Rủi ro kinh tế lớn nhất Trung Quốc năm 2020 sẽ tới từ nỗ lực cố xua tan bong bóng bất động sản, bởi nếu thất bại thì giấc mơ kinh tế của ‘quốc gia tỷ dân’ sẽ chấm dứt.
SCMP nhận định, “thế lực duy nhất đánh bại được Trung Quốc là từ vấn đề nội bộ. Các tác nhân bên ngoài đều không đủ sức”. Hôm 2/10, tạp chí Cầu Thị, cơ quan ngôn luận của Trung Quốc đã công bố toàn bộ bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi nói về những thách thức đang tới với Trung Quốc.
Thực chất, nguy cơ đe dọa tới nền kinh tế Trung Quốc không tới từ thương chiến, mà tới từ lạm phát thị trường bất động sản của nước này.
Thị trường nhà đất Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiều tác động. Như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các biện pháp kích thích đã được đưa ra để đối phó. Hay như hồi 2015, đã có 6 đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên tới cuối năm đó, bong bóng bất động sản vỡ và chỉ số chứng khoán Shanghai Composite đã sụt giảm gần 50%.
Trong hội thảo Tài Tân được tổ chức vào hồi đầu tháng này, nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu Trung Quốc Lưu Thế Cẩm cho biết, mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay vẫn “nằm trong tầm tay”, nhưng trong năm sau thì “các biện pháp mạnh sẽ cần thiết”.
Nhiều chuyên gia đang đưa ra sự so sánh giữa việc nóng lên của thị trường bất động sản Trung Quốc hiện nay và hiện tượng bong bóng nhà đất Nhật Bản bị vỡ hồi những năm 1990, khiến nền kinh tế Tokyo rơi vào một “thập niên mất mát”.
Giống với Nhật Bản, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một quốc gia phát triển mạnh nhờ mức thặng dư thương mại lớn. Cả hai nước cũng đều là các chủ nợ hàng đầu thế giới với tỷ lệ tiết kiệm cao, đồng thời cùng phụ thuộc nhiều vào việc cho vay của ngân hàng, và điều này đã tạo đòn bẩy cho mô hình tăng trưởng kinh tế cao.
Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke từng đưa ra kết luận rằng, sự giảm phát diễn ra sau khi bong bóng nhà đất Nhật Bản vỡ là do những phản ứng về chính sách tiền tệ không đúng thời điểm từ ngân hàng trung ương Nhật Bản.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại nhận định việc này là do Thỏa ước tiền tệ Plaza hồi năm 1985 đã tạo ra sự sụp đổ về tiền tệ Nhật Bản, khi tỷ giá hối đoái giữa USD và Yên Nhật đã giảm tới 51%.
Buổi ký kết thỏa ước Plaza năm 1985. Ảnh: AP |
Và với bài học trên của Nhật, SCMP trích nhận định của nhà kinh tế học Shirley Ze Yu rằng, Trung Quốc sẽ tìm cách chống lại ‘dây xích’ Plaza 2.0 trong lúc bàn thảo về thỏa thuận thương mại tạm thời. Do đó, bất kỳ điều khoản nào về sự ổn định của tỷ giá hối đoái sẽ vẫn chỉ mang tính biểu tượng về ngôn từ, cũng như trong việc thực thi.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vỹ gần đây đưa ra cảnh báo rằng, việc chuyển đổi vốn đầy đủ không phải là lựa chọn an toàn cho Trung Quốc, bởi điều này sẽ đưa ra các giới hạn cho việc tự do hóa nền tài chính của Trung Quốc.
Bất chấp việc cảnh báo hồi năm 2017 của ông Tập về việc “nhà là để ở, không phải là để đầu cơ”, giá trị thị trường nhà đất Trung Quốc đã to gấp 2 lần nền kinh tế các nước G7 cộng lại, khi lên tới hơn 65.000 tỷ USD, gấp 5 lần tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong năm 2018, và 10 lần thị trường chứng khoán nước này.
Gía trị thị trường bất động sản lên tới 65.000 tỷ USD. Ảnh: Reuters |
Chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) của tháng 10/2019 của Trung Quốc đã tăng lên mức 3,8%, và bất kỳ sự nới lỏng tiền tệ nào nữa sẽ có nguy cơ gây ra lạm phát. Tình trạng lạm phát kèm suy thoái sẽ là ‘bóng ma’ ám nền kinh tế nhà đất Trung Quốc.
Và khi bong bóng bất động sản vỡ, thì bất kỳ quyết định chính sách tiền tệ nào của Bắc Kinh sẽ chỉ làm tình hình phức tạp và khó giải quyết hơn cả tình trạng của Nhật Bản trong những năm 1980.
Những xung đột thương mại luôn có thể được giải quyết bằng cách điều chỉnh lại các tuyền đường giao dịch toàn cầu. Tuy nhiên, giấc mơ về kinh tế Trung Quốc sẽ chấm dứt nếu bong bóng bất động sản của nước này vỡ, giống như Nhật Bản trước đây.