Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaVấn đề Biển Đông là tâm điểm Hội nghị Bộ trưởng Quốc...

Vấn đề Biển Đông là tâm điểm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN

Trong khuân khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các Hội nghị liên quan, vấn đề Biển Đông tiếp tục là tâm điểm “nóng” được giới chức quốc phòng các nước ASEAN, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… thảo luận.

Tại Hội nghị Quốc phòng ASEAN không chính thức (17/11), giới chức quốc phòng ASEAN đã thảo luận về hợp tác an ninh nội khối và các vấn đề quốc tế, trong đó có Biển Đông. Tại cuộc họp trên, một số bộ trưởng bày tỏ lo ngại về các diễn biến gần đây trên Biển Đông, tuy nhiên lạc quan về tiến triển của đàm phán COC, văn kiện được kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực. Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan cho biết trong những năm qua, hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ, với việc thành lập các cơ chế hợp tác mới và các hoạt động liên quan khác. Đó là những minh chứng cho cam kết của các nước trong việc tăng cường sự ổn định, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN nhằm xây dựng ASEAN là một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển theo Tầm nhìn ASEAN 2025. Tuy nhiên, Đại tướng Prawit Wongsuwan cho rằng ASEAN vẫn đang phải đối mặt với những thách thức và đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, điều không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết được. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen bày tỏ quan ngại về mối đe dọa khủng bố từ những nhóm cực đoan di chuyển tới khu vực sau khi sụp đổ tại Trung Đông. Do đó, ông kêu gọi các nước ASEAN tăng cường năng lực chống khủng bố để đối phó.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch bày tỏ đồng tình với chia sẻ của các trưởng đoàn, đó là khu vực hiện vẫn đang phải đối mặt với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đòi hỏi các quốc gia trong và ngoài khu vực cần chung tay hợp tác trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế để cùng giải quyết những thách thức chung. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh đến một số vấn đề mà khu vực đang phải đối mặt. Trước hết là sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực mang lại thuận lợi, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Do đó, các nước ASEAN cần chủ động, tích cực thúc đẩy đoàn kết nội khối để phát huy được vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời mở rộng hợp tác với bên ngoài thông qua các cơ chế hợp tác quốc phòng, quân sự do ASEAN dẫn dắt. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng nhấn mạnh đến vấn đề tuân thủ luật pháp quốc tế. Đây là công cụ hữu hiệu điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Việc không tuân thủ luật pháp quốc tế, diễn giải hoặc chỉ áp dụng luật pháp quốc tế khi có lợi cho mình sẽ gây ra sự nghi kỵ, mất lòng tin với nhau và thậm chí còn dẫn đến nguy cơ leo thang căng thẳng, đối đầu. Trong môi trường an ninh khu vực đang diễn ra sự cạnh tranh của các nước lớn, việc tuân thủ luật pháp quốc tế cần phải được đặt lên hàng đầu vì khi luật pháp quốc tế không được tôn trọng, những nước chịu thiệt thòi nhất không phải là các cường quốc mà là các quốc gia vừa và nhỏ. Về những căng thẳng trên Biển Đông vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho rằng để Biển Đông thực sự thành vùng biển hòa bình ổn định và phát triển bền vững, điều kiện tiên quyết là luật pháp quốc tế và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), phải được tôn trọng và điều này đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm gìn giữ của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực. Theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, đứng trước những thách thức chiến lược, ASEAN trước hết phải tăng cường gắn kết nội khối nhằm tạo sự đồng thuận, sức mạnh tập thể để ứng phó linh hoạt và chủ động với những tác động từ bên ngoài. Thời gian qua, hợp tác quốc phòng – quân sự ASEAN đã được đẩy mạnh cả trong nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài, cả song phương và đa phương.

Tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, hai bên xác nhận sẽ tiến hành tập trận hải quân chung, tuy nhiên chưa thống nhất thời gian cụ thể. Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ủng hộ những đề xuất của phía Trung Quốc khẳng định, hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là việc ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức thành công Diễn tập Hàng hải ASEAN – Trung Quốc năm 2018, Giao lưu Sĩ quan trẻ ASEAN – Trung Quốc và Giao lưu học giả quân sự ASEAN – Trung Quốc vào tháng 10/2019 vừa qua. Những hoạt động này góp phần thiết thực vào việc xây dựng lòng tin giữa ASEAN với Trung Quốc. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã đạt được một số kết quả tích cực. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cho biết sẵn sàng làm việc để giải quyết bất đồng trên biển với các nước ASEAN; khẳng định Trung Quốc coi trọng hợp tác với ASEAN; cho rằng hợp tác quốc phòng ASEAN-Trung Quốc đang ngày càng phát triển. Sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu cho biết các nước ASEAN nhất trí kêu gọi tất cả các bên tôn trọng tiến trình đàm phán COC. Liên quan đến kế hoạch tổ chức tập trận chung, ông Mohamad cho hay Trung Quốc và ASEAN sẽ tổ chức tập trận hàng hải chung lần 2 nhưng chưa đưa ra thời gian và địa điểm.

Tại cuộc gặp không chính thức giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono khẳng định Nhật Bản ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực. Nhật Bản cũng mong muốn tận dụng các cơ hội hợp tác với ASEAN để đạt được hiệu quả nhất và trên cơ sở nhu cầu của từng bên. Nhật Bản cũng cam kết sẽ giúp ASEAN tăng cường năng lực, nhất là về công nghệ và sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên cơ sở “Tầm nhìn Vientiane” đã được nâng cấp. Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN khẳng định, quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản không ngừng mở rộng trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua; đánh giá cao những hỗ trợ và sự ủng hộ của Nhật Bản đối với việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực. Các Bộ trưởng mong muốn, thông qua hợp tác, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp vào việc tăng cường hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực.

Tại cuộc gặp không chính thức giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper tái khẳng định cam kết của Mỹ về Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền các quốc gia dù lớn hay nhỏ và tôn trọng luật pháp quốc tế. Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN hoan nghênh việc Mỹ tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt, đặc biệt là ADMM+. Ghi nhận những nỗ lực tích cực của Mỹ trong hợp tác quốc phòng với ASEAN thời gian qua, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đánh giá cao việc lực lượng Hải quân các nước ASEAN và Mỹ đã tổ chức thành công Diễn tập Hàng hải ASEAN – Mỹ.

Theo tờ NHK World của Nhật Bản, cuộc họp lần này tập trung thảo luận về tình hình Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực. Ngoài ra, hồ sơ phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên cũng là một chủ đề khác trong chương trình nghị sự. Giới quan sát nhận định các nước thành viên ASEAN dường như đang nỗ lực tìm kiếm một thế cân bằng trong quá trình thảo luận các vấn đề có liên quan đến Trung Quốc, sao cho không làm tổn hại đến các mối kinh tế giữa khối ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, tờ South China Morning Post trích dẫn phân tích của giới chuyên gia cho rằng “những lo ngại về các hành động ngày càng hiếu chiến của Bắc Kinh tại Biển Đông và sự vắng bóng của các lãnh đạo Mỹ trong những sự kiện ngoại giao quan trọng tại Đông Nam Á có lẽ sẽ là trọng tâm cuộc thảo luận trong phiên họp cuối tuần này”.

RELATED ARTICLES

Tin mới