung Quốc khẳng định sẽ làm sâu sắc hợp tác trên biển bằng việc thúc đẩy các mối liên kết gần gũi hơn với các quốc gia dọc tuyến đường thông qua Vành đai kinh tế trên biển ở Trung Quốc. Hợp tác trên biển sẽ tập trung vào xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc – Ấn Độ Dương – châu Phi và Địa Trung Hải thông qua kết nối hành lang kinh tế Trung Quốc – Bán đảo Đông Dương, chạy về phía Tây từ Biển Đông tới Ấn Độ Dương, và kết nối với Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), và Hành lang kinh tế Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar (BCIM-EC). Các nỗ lực này được triển khai đồng thời với việc xây dựng một Hành lang kinh tế xanh Trung Quốc – châu Đại Dương – Nam Thái Bình Dương, chạy về phía Nam từ Biển Đông tới Thái Bình Dương. Một Con đường kinh tế xanh nữa cũng được thúc đẩy từ châu Âu qua Bắc Băng Dương.

Để thực hiện Sáng kiến trên, Trung Quốc đã triển khai nhiều kế hoạch, chính sách liên quan. Chính phủ Trung Quốc tích cực tìm kiếm khả năng hợp tác biển với các quốc gia dọc theo trục Con đường, cụ thể: Trung Quốc ký kết các thoả thuận, biên bản ghi nhớ (MOU) và tuyên bố chung ở cấp liên chính phủ về hợp tác biển với các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan, Maldives và Nam Phi. Trung Quốc cũng nỗ lực để đồng bộ hoá chiến lược và xây dựng quan hệ đối tác sâu rộng với các quốc gia dọc theo trục Con đường. Chính phủ Trung Quốc cũng huy động nguồn lực trong nước và thiết lập các “Quỹ hợp tác biển Trung Quốc – ASEAN” và “Quỹ hợp tác biển Trung Quốc – Indonesia”. Trung Quốc cũng tiến hành “Chương trình khung hợp tác quốc tế về Biển Đông và các đại dương gần kề Biển Đông”. Đồng thời, “Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á” (AIIB) và “Quỹ Con đường tơ lụa” cung cấp nguồn vốn hỗ trợ cho nhiều chương trình hợp tác biển lớn. Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích mở rộng các khu vực kinh tế như Vành đai Bột Hải, Đồng bằng sông Dương Tử, Bờ phía Tây eo biển Đài Loan, Đồng bằng sông Châu Giang và các thành phố cảng biển Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tỉnh Phúc Kiến trở thành địa bàn trọng yếu của “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và thúc đẩy phát triển Khu vực phát triển kinh tế biển Chiết Giang, Khu vực thí điểm kinh tế biển Phúc Kiến, khu vực quần đảo Châu Sơn…

Trái ngược với những gì Trung Quốc tuyên truyền, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng hoạt động đầu tư trong khuôn khổ chương trình hạ tầng toàn cầu “Vành đai, Con đường” để thiết lập các căn cứ quân sự tại nhiều nơi trên thế giới. Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Trung Quốc sẽ tìm cách thiết lập căn cứ quân sự tại các nước mà họ có quan hệ hữu nghị lâu dài và lợi ích chiến lược tương đồng trong khuôn khổ chương trình hạ tầng toàn cầu “Vành đai, Con đường”. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, các vị trí tiềm năng có thể được chọn làm nơi đặt căn cứ quân sự bao gồm Trung Đông, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ còn cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh quân sự, ngoại giao, kinh tế ngày càng tăng của đất nước để làm đòn bẩy nhằm thiết lập vị trí trong khu vực và mở rộng ảnh hưởng quốc tế. Trong khi đó, giới truyền thông phương Tây cũng đưa ra những nhận định tương tự khi cho biết Trung Quốc đang có nhiều động thái củng cố sự hiện diện ở nhiều cơ quan quốc tế, thâu tóm công nghệ hàng đầu, thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ về mặt kinh tế trên toàn thế giới và phô bày năng lực quân sự ở cả đất liền, đại dương, cũng như không gian.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang có 02 căn cứ quân sự ở nước ngoài. Căn cư đầu tiên được Trung Quốc (7/2017) xây dựng tại Cộng hòa Djibouti, nằm ở bờ biển phía Đông của châu Phi. Căn cứ thứ hai được Trung Quốc xây dựng tại bờ biển phía Nam Pakistan. Để thiết lập được căn cứ quân sự ở nước ngoài, Trung Quốc đã triển khai tổng hợp nhiều biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự. Trung Quốc đã theo đuổi một hành trình liên tục mở rộng tăng cường ảnh hưởng về cả kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự đối với những “mục tiêu” được lựa chọn. Thông thường, Bắc Kinh sẽ chọn những nước chậm phát triển về kinh tế- xã hội, có trình độ khoa học kỹ thuật, quân sự lạc hậu ở những vùng xa xôi và đương nhiên, những nước này phải có vị trí địa chiến lược quan trọng, có thể hỗ trợ những bước phát triển chiến lược của Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực Tây Á, châu Phi là những “miếng mồi” ngon mà Bắc Kinh đang nhắm đến. Để đạt được mục tiêu, Trung Quốc đã triển khai một loạt những biện pháp mua chuộc:

Về kinh tế, Trung Quốc không tiếc tiền đầu tư kinh tế, viện trợ nhân đạo, cho vay ưu đãi… nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại của nước sở tại, đồng thời tạo sự lệ thuộc về kinh tế của những nước trên đối với Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016, kim nghạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và châu Phi đã đạt 149,1 tỷ USD và quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và châu Phi đang phát triển nhanh chóng, trong đó có quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và các quốc gia ở châu lục này. Trung Quốc đang trở thành động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội ở nhiều quốc gia châu Phi hiện nay và trong tương lai. Theo các chuyên gia khu vực, quy mô đầu tư của Trung Quốc ước tính lên tới gần 3.000 dự án ở gần 60 quốc gia châu Phi với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 95 tỷ USD hiện nay. Các chương trình, dự án đầu tư của Bắc Kinh vào châu Phi tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý, để được triển khai căn cứ quân sự ở Djibouti, các ngân hàng của Trung Quốc trở thành nhà cung cấp vốn chính của ít nhất 14 công trình hạ tầng cho Djibouti, tổng trị giá những công trình này là 14,4 tỷ USD, bao gồm một tuyến đường sắt rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa Djibouti với thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Về ngoại giao, Trung Quốc tích cực mua chuộc, lôi kéo giới chức lãnh đạo nước sở tại ủng hộ lập trường, chủ trương của Bắc Kinh. Với chiêu bài chi tiêu mua chuộc, đút lót và sử dụng ảnh hưởng chính trị, ngoại giao để mặc cả, gây sức ép, Trung Quốc đã thành công ở châu Phi và Tây Á. Đáng nể nhất là việc Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena thông qua quyết định sa thải Bộ trưởng Tư pháp Wijeyadasa Rajapakse sau khi ông này chỉ trích chính phủ Sri Lanka ký thỏa thuận bán 70% cổ phần cảng biển Hambantota chiến lược trị giá 1,5 tỉ USD cho Tập đoàn nhà nước China Merchant Port Holdings (CMPort) của Trung Quốc trong thời hạn 99 năm.

Về quân sự, quân đội Trung Quốc tích cực thông qua các hoạt động giao lưu quân sự, viện trợ trang thiết bị quân sự và hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật… để lấy lòng các nước. Đồng thời, thông qua các hoạt động trên, Bắc Kinh cũng tuyên truyền về “mục đích hòa bình” khi Trung Quốc triển khai các cắn cứ quân sự ở nước sở tại. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri) công bố một báo cáo cho biết số lượng vũ khí mà Trung Quốc bán cho châu Phi đã tăng thêm 55% kể từ khi ông Tập Cận Bình lên giữ chức Chủ tịch vào năm 2013. Đáng chú ý trong số vũ khí này có loại súng giống AK-47 có giá rẻ hơn và đang được sử dụng tại một số khu vực căng thẳng như Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Trung Phi và Nam Sudan.

Về chính trị, Trung Quốc đang tích cực tạo dựng ảnh hưởng đối với khu vực châu Phi. Về mặt chính sách, Trung Quốc vào năm 2006 đã công bố Chính sách châu Phi của mình, trong đó công bố chi tiết về quan hệ Trung Quốc-châu Phi trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục, xã hội, và an ninh (tất nhiên điểm nhấn trong đó vẫn là kinh tế)… Các nguyên tắc chỉ đạo trong chính sách châu Phi bao gồm tôn trọng chủ quyền, bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, học hỏi lẫn nhau và cùng phát triển. Đây cũng là cơ sở cho chính sách Trung Quốc “không can thiệp và không đặt điều kiện” trong quan hệ với các nước châu Phi. Quan điểm “không can thiệp” vào công việc nội bộ của các nước châu Phi đã giúp Trung Quốc chiếm được thiện cảm và niềm tin của các đối tác châu Phi, vốn từng chịu ách thực dân phương Tây trong nhiều năm và hiện vẫn bị phương Tây gây sức ép trên các phương diện mà phương Tây gọi là “nhân quyền” và “dân chủ”.

Về khoa học kỹ thuật, bên cạnh viện trợ tài chính và các chương trình cho vay, Trung Quốc còn đặc biệt coi trọng trợ giúp kỹ thuật để gây dựng ảnh hưởng trong khu vực, khiến nhiều nước châu Phi chịu lệ thuộc, chi phối vào Bắc Kinh.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc lợi dụng “Vành đai, Con đường” để tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn, do các nước đều lo ngại về bẫy nợ và âm mưu của Trung Quốc. Mới đây, Tập đoàn DP World của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã chính thức kiện Công ty xây dựng cảng China Merchants Port Holdings (CM Port) thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm thỏa thuận độc quyền phát triển cảng biển. Tòa án tối cao Hồng Kông dự kiến sẽ mở phiên tranh tụng vào ngày 15/10/2019 về mâu thuẫn liên quan tới quyền phát triển cảng biển giữa nhà khai thác cảng toàn cầu DP World với tập đoàn CM Port tại Djibouti. Nếu vụ kiện được đưa ra xét xử, đây sẽ là trường hợp đầu tiên liên quan đến sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc bị đưa ra tòa án.

RELATED ARTICLES

Tin mới