Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaVăn hóa đen “Đường 9 đoạn” và biện pháp đối phó của...

Văn hóa đen “Đường 9 đoạn” và biện pháp đối phó của cộng đồng quốc tế

Từ năm 2009, khi Trung Quốc chính thức công bố yêu sách “chủ quyền” theo “đường 9 đoạn” ở Biển Đông, cũng chính là thời điểm xuất hiện một loại văn hóa tuyên truyên mới – văn hóa đen về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Để ngăn chặn âm mưu, ý đồ nham hiểm của Bắc Kinh, cộng đồng quốc tế đã có những biện pháp hữu hiệu thể hiện việc phản đối và không công nhận “đường 9 đoạn”.

Nguồn gốc “văn hóa đen” của Trung Quốc

Nguồn gốc của “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông bắt nguồn từ thời kỳ Quốc Dân Đảng của Trung Hoa Dân quốc, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1947 và được thể hiện trên bản đồ về Biển Đông năm 1948. Ngoài ra, tháng 2 năm 1948, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã phê duyệt và công bố “Bản đồ Khu vực Hành chính của Trung Hoa Dân quốc cũng mô tả yêu sách “Đường 11 đoạn” ở Biển Đông. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập cũng sử dụng “Đường 11 đoạn” làm ranh giới để yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông, song đến năm 1953, Trung Quốc xóa 02 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ, biến “Đường 11 đoạn” thành “Đường 9 đoạn”. Đến ngày 7/5/2009, Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hiệp quốc phản đối Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng khu vực phía Nam Biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hiệp quốc (CLCS), trong đó đính kèm bản đồ đường chữ U (“Đường 9 đoạn”).

Để tuyên truyền cho cái gọi là yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông theo “đường 9 đoạn”, Bắc Kinh đã sử dụng mọi thủ đoạn lồng ghép hình ảnh có bản đồ trên vào mọi ấn phẩm văn hóa có thể sử dụng. Điển hình trong đó là một số vụ việc như: Năm 2012, Trung Quốc phát hành hộ chiếu điện tử mới với hình ảnh “đường 9 đoạn” mập mờ và không có cơ sở pháp lý nhằm tìm cách tuyên truyền và củng cố yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông. Theo đó, hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc, trong đó có in chìm tấm bản đồ mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình, đã bắt đầu được cấp phát hồi trung tuần tháng 5/2012. Trong bản đồ này, ngoài “đường lưỡi bò” (đường đứt khúc chín đoạn nêu lên yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông), còn có đảo Đài Loan và hai khu vực ở Ấn Độ đang do New Dehli kiểm soát mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình.

Một nhóm du khách Trung Quốc (13/5/2018) khi đến Việt Nam mặc áo in bản đồ “đường lưỡi bò”. Trước vụ việc trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam Mai Tiến Dũng cho rằng đây là “những biểu hiện lợi dụng thông qua khách du lịch để tuyên truyền, quảng bá có ý đồ, có tổ chức, có sự chuẩn bị chứ không phải vô tình”. Tờ New Delhi Times (22/05/2018) cũng đã có bài viết về vụ du khách Trung Quốc mặc áo thun in hình lưỡi bò, nhắc lại rằng ít nhất đây là vụ thứ tư liên quan đến các du khách Trung Quốc trong vòng hai năm trở lại đây.

Mới đây nhất, thông tin về việc bộ phim “Everest: Người tuyết bé nhỏ” (tên tiếng Anh là Abominable) do DreamWorks Animation Studio (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) đồng sản xuất có tới 2 đoạn và 4 cảnh phim xuất hiện hình ảnh “đường 9 đoạn” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế phản ứng gay gắt. Đáng chú ý, Pearl Studio thuộc sở hữu của China Media Capital, một tập đoàn lớn của Trung Quốc được thành lập với mục tiêu gây dựng “đế chế truyền thông toàn cầu” để “quảng bá những giá trị Trung Quốc ra khắp thế giới”. China Media Capital từng nhận được khoản đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD từ các tập đoàn lớn của Trung Quốc như Alibaba và Tecent để hiện thực hóa mục tiêu này. Hiện bộ phim trên đã bị cấm chiếu ở Việt Nam

Ngoài ra, Trung Quốc còn tích cực lợi dụng các ấn phẩm quảng cáo du lịch, sách giáo khoa, sách tham khảo, trò chơi trực tuyến, ứng dụng bản đồ, ứng dụng thời tiết… để lồng ghép bản đồ “đường 9 đoạn”. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh mới đây phát hiện một số ấn phẩm quảng cáo du lịch có in “đường 9 đoạn” tại Hội chợ Du lịch quốc tế. Chưa hết, những người dùng iPhone, iPad bằng tiếng Việt hoặc tiếng Trung, khi tra bản đồ thời tiết Weather.com được cài đặt sẵn trên thiết bị, sẽ nhìn thấy “đường lưỡi bò” 9 đoạn bao trùm toàn bộ Biển Đông. Không những vậy, bản đồ thời tiết của kênh The Weather Channel (TWC) của Mỹ cũng bị cài cắm “đường 9 đoạn”. Điều đáng chú ý là “đường 9 đoạn” này chỉ hiển thị trên phiên bản tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Nhật, tiếng Trung của bản đồ thời tiết, không hiển thị trên bản đồ tiếng Anh, Pháp hay tiếng Hindi. Cá biệt, nếu ta chọn phiên bản tiếng Trung từ vùng lãnh thổ Đài Loan, bản đồ TWC cũng không hiển thị “đường 9 đoạn” bao phủ Biển Đông. Bằng việc cắm “đường 9 đoạn” vào đây và chỉ thể hiện trên phiên bản của một số ngôn ngữ, rõ ràng Trung Quốc đã chọn lựa đối tượng tuyên truyền của mình – những quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc hoặc những quốc gia đã bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của nước này.

Biện pháp đối phó của cộng đồng quốc tế

Để đáp trả và đối phó với hành vi vô lối trên, Philippines đã đóng dấu lên visa trong hộ chiếu của các công dân Trung Quốc. Tuy nhiên, con dấu đóng lên hộ chiếu Trung Quốc sẽ có hình bản đồ của Philippines với toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trong khi đó, công dân Trung Quốc mang hộ chiếu “đường lưỡi bò” sẽ không được cấp thị thực điện tử ở Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam vẫn giải quyết cho những công dân Trung Quốc mang hộ chiếu trên nhập cảnh nhưng không đóng dấu vào hộ chiếu mà cấp thị thực rời để giữ mối quan hệ 2 nước. Không những vậy, Theo Tiến sĩ Jan Robert R Go, Đại học Philippines Diliman, đầu tháng 11, Philippines cho đóng dấu thị thực có hình vẽ bản đồ và vùng đặc quyền kinh tế của nước này trên biển lên hộ chiếu Trung Quốc. Đây là động thái Philippines đối phó với việc hộ chiếu Trung Quốc in bản đồ có “đường lưỡi bò”. Trước đó, Philippines (10/2019) cũng đã rút bộ phim Abominable sau khi phát hiện có hình ảnh “đường lưỡi bò” trong một phân cảnh. Với đối sách mới này, Philippines cho thấy cách tiếp cận thực dụng, khôn ngoan hơn đối với yêu sách của Trung Quốc, theo hướng “cân bằng tinh tế”. Bên cạnh đó, chính sách dán tem visa mới của Philippines có thể được xem là hành động đáp lại các hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Cốt lõi là Philippines mong muốn cải thiện vấn đề an ninh quốc gia, song song với đó thể hiện tâm thế làm dịu đi sự phản đối “đường 9 đoạn” trong đại bộ phận người dân nước này. Cách tiếp cận của Manila đối với hộ chiếu “đường 9 đoạn” có thể gợi lên hành động ứng xử tương tự cho các quốc gia có va chạm về yêu sách chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Mặc dù còn quá sớm để chỉ ra các diễn tiến và phản ứng từ phía Bắc Kinh nhưng rõ ràng Manila đã có cách tiếp cận linh hoạt với chiêu thức tuyên truyền của Trung Quốc. Trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung ngày càng leo thang, Bắc Kinh có xu hướng quyết đoán hơn trên các mặt trận. Động thái của Philippines sẽ là thử thách cho khả năng Trung Quốc kiên định chiến thuật “lộng giả thành chân” trên mặt trận tuyên truyền. Phản ứng của Trung Quốc thời gian tới sẽ giúp bọc lộ rõ nét hơn những đường hướng ngoại giao của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn, Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam (VSIL) cho biết Trung Quốc viện dẫn “đường 9 đoạn” để ngụy biện cho các yêu sách về “các quyền lịch sử” hay “một danh nghĩa lịch sử” của Trung Quốc tại các vùng biển nằm bên trong “đường 9n đoạn” này; hay những viện dẫn mơ hồ việc Trung Quốc cũng dựa vào UNCLOS để đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng tính từ các quần đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc là một trong các bên yêu sách chủ quyền. Từ những viện dẫn mơ hồ và ngụy biện nêu trên, Trung Quốc cho rằng khu vực biển mà tàu Hải Dương 8 và các tàu khác của Trung Quốc đang hoạt động là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Sơn, không có bất cứ cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế và UNCLOS cho “đường 9 đoạn”. Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới cũng chưa từng công nhận bất kỳ một hàm ý về phạm vi quyền đối với vùng biển được gán cho “đường 9 đoạn” này. Kể từ khi có phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế theo phụ lục VII của UNCLOS trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc thì những tranh luận trên đã được làm sáng tỏ. “Phán quyết khẳng định rằng: Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách lịch sử đối với tài nguyên tại vùng biển bên trong “đường chín đoạn”; căn cứ vào tình trạng tự nhiên của các thực thể luôn nổi tại quần đảo Trường Sa, không thực thể nào có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng; luật pháp quốc tế không cho phép Trung Quốc vẽ đường cơ sở quần đảo bao quanh quần đảo Trường Sa và xem quần đảo Trường Sa là một thực thể đơn nhất có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng; các thực thể lúc chìm lúc nổi (và các thực thể ngầm) không phải là đối tượng yêu sách chủ quyền”. Để ngăn chặn “đường 9 đoạn” phi pháp của Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã tịch thu 7 xe ô tô Hanteng xuất xứ Trung Quốc vì có bản đồ định vị vệ tinh “đường lười bò”. Trong một diễn biến tương tự, Việt Nam đang xử lý việc hãng xe Volkswagen đã trưng bày chiếc xe ô tô Volkswagen Touareg nhập khẩu có bản đồ “đường lưỡi bò”. Việc trưng bày diễn ra tại Hội chợ triển lãm ô tô Việt Nam 2019 (Vietnam Motor Show, diễn ra từ ngày 23/10/2019 đến 27/10/2019 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn. Ngoài ra, Việt Nam cũng đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ và có chế tài xử lý cứng rắn đối với những cá nhân, tổ chức để “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tuồn vào Việt Nam.

Ngoài ra, việc Trung Quốc cố tình in hộ chiếu có “đường 9 đoạn” cũng vấp phải sự chỉ trích lên án mạnh mẽ của người dân trong nước. Tờ South China Morning Post (Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam) có trụ sở ở Hồng Kông đã có bài viết nhận định, việc Trung Quốc in hình bản đồ có “đường lưỡi” bò phi lý vào hộ chiếu phổ thông mới của nước này là hành động “ngu ngốc” và “đi quá xa”. Trong khi đó, việc người dân Trung Quốc gặp phiền toái khi sử dụng hộ chiếu điện tử in chìm bản đồ “đường lưỡi bò” trên Biển Đông đã trở thành tâm điểm tranh luận tại các diễn đàn trực tuyến ở nước này thời gian qua.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, để đối phó với âm mưu nguy hiểm này của Trung Quốc, các nước liên quan cần liên tục phản bác những thông điệp tuyên truyền từ Bắc Kinh và có hình thức quảng bá chủ quyền ngược lại. Quốc gia nào để để nước khác tự do tuyên truyền quan điểm không những thua trên mặt trận tư tưởng mà còn tự biến mình thành kẻ đồng lõa với thế lực bên ngoài.

RELATED ARTICLES

Tin mới