Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaỦy ban châu Âu đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam...

Ủy ban châu Âu đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác hải sản trái phép

Trong buổi làm việc tại Việt Nam, Trưởng đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) Veronika Veits (14/11) ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo, không theo quy định (IUU).

Đoàn kiểm tra của EC do bà Veronika Veits, Giám đốc Cơ quan Quản trị đại dương quốc tế và nghề cá bền vững, Tổng vụ các vấn đề biển và thủy sản của EC làm Trưởng đoàn. Trong hơn 10 ngày qua, đoàn đã có nhiều cuộc kiểm tra, làm việc với các bộ, ngành, địa phương ven biển của Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định cả hệ thống chính trị của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã tập trung vào cuộc, triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục các khuyến nghị của EC. Trong đó, xác định nhiệm vụ ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác là trọng tâm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương của Việt Nam là thực hiện chính sách phát triển nghề cá hiện đại bền vững, có trách nhiệm; phòng, chống và sớm chấm dứt hoàn toàn các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam thường xuyên đi kiểm tra, làm việc để cùng với các địa phương triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp chống khai thác IUU. Qua đó, đã có nhiều chuyển biến lớn về nhận thức của ngư dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề này. Các biện pháp cụ thể về lắp đặt trang thiết bị trên các tàu cá; kiểm soát, giám sát tàu cá khi về cảng cũng được triển khai tích cực. Hiện nay, Việt Nam đã xử lý nghiệm tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các quốc gia Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc chấm dứt hoàn toàn khai thác IUU cần nhiều thời gian, đặc biệt là quyết tâm và sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ với EC và các quốc gia thành viên. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì và xây dựng kế hoạch và chiến lược nhiều giai đoạn để khắc phục được các vấn đề còn tồn tại hiện nay trong quản lý, cơ sở vật chất cũng như nhận thức của ngư dân. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, đặc biệt là một số quy định liên quan đến việc kiểm soát, xử lý tàu cá vi phạm IUU trong nước và kiểm soát tàu cá nước ngoài cập cảng nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ khai thác. Tổ chức đánh giá nguồn lợi thủy sản và đảm bảo khai thác cân bằng giữa cường lực khai thác và nguồn lợi thủy sản, giảm dần số lượng tàu khai thác, đảm bảo qui mô đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi. Yêu cầu các địa phương ven biển triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để thực hiện các khuyến nghị của EC. Trong đó đặc biệt tập trung công tác lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), đặc biệt là nhóm tàu có chiều dài từ 24m trở lên; nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật cho người dân. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong đoàn công tác EC sẽ có những đánh giá tích cực, sát với nỗ lực triển khai các giải pháp chống IUU của Việt Nam. Phó Thủ tướng đề nghị EC chia sẻ những khó khăn, sự khác biệt giữa Việt Nam và EU trong việc thực thi pháp luật, năng lực quản lý nghề cá nhiệt đới đa loài của Việt Nam, sinh kế của ngư dân và sự phức tạp của Biển Đông dẫn đến ngư trường bị thu hẹp; ủng hộ và hợp tác trong việc nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và tuyên truyền cho ngư dân.Đề nghị Đoàn thanh tra EC ủng hộ xem xét những nỗ lực tích cực của Việt Nam để sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU.

Trưởng đoàn kiểm tra của EC, bà Veronika Veits khẳng định cac cuộc làm việc trong hơn 10 ngày qua của đoàn công tác EC là rất cụ thể; thông tin được chia sẻ minh bạch do hai bên trao đổi với nhau rất thẳng thắn. Cá nhân bà và các thành viên trong đoàn ấn tượng với những kết quả Việt Nam đã đạt được trong thực hiện các khuyến nghị của EC. Bà Veronika Veits cũng cho rằng cùng với sự thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, thì sự vào cuộc của người dân là hết sức quan trọng để đảm bảo triển khai đồng nhất, hài hoà, toàn diện các giải pháp chống khai thác IUU mà Chính phủ đã đề ra. Theo Trưởng đoàn EC, với rất nhiều nỗ lực, hiện nay Việt Nam đã xây dựng được khung khổ pháp lý hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về chống đánh bắt IUU, trong đó có Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Trên cơ sở đó, đoàn kiểm tra EC kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương tiếp tục nỗ lực để triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật đã có. Trong đó, cấp tỉnh và Trung ương cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc triển khai, thực hiện của cơ sở. Đoàn kiểm tra EC cũng đề nghị Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các quốc gia khác, bởi đây là mấu chốt trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thuỷ sản Việt Nam. Muốn vậy, cần nhanh chóng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đặc biệt là các tàu lớn, có chiều dài trên 24 m, đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với việc cố tình vi phạm các quy định về việc sử dụng thiết bị định vị. Bà Veronika Veits hoàn toàn đồng tình với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc Việt Nam phải tái cơ cấu lại đội tàu, đảm bảo năng lực khai thác phù hợp với nguồn lợi hải sản. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu lại sản xuất của ngành theo hướng khuyến khích ngư dân chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng hải sản.

Trước đó, EU (23/10/2017) đã chính thức “rút thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, với lý do những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp. Thời gian cảnh báo thẻ vàng là 6 tháng, sau 6 tháng (đến 23/4/2018), khi có kết quả của đoàn kiểm tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của EC (DGMARE) về việc triển khai các quy định về IUU (các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và quản lý) của EU, có 3 khả năng xảy ra với Việt Nam: Thứ nhất, nếu Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của EC với các minh chứng cụ thể thì tình trạng cảnh báo thẻ vàng sẽ được dỡ bỏ. Thứ hai, nếu việc triển khai các quy định của EU về IUU có tiến bộ EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu. Thứ ba, trong trường hợp cảnh báo của EC không được thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả, EC sẽ ban hành biện pháp thẻ đỏ, khi đó lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào thị trường EU sẽ được áp dụng.

Thông tin Ủy ban châu Âu (EU) vừa rút thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam khiến không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU, mà cả ngư dân và người nuôi trồng thủy sản lo lắng vì theo quy định của EU, sau 6 tháng áp dụng thẻ vàng, nếu Việt Nam không thực hiện các yêu cầu mà EU nêu ra thì thủy sản Việt Nam sẽ bị rút thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU sẽ bị nghiêm cấm. Việc EU rút thẻ vàng đối với Việt Nam theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng là cơ hội để ngành khai thác hải sản Việt Nam đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Số liệu từ Tổng cục Thủy sản cho thấy, từ năm 2012 đến nay đã có 25 nước bị cảnh báo thẻ. Trong đó, có 19 nước bị cảnh báo thẻ vàng và 6 nước bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ. Đến nay, đã có 14 nước gỡ được thẻ trong đó có Thái Lan và Philippines. Để gỡ thẻ vàng, Thái Lan đầu tư khoảng 125 triệu USD (tương đương gần 2.900 tỷ đồng) trong gần 4 năm để triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu và thực hiện cải tổ bộ máy, tổ chức thêm 10 đầu mối để kiểm soát nghề cá với khoảng gần 2.000 cán bộ. Tất cả các tàu cá của nước này đều lắp đặt hệ thống định vị giám sát tàu cá VMS. Ngoài chi phí lắp đặt hệ thống định vị khoảng 1.000 USD, hàng tháng các chủ tàu sẽ phải trả khoảng 25 USD cho các nhà cung cấp dịch vụ định vị tàu cá VMS và ứng dụng của dịch vụ này trên điện thoại di động. Trong khi đó, Philippines đã đầu tư khoảng 10 triệu EURO (tương đương 260 tỷ đồng) trong 11 tháng để triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về khai thác IUU.

Tháng 5/2018, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản của EC sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị và dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6/2019 đoàn tiếp tục vào kiểm tra thực hiện bốn nhóm khuyến nghị đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục để chống khai thác IUU gồm: khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác.

Ngay sau khi Ủy ban châu Âu cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam, các giải pháp quyết liệt đã được chỉ đạo để khắc phục các khuyến nghị và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp, đã xảy ra 16 vụ/26 tàu vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý gồm: Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Thuận. Không những vậy, hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển do địa phương quản lý để xử lý các hành vi khai thác IUU trong nước chưa đáp ứng yêu cầu, nên tình trạng khai thác IUU ở vùng biển ven bờ vẫn còn diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, việc kiểm tra và xử lý vi phạm theo đại diện lãnh đạo một số tỉnh thành là còn gặp nhiều khó khăn do không biết phải xử phạt ai, là chủ tàu hay ngư dân vì chủ tàu có thể ngồi trên bờ chứ không ra biển. Phạm vi quản lý tàu bè hoạt động trên biển lại vô cùng mênh mông; hạ tầng neo đậu tránh, trú bão chưa đáp ứng yêu cầu; việc nâng cấp cảng cá, hậu cần nghề cá chưa được quan tâm; việc xác nhận của các lực lượng chức năng đối với các tàu cá ra khơi đánh bắt chưa chặt chẽ, còn bị coi nhẹ; ghi chép báo cáo về hoạt động, địa điểm khai thác mới đạt 21,2%…

Nhìn chung, việc bị áp dụng “thẻ vàng” là trở ngại lớn cho xuất khẩu thủy sản khi Việt Nam đang đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu thủy sản. Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho rằng, bị áp dụng “thẻ vàng”, 100% lô hàng hải sản Việt Nam vào thị trường EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này ảnh hưởng không tốt trong hoạt động xuất khẩu bởi phát sinh thêm chi phí do thời gian kiểm tra kéo dài cùng nguy cơ rủi ro của doanh nghiệp khá lớn. Sau gần 2 năm Ủy ban châu Âu áp dụng “thẻ vàng” cảnh cáo đối với thủy sản Việt Nam, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU tích cực tham mưu, tổng hợp, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cấp bách, trọng tâm, trong đó, ưu tiên triển khai thực hiện về chống khai thác IUU; kiến nghị, đề xuất giải quyết các vướng mắc trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU của các bộ, ban, ngành, địa phương khi có vấn đề vượt thẩm quyền. Đây là những động thái quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong việc nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới