Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Nga (19/11) cho biết, Bộ Quốc phòng Nga sẽ cử tàu Igor Belousov tham gia thực hành nội dung cứu hộ tàu ngầm cùng hải quân Việt Nam trên Biển Đông vào tháng 12/2019.
Theo thông tin trên, Bộ Quốc phòng Nga đã phê duyệt kế hoạch điều tàu cứu hộ Igor Belousov tham gia đợt diễn tập chung Việt – Nga trên Biển Đông vào tháng 12 với nội dung ứng cứu thủy thủ đoàn tàu ngầm gặp nạn dưới đáy biển. Tàu Igor Belousov do hãng CMDB Almaz thiết kế và hãng Admiralteiskie Verfi đóng tại nhà máy ở Saint Petersburg. Tàu Igor Belousov là một trong những tàu cứu hộ tàu ngầm hiện đại nhất của Nga, được đưa vào biên chế cuối năm 2015. Tàu dài gần 107 m, rộng 17 m, có lượng giãn nước hơn 5.000 tấn và thủy thủ đoàn 96 người. Tàu có thể tiếp nhận 120 người được giải cứu, tương đương thủy thủ đoàn của một tàu ngầm hạt nhân chiến lược cỡ lớn. Ngoài ra, tàu còn có bãi đáp trực thăng và chở theo một tàu lặn cứu hộ Bester-1, được 6 người vận hành và có thể chở thêm 22 người, cùng một số thiết bị lặn khác. Theo TASS, tàu Igor Belousov gần đây diễn tập tại vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, trong đó tàu lặn Bester-1 được triển khai để tiếp cận một tàu ngầm giả định ở độ sâu 60 m.
Được biết, hợp tác quốc phòng Việt – Nga được tăng cường trong thời gian gần đây, khi Việt Nam lần đầu cử chiến hạm thăm Nga và tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 323 năm ngày truyền thống hải quân Nga. Moskva khẳng định cam kết hỗ trợ quân đội Việt Nam trên mọi phương diện, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Kartapolov nói trong cuộc gặp Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hà Nội hồi cuối tháng 10.
Hiện Việt Nam đang vận hành 6 tàu ngầm tấn công diesel – điện Đề án 636 “Varshavyanka”, còn gọi là lớp Kilo, do Nga chế tạo. Nga cũng hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm huấn luyện thủy thủ đoàn tàu ngầm. Theo đó, tháng 12/2009, Việt Nam lần đầu tiên ký hợp đồng mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo thuộc Dự án 636 Varshavyanka (NATO định danh: Kilo cải tiến) trị giá 2 tỷ USD. Ngoài đóng tàu, hợp đồng bao gồm huấn luyện thủy thủ Việt Nam, cung cấp thiết bị, kỹ thuật. Tàu ngầm lớp Kilo nằm trong danh sách tàu ngầm được xuất khẩu nhiều nhất thế giới. Các quốc gia đang vận hành hoặc đặt hàng gồm Nga, Algeria, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ba Lan, Romania và Việt Nam. Đây là một trong những hợp đồng lớn nhất lịch sử xuất khẩu khí tài hải quân của Nga. Việc mua tàu Kilo và lữ đoàn tàu ngầm hiện đại đầu tiên ra đời năm 2013 được đánh giá là mở ra trang sử mới trong lịch sử phát triển của Hải quân Việt Nam.
Tàu ngầm Kilo được chế tạo tại nhà máy Admiralty Verfi (St. Petersburg), một trong những cơ sở đóng tàu lâu đời nhất của Nga. Trong 313 năm hoạt động, nhà máy này đóng hơn 2.300 tàu mặt nước gồm thiết giáp hạm, tàu tuần dương, chế tạo hơn 300 tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân. Ngày 25/8/2010, chiếc đầu tiên trong hợp đồng được khởi đóng và hạ thủy sau đó hai năm. Từ khi hạ thủy, nó thực hiện hơn 100 lần thử nghiệm lặn tại những độ sâu khác nhau. Các thử nghiệm đều đạt và vượt yêu cầu. 5 tàu còn lại khởi đóng và hạ thủy trong vòng bốn năm sau đó. Ngày 28/5/2014, chiếc thứ sáu trong hợp đồng được cắt thép đóng, hạ thủy ngày 28/9/2015. Việt Nam đặt tên 6 con tàu gắn với các thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo thiết kế, Kilo thuộc lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel – điện, có nhiệm vụ tác chiến chống hạm và chống ngầm. Đây là tàu ngầm thuộc hế hệ thứ ba (loại tiên tiến nhất thế giới), dài gần 74 m, rộng 10 m, lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ (37 km/h), lặn sâu tối đa 300 m, hoạt động độc lập 45 ngày đêm, thủy thủ đoàn 52 người. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính 533 mm. Song vũ khí uy lực nhất là tổ hợp tên lửa hành trình đa năng Klub-S. Tổ hợp này gồm ít nhất 5 mẫu tên lửa khác nhau, giúp chỉ huy tàu ngầm lựa chọn linh hoạt vũ khí trong tác chiến. Trong đó, phiên bản 3M54E chứa đầu nổ nặng 450 kg, tầm bắn tối đa 220 km, đủ sức phá hủy tàu mặt nước cỡ lớn. Phiên bản 3M-54E1 có tầm bắn 300 km, bay ở tốc độ cận âm 990 km/h; tên lửa 91RE1/RE2 chống ngầm có tầm bắn 50 km, có khả năng tự tách đầu đạn để ngư lôi tìm mục tiêu. Phiên bản 91RE1 tốc độ tối đa 2.900 km/h, ngư lôi mang đầu nổ 76 kg đủ sức đánh thủng vỏ tàu ngầm đối phương; tên lửa 3M-14E tấn công mặt đất có hệ thống định vị toàn cầu, sử dụng hệ thống đo độ cao, khớp ảnh địa hình nên có thể bay bám sát địa hình, khiến đối phương khó phát hiện.
Kilo 636 vận hành tốt trong vùng biển nông, có khả năng di chuyển ở gần khu vực đáy biển hơn các loại tàu ngầm tấn công khác. Nhờ công nghệ hiện đại làm giảm đáng kể độ ồn cho lớp Kilo, tàu ngầm có khả năng “tàng hình” trước các thiết bị định vị thủy âm (sonar) hiện đại, ẩn mình tốt hơn trong lòng biển để tiếp cận đội tàu nổi của địch và tấn công trước khi bị phát hiện. Nhờ vũ khí hiện đại và khả năng ẩn mình gần như hoàn hảo, Kilo 636 được hải quân Mỹ mệnh danh là “hố đen trong lòng đại dương”.
Đáng chú ý, Việt Nam hiện cũng đã tự đóng được tàu cứu hộ ngầm. Theo đó, tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng 9316 do nhà máy Z189 của Việt Nam tự đó có lượng giãn nước gần 4.000 tấn, sàn đỗ trực thăng trước mũi; các hệ thống động lực và các hệ thống khác đảm bảo cho tàu hoạt động trong điều kiện đến cấp gió cấp 9 và cấp sóng 12 để tàu có thể thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn ngầm. Ngoài chức năng cơ bản là sẵn sàng cứu nạn cho thủy thủ đoàn khi tàu ngầm bị nạn tàu MSSARS “9316” còn có thể được sử dụng để dẫn dắt tàu ngầm ra vào cảng, làm sạch mặt biển trong vùng tàu ngầm huấn luyện, cùng nhiều nhiệm vụ đặc biệt khác khi được biên chế cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Việc Hải quân Việt Nam sẽ đưa vào trang bị ky tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS trong tương lai gần sẽ đảm bảo cho các kíp chiến đấu tàu ngầm của Quân chủng Hải quân tự tin hơn khi thực hiện các nhiệm vụ trên biển, là dự án kịp thời và rất cần thiết khi Hải quân Nhân dân Việt Nam được biên chế lực lượng tàu ngầm.