Trung Quốc ngày càng hoạt động tích cực tại khu vực Trung Đông, cạnh tranh với Nga và Mỹ để gây ảnh hưởng trong khu vực. Những thành tựu của Trung Quốc tại đây là không thể phủ nhận.
Trung Đông là một phân miền lịch sử và văn hoá của vùng Phi-Âu-Á về mặt truyền thống là thuộc các quốc gia vùng Tây Nam Á và Ai Cập. Trong những phạm vi khác, vùng này có thể gộp vào vùng Bắc Phi và Trung Á. Các nền kinh tế phát triển thịnh vượng tính theo PPP như Qatar, Kuwait, UAE, Bahrain và Síp. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang tích cực tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực này nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của Mỹ và Nga trong khu vực.
Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 30 máy bay do thám tấn công không người lái Rainbow-4 cho các quốc gia tại Trung Đông, nhất là cho Arab Saudi và Iraq. Theo báo cáo từ Hiệp hội Hàng không – Vũ trụ Trung Quốc, việc xuất khẩu máy bay không người lái sang các quốc gia này không chỉ nằm trong dự án “Vành đai và con đường” của Trung Quốc, mà còn là vì vai trò của các phi cơ này trong các hoạt động chống khủng bố boàn cầu. Tất cả đều nhằm mở rộng trao đổi quân sự giữa các quốc gia với nhau và tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Không những vậy, vào tháng 9 năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra dự án “Vành đai và con đường”. Đây là một dự án mang tính chiến lược toàn cầu, bao gồm xây dựng một vành đai kinh tế của Trung Quốc theo con đường tơ lụa trước kia và xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển của thế kỉ 21”. Dự án này nhằm xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng rộng khắp từ biên giới phía tây Trung Quốc tới biên giới phía đông và phía nam châu Âu. Để đạt được điều này, Trung Quốc cần phải thúc đẩy trở lại sự tăng trưởng kinh tế quốc gia, vốn giảm từ mức 10,4% vào năm 2010 xuống còn 6,9% trong năm 2017. Những tuyến đường mới này sẽ giúp Trung Quốc tối ưu hóa việc vận chuyển, và giảm giá thành hàng hóa của họ, bên cạnh đó còn giúp họ tăng cường vị thế của mình tại thị trường Á-Âu cũng như tạo ra thêm nhiều cơ hội giúp họ tiếp cận được với các thị trường khác trên thế giới, nhất là thị trường tại châu Phi. Vành đai kinh tế của Trung Quốc theo con đường tơ lụa trước kia cũng sẽ giúp Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng về địa chính trị vì nó kết nối nhiều quốc gia với các nền kinh tế cùng nguồn lực về công nghệ, con người, tài chính và chính trị. Trung Đông giữ một vai trò rất quan trọng đối với việc thực hiện dự án đầy tham vọng này: đặc điểm về vị trí địa lý đã biến nơi đây thành khu vực trung chuyển quan trọng giữa châu Á và châu Âu.
Việc áp dụng ý tưởng này vào thực tiễn đòi hỏi các nguồn lực về kinh tế và năng lượng rất lớn của Trung Quốc. Bắc Kinh đặc biệt coi trọng vai trò của Trung Đông: năng lượng luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong năm 2017, lượng khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng thêm 26,9%, đạt 68,6 triệu tấn. Sản lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc cũng tăng 10,2% (419,57 triệu tấn). Trong khi đó, Qatar là một trong những nhà cung cấp khí đốt chính cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nhập khẩu dầu từ Iraq, Iran và Arab Saudi. Trước đây, Riyad từng là nhà cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc, nhưng vào năm 2016 và năm 2017, Arab Saudi đã bị Nga “vượt mặt”. Do vậy, tự nhiên Trung Quốc đã trở thành một trong các đối tác kinh tế – thương mại quan trọng nhất của các quốc gia Trung Đông. Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỉ USD vào Iraq, Iran và các quốc gia Vùng Vịnh khác. Và Trung Quốc cũng dự định mở rộng đáng kể sự hợp tác này, bằng cách hình thành một khu vực thương mại tự do (FTA), quy tụ tất cả các thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng quan tâm đến Palestine. Vào tháng Giêng năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 50 triệu nhân dân tệ cho quốc gia này – gần 8 triệu đô la. Song song đó, Trung Quốc cũng đang tích cực phát triển quan hệ với Israel. Chẳng hạn, các công ty của Trung Quốc hiện đang xây dựng một bến cảng mới tại cảng Ashdod, tuyến đường sắt tại Tel-Aviv và một đường hầm tại Mount Carmel ở Haifa. Quan trọng hơn thế, họ rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ của Israel như trong các ngành về Internet, an ninh mạng, các thiết bị y tế, năng lượng thay thế và nông nghiệp. Iran từ lâu đã có mâu thuẫn với Israel, tuy nhiên điều này cũng không cản Tehran và Trung Quốc xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị và lâu dài. Trung Quốc đã thường xuyên giúp nước Cộng hòa Hồi giáo này trong những thời kỳ khó khăn nhất khi Tehran phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế, và mối quan hệ hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển: thương mại song phương đã tăng 22% vào năm 2017, đạt 30,5 tỉ USD. Điều quan trọng nữa là người Iran còn sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch hợp tác này. Vì vậy, Trung Quốc phải duy trì vị thế cân bằng trong hệ thống các mối quan hệ chính trị phức tạp tại Trung Đông. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng phải nuôi dưỡng, xây dựng mối quan hệ hòa hảo với các quốc gia có quan hệ thù địch lẫn nhau. Một trong các lợi thế của Trung Quốc là không xung đột về tôn giáo, thuộc địa và lịch sử có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác.
Trung Quốc không thể hiện sự phân biệt đối xử trong quan hệ giữa người Do Thái với người Arab, hay giữa người Sunni với người Chite, và duy trì chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia trên. Tất cả điều này đều trái ngược với chính sách quân sự mà các thế lực bên ngoài vẫn luôn tiến hành tại khu vực Trung Đông. Hơn thế nữa, Trung Quốc cũng đang quan tâm tới các vấn đề an ninh tại các khu vực này, nhất là đối với sự đe dọa của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Giống như Nga, Trung Quốc cũng phải đối mặt với mâu thuẫn bên trong của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Người Hồi giáo ở Trung Quốc đã tham gia chiến đấu trong hàng ngũ các tổ chức khủng bố như của IS và Mặt trận al-Nosra. Những thành phần này có thể sẽ quay về Trung Quốc để hoạt động. Ngoài ra, các nhóm khủng bố tại Trung Đông cũng đang đe dọa đến các lợi ích về kinh tế của Trung Quốc, nhất là đối với kế hoạch thực hiện dự án “Vành đai và con đường” của Bắc Kinh. Đó là lí do tại sao, Bắc Kinh lại ủng hộ việc chống lại chủ nghĩa khủng bố tại Trung Đông bằng cách bán vũ khí và máy bay không người lái cho các quốc gia trong khu vực này. Trung Quốc cũng đang nỗ lực để thúc đẩy hòa bình tại khu vực này, vì các cuộc xung đột giữa những nước Trung Đông đã kéo dài gây trở ngại cho việc thực hiện dự án. Đặc biệt, Trung Quốc ủng hộ tất cả các nỗ lực nhằm giảm căng thẳng giữa Iran và Arab Saudi. Tất cả điều này là nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực cũng như đảm bảo việc thực hiện ý đồ của họ.
Trong bối cảnh như hiện nay, chúng ta có thể tự hỏi liệu Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì sự cân bằng trong quan hệ với các nước Trung Đông hay không? Chỉ cần một tác động rất nhỏ lên bất kì mâu thuẫn nào trong hệ thống khu vực Trung Đông cũng có thể gây ra một phản ứng dây chuyền và làm leo thang căng thẳng cho những cuộc xung đột vốn đã phức tạp đang xảy ra tại khu vực này. Chẳng hạn, quan hệ đối tác giữa Riyad và Bắc Kinh cũng không thể nào tránh khỏi những nghi ngờ liên tục phát sinh trong mối quan hệ này của họ: Arab Saudi đã có những nghi ngờ liên quan đến chính sách của Trung Quốc tại Syria. Trong cuộc khủng tại Syria, Trung Quốc đã đứng về phía Nga và Iran, phủ quyết một số quyết định do phương Tây đưa ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Điều này rõ ràng đã mâu thuẫn với các lợi ích của Riyad. Trung Quốc cũng có những yêu sách riêng dành cho Arab Saudi khi vương quốc này ủng hộ những người Trung Quốc thuộc dòng Sunni và nhất là với người Duy Ngô Nhĩ. Rất nhiều hoàng tử của Saudi cổ vũ cho những nỗ lực của người Duy Ngô Nhĩ trong việc đấu tranh giành cho tự do tôn giáo. Đây là một trong các lí do khiến Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Saudi bằng cách đa dạng hóa nguồn cung và Nga cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện quá trình này.
Sự thiện cảm của Trung Quốc đối với Iran tất nhiên tác động đến các lợi ích của Israel và Hoa Kỳ, khi mà các quốc gia này muốn giảm bớt tầm ảnh hưởng của Iran tại khu vực Trung Đông. Việc phát triển của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải về phía Trung Đông và việc ủng hộ cho sự gia nhập của Iran vào tổ chức này hiện nay đương nhiên làm tăng thêm các mối lo ngại cho Riyad. Mặc dù Bắc Kinh đã cố gắng duy trì tính trung lập bằng mọi cách, nhưng Trung Quốc sẽ bị buộc phải chọn đứng về phía nào và dĩ nhiên họ sẽ phải chọn Iran nếu nước này gia nhập vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Để giảm thiểu các rủi ro, Trung Quốc sẽ sử dụng các công cụ kinh tế có ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực, nhất là các lợi ích hấp dẫn về mặt kinh tế của dự án “vành đai”. Việc tham gia của các nước Trung Đông vào dự án này sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình đầu tư, tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và giúp hài hòa sự tăng trưởng không đồng đều đang diễn ra giữa các thành phố lớn. Song song với đó, Trung Quốc cũng muốn mở rộng việc trao đổi văn hóa và giáo dục: họ dự định đào tạo các kỹ thuật viên cho các nước thành viên của dự án “vành đai”. Chiến lược này sẽ giúp loại bỏ các nguyên nhân gây mất ổn định trong quan hệ của họ với các nước Trung Đông. Các cuộc chiến tranh không có nghĩa là không còn chỗ để kinh doanh, mà đây là một trong các cơ hội quan trọng của Trung Quốc.
Từ lâu, các chuyên gia đã cho rằng, với việc thúc đẩy xây dựng chương trình “Một vành đai, một con đường”, Trung Quốc muốn tăng cường ảnh hưởng chính trị của riêng mình, làm suy yếu ảnh hưởng của các đối thủ. Một số khác thì lo ngại Trung Quốc có thể làm suy yếu các chuẩn mực về nhân quyền, môi trường và các tiêu chuẩn khác trong việc cấp tín dụng, hoặc là để cho các nước nghèo đang trong tình trạng nợ nần chồng chất nhận được trợ giúp của Trung Quốc.Theo giới chuyên gia, cho đến nay, hầu hết sự hợp tác của Trung Quốc với các nước Trung Đông tập trung vào quan hệ năng lượng và kinh tế, song mọi chuyện đang dần thay đổi. Những diễn biến gần đây cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường quan hệ với các nước Trung Đông cả trên các lĩnh vực như quốc phòng và văn hóa. Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 15 quốc gia Trung Đông, trong đó đáng chú ý nhất là Saudi Arabia. Vương quốc này hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại Tây Á, trong khi Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Riyadh trên thế giới. Không những vậy, hơn 200.000 công dân Trung Quốc hiện đang cư trú tại UAE, và cảng Dubai là một trung tâm vận chuyển và hậu cần toàn cầu quan trọng đối với hàng hóa Trung Quốc. UAE và Saudi Arabia gần đây đã lên tiếng về dự định đưa các nghiên cứu bằng tiếng Trung vào chương trình giáo dục quốc gia của họ.
Trong thập kỷ qua, sự quan tâm của Trung Quốc dần mở rộng ra các tuyến hàng hải như Biển Đỏ, Kênh đào Suez và Eo biển Bab el-Mandeb. Việc tăng cường ảnh hưởng trong và xung quanh các “điểm nút địa lý” đối với thương mại và vận chuyển dầu khí toàn cầu đã trở thành mấu chốt trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh ở phía Tây lục địa Á-Âu. Không có gì ngạc nhiên khi Ai Cập nằm trong chương trình nghị sự đầu tư của Trung Quốc. Hàng tỷ USD vốn đầu tư đã được Bắc Kinh đổ vào Ai Cập. Trung Quốc đang giúp Ai Cập xây dựng thủ đô hành chính mới trên sa mạc bên ngoài Cairo, cũng như một cảng bên bờ Biển Đỏ và khu công nghiệp ở Ain Sukhna. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã có 6 chuyến công du Bắc Kinh kể từ năm 2014, so với chỉ 2 chuyến thăm tới Mỹ, vốn là đối tác an ninh truyền thống của Cairo. Mối liên hệ ngày càng khăng khít giữa các quốc gia Trung Đông và Trung Quốc là một vấn đề nhạy cảm đối với phương Tây. Vị thế quốc tế đang gia tăng của Mỹ đã buộc Washington phải giảm bớt một số trách nhiệm của mình tại khu vực Á-Âu. Điều này đã khiến các nước nhỏ phải xem xét lại mối quan hệ của họ với Mỹ, đồng thời cân nhắc về vị thế đang lên của Trung Quốc.
Tuy nhiên, truyền thông Nhật Bản cho rằng việc Trung Quốc tăng cường hiện diện và thắt chặt quan hệ với Trung Đông nhưng đây chỉ là bề nổi, thực chất cả Trung Quốc và các nước Trung Đông đều “bằng mặt mà không bằng lòng” với nhau. Đầu tiên, quan hệ Trung Quốc và Iran không hề “đầm ấm”. Trong khi Mỹ coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa trực tiếp thì Mỹ lại coi sự trỗi dậy và xuất hiện của Trung Quốc ở Trung Đông là “gián tiếp” không kém phần nguy hiểm, nhất là khi hai quốc gia bắt tay, mặc dù cả hai chỉ “bằng mặt mà không bằng lòng”. Trong thực tế Iran và Trung Quốc bắt đầu xuất hiện những tình tiết mới, đặc biệt là hậu Chiến tranh lạnh, chính sách thù địch với phương Tây và Mỹ gia tăng, và gần đây khi quốc gia này có tân tổng thống. Trong chiến tranh Iran- Irắc những năm thập niên 80 ở thế kỷ trước, Trung Quốc đã từng hỗ trợ đắc lực cho Iran và giờ đây còn tiếp tục cung cấp cho Iran sự hỗ trợ về quân sự và hạt nhân, thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại song phương lên “tầm cao mới”, tăng từ 12 tỷ USD năm 1997 lên 28 tỷ USD năm 2009, đưa Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Iran. Cũng trong thời gian nói trên sự trừng phạt vẫn tiếp tục áp dụng với các công ty năng lượng phương Tây, nên các công ty của Trung Quốc đã nhanh chóng thế chân, đưa doanh số thương mại song phương vượt trên trên 45 tỷ USD. Mặc dù bề ngoài thân thiện nhưng đằng sau chiếc mặt nạ này là mối quan hệ âm mưu và toan tính. Tehran từ lâu đã coi Bắc Kinh như một con dao hai lưỡi, còn Trung Quốc thì lại sử dụng Iran như một con bài, làm đòn bẩy trong giao dịch với Mỹ và sẵn sàng “sang tay” nếu như có lợi. Gần đây, trong khi ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chương trình hạt nhân của Iran nhưng Trung Quốc lại ngấm ngầm bảo vệ những lợi ích riêng tại Iran. Theo báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương công bố năm 2011, trong số 45 tỷ USD thương mại song phương Trung Quốc – Iran thì có tới 3 tỷ USD được giải ngân. Ngoài ra, thị trường Iran đang tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, sự kiện này đã tàn phá ngành công nghiệp trong nước, làm cho người dân Iran bất bình, dấy lên làn sóng phản đối, tẩy chay và yêu cầu chính phủ Iran phải vào cuộc để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Giống như ở Iran, Trung Quốc đã xây dựng một mối quan hệ tương tự tại Afghanistan. Cả Afghanistan, Iran lẫn Trung Quốc đều phản đối sự cai trị của Taliban trong những năm 90 nhưng riêng Trung Quốc còn chơi cả với Taliban phòng khi tổ chức này quay lại nắm quyền. Mối giao bang giữa Trung Quốc với Pakistan gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhất là khi mối quan hệ Islamabad với Washington xấu đi nghiêm trọng. Đặc biệt là sự hiện diện của người Trung Quốc tại tỉnh Balochistan của Pakistan, nơi Trung Quốc đang thực hiện dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, đặc biệt là mở rộng cảng Gwadar. Tuy nhiên trong chừng mực nào đó, nó lại gây ra mối đe dọa cho Iran vì hậu thuẫn cho nhóm khủng bố chống Iran, có tên Jundallah phát triển. Tóm lại, sự hiện diện của người Trung Quốc tại khu vực này gây bất lợi cả cho Iran lẫn Pakistan lẫn Ấn Độ. Có thể dễ hiểu cảng Gwadar là “chuỗi ngọc trai” béo bở ở Trung Đông mà từ lâu người Trung Quốc đã nhắm tới. Thứ hai, lợi ích của Trung Quốc và Iran còn liên quan đến vùng Trung Á. Sự sụp đổ của Liên Xô đầu thập niên 90 đã tạo thuận lợi cho cả Iran lẫn Trung Quốc cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, giúp các quốc gia này mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Trung Quốc nuôi tham vọng thay thế Nga, thậm chí cả Mỹ tại khu vực Trung Á. Trong 10 năm trở lại đây, Trung Quốc không ngừng mở rộng kinh tế, chính trị và quan hệ an ninh tại một khu vực Trung Á này. Bắc Kinh hiện đang ngày càng thâm nhập xâu vào khu vực thông qua mạng lưới các mối quan hệ song phương và các tổ chức đa phương như SCO. Nhiều chuyên gia Trung Á cho rằng Trung Quốc đã thay thế Nga trong khu vực. Tuy nhiên, cả Iran lẫn Trung Quốc đều gờm các tổ chức cực đoan khủng bố Hồi giáo, đặc biệt khi các tổ chức này cấu kết với các tổ chức cực đoạn tại Tân Cương. Về lợi ích năng lượng của Trung Quốc và Iran ở Trung Á lại có sự mâu thuẫn. Bằng cách xây dựng một loạt các đường ống dẫn dầu và đường sắt, như hành lang Kazakhstan – Turkmenistan – Iran – Iran đã giúp Trung Quốc khẳng định vị trí của mình tại khu vực Trung Á và Vịnh Ba Tư.
Nhìn chung, trong tương lai, Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn hơn để vượt lên trong cuộc cạnh tranh ở Trung Đông. Bắc Kinh sẽ phải trở nên nhạy bén hơn trước những thách thức đang gia tăng đối với các kế hoạch kinh doanh của mình trên các tuyến giao thương đường biển và đường bộ. Vị thế đang lên của Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến Mỹ bất an. Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã cảnh báo về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông, qua đó có thể làm suy yếu sự hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống trong khu vực. Xét về dài hạn, Trung Đông đang dịch chuyển sang một khía cạnh cạnh tranh không thể tránh được giữa Mỹ và Trung Quốc.