Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThông điệp của TQ khi đưa tàu sân bay nội địa Type...

Thông điệp của TQ khi đưa tàu sân bay nội địa Type 001A tới Biển Đông

Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức xác nhận tàu sân bay nội địa Type 001A đã di chuyển qua eo biển Đài Loan và đang tiến tới Biển Đông để tập trận; đồng thời cho rằng “hoạt động này không nhằm đối trọng với nước nào”.

Truyền thông Trung Quốc (18/11) dẫn thông báo của Hải quân Trung Quốc cho biết, đêm 17/11 tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo đã hành trình qua eo biển Đài Loan, hướng xuống Biển Đông để tiến hành thử nghiệm khoa học và huấn luyện. Thông báo nhấn mạnh, “các hoạt động thử nghiệm khoa học và huấn luyện của tàu sân bay Trung Quốc ở khu vực này là hoàn toàn bình thường trong quá trình chế tạo tàu sân bay. Chúng không nhằm vào bất kỳ mục tiêu cụ thể nào cũng như không liên quan đến tình hình hiện tại”. Hoạt động lần này của tàu sân bay Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của truyền thông và giới chuyên gia quân sự Trung Quốc. Theo chuyên gia Lý Kiệt, tàu sân bay là một trong những vũ khí trang bị quan trọng bậc nhất của Hải quân. Cấu trúc và chất lượng của nó cho thấy lực lượng hải quân đó có “đủ vốn” để hoạt động ở những khu vực biển sâu và xa đất liền hay không. Do đó, Mỹ và Nhật Bản đặc biệt chú ý đến tiến trình thử nghiệm của tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc. Việc đưa tàu sân bay này xuống phía Nam đặc biệt là đi qua eo biển Đài Loan cho thấy, tàu này đã được trang bị đầy đủ khả năng đối phó với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Ông Lý Kiệt cho rằng, tàu sân bay này sẽ dừng ở quân cảng Tam Á, sau đó sẽ bàn giao cho Hạm đội Nam Hải. Trước đó, nhiều đánh giá cho rằng tàu Type 001A sẽ mang số hiệu 17, tên là Sơn Đông. Tuy nhiên với việc hành trình xuống phía Nam và không bố trí ở căn cứ Thanh Đảo, nên có thể con tàu sẽ mang tên là Quảng Đông. Ngoài ra, nếu tàu sân bay này đồn trú ở Tam Á, Hải quân Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng cường máy bay chiến đấu J-15 đến sân bay Lĩnh Thủy. Nhiều khả năng, Hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành lễ bàn giao vào ngày 26/11.

Trong khi đó, truyền thông Đài Loan cho rằng Trung Quốc điều tàu Type 001A di chuyển qua eo biển Đài Loan và tiến tới tập trận ở Biển Đông khi chưa được đánh số hiệu và cũng chưa đưa vào phục vụ là do khu vực phía Đông Bắc Trung Quốc gần đây đã bắt đầu có tuyết rơi, điều này sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho việc thử nghiệm cất hạ cánh J-15 trên tàu. Ngoài ra, tàu sân bay này đột nhiên xuống phía Nam nhằm tạo yếu tố bất ngờ cho Mỹ và Nhật Bản. Dự kiến sau khi đến căn cứ Tam Á, tàu này sẽ thực hiện ba sự kiện lớn gồm: Đánh số hiệu tàu, tổ chức lễ bàn giao và cuối cùng là tiến hành huấn luyện cất hạ cánh.

 Được biết, Type 001A được thiết kế dựa trên phiên bản tàu lớp Kuznetsov của Liên Xô. Tàu có chiều dài khoảng 300 mét, lượng choán nước khoảng 50.000 tấn (70.000 tấn khi đầy tải). Con tàu này sử dụng nồi hơi đốt dầu thông thường để chạy các tua bin hơi. Dự kiến, biên chế cho hạm đội tàu sân bay Type 001A sẽ tương tự như hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh, gồ: 02 tàu khu trục tên lửa Type 052C; 01 tàu khu trục tên lửa Type 052D; 02 tàu hộ vệ tên lửa Type 054A; 01 tàu hộ vệ tên lửa Type 056A; 01 tàu tiếp tế tổng hợp Type 903A và tàu tấn công nhanh.

Nếu Trung Quốc triển khai tàu Type 001A ở Biển Đông sẽ đi ngược lại các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đe dọa hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, hàng không và môi trường biển trong khu vực. Đồng thời, hành động trên của Trung Quốc cũng vi phạm Điều 37 khoản 1, Luật Biển Việt Nam 2012, quy định “các hành vi đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam là những hành vi bị nghiêm cấm”. Không những vậy, nó còn vi phạm Hiến chương LHQ. Là một thành viên tham gia ký kết Hiến chương LHQ và là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Hiến chương LHQ.

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp (vào năm 1988 và năm 1995, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực tấn công, chiếm đóng 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), tiến hành xây dựng, cải tạo và triển khai tên vũ khí tại một số thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương LHQ, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cụ thể: Vi phạm nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia quy định tại Khoản 1 Điều 2 Hiến chương LHQ khi Trung Quốc dựa vào vị thế nước lớn nên tự cho mình có nhiều quyền và lợi ích trên biển hơn quốc gia khác, để tiến hành hoạt động quân sự nhằm bảo vệ cho những quyền và lợi ích đó bất chấp việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của các nước khác. Vi phạm nguyên tắc các quốc gia giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình quy định tại Khoản 3 Điều 2 Hiến chương LHQ. Vi phạm Khoản 4, Điều 2 Hiến chương LHQ, cụ thể quy định “các quốc gia thành viên hạn chế việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (Vũ lực thông thường được hiểu là vũ lực quân sự, vũ lực do vũ khí, khí tài) trong quan hệ quốc tế chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia khác hoặc trái với các mục đích của LHQ”. Vi phạm Điều 33 Hiến chương LHQ, trong đó quy định: “Các bên tham gia tranh chấp trước tiên phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng các tổ chức hoặc các hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”, tuy nhiên việc quân sự hóa trên các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại quy định này.

Ngoài ra, nếu triển khai tàu Type 001A ở Biển Đông cũng là vi phạm quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không. Cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, an ninh hàng hải và hàng không bị ảnh hưởng rất lớn, quyền tự do hàng hải và quyền đi qua không gây hại của các quốc gia khác cũng như quyền tự do hàng không bị thu hẹp và phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức.

Kế hoạch của Trung Quốc cũng sẽ vi phạm các thỏa thuận song phương, đa phương mà Trung Quốc đã ký kết. Việc Trung Quốc triển khai tàu Type 001A ở Biển Đông sẽ vi phạm DOC, cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), cụ thể: Vi phạm Điều 2 (Trung Quốc đã phá vỡ lòng tin và tín nhiệm với các nước ASEAN), Điều 4 (Việc triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa hoàn toàn đồng nghĩa với việc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực để răn đe, cảnh cáo các nước liên quan khi tìm cách giải quyết tranh chấp), Điều 5 (Hành động triển khai tên lửa của Trung Quốc gây phức tạp, leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực). Không những vậy, nó cũng đi ngược lại “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký tháng 10/2011 và mới nhất là Thông cáo chung giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đưa ra nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc tháng 5/2017, trong đó nêu rõ hai nước tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, bất kỳ hành vi đơn phương nào của phía Trung Quốc đều không chỉ xâm phạm đến các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam như đã nói ở trên mà còn gây ra căng thẳng, nguy cơ bất ổn và xung đột và ngăn cản việc thực thi các quyền tự do hàng hải, hàng không của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Nhìn chung, nếu Trung Quốc triển khai tàu Type 001A ở Biển Đông sẽ không chỉ là hành động vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ, UNCLOS, Vi phạm các nguyên tắc trong tập quán quốc tế, mà còn đi ngược lại các thỏa thuận song phương, đa phương và cam kết của chính Trung Quốc như DOC, Thỏa thuận song phương Trung Quốc – Việt Nam… Những hành động trên của Trung Quốc không chỉ phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở châu Á-Thái Bình Dương, mà còn đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, gây ảnh hưởng xấu đến chính hình tượng nước lớn có trách nhiệm mà Trung Quốc đang tự xây dựng, gây mất lòng tin chính trị giữa Trung Quốc với các nước và tạo tiền lệ xấu cho cộng đồng quốc tế khi chỉ muốn dựa vào sức mạnh (quân sự, kinh tế) để áp đặt, xâm chiếm chủ quyền của nước khác.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới