Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCách thức, ý đồ của TQ khi thực hiện “Con đường tơ...

Cách thức, ý đồ của TQ khi thực hiện “Con đường tơ lụa trên biển” và “Cộng đồng chung vận mệnh trên biển” thời gian qua

Trong quá trình thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh đã đưa ra các khái niệm phá triển gồm “Con đường tơ lụa trên biển” và “Cộng đồng chung vận mệnh trên biển” nhằm lôi kéo các nước tham gia các sáng kiến do Trung Quốc dẫn dắt, đồng thời để che đậy cho mục đích thực sự đằng sau.

“Con đường tơ lụa trên biển” và ý đồ của TQ

Tháng 10/2013, trong chuyến thăm chính thức Malaysia và Indonesia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến phục hồi cái gọi là “Con đường tơ lụa trên biển, nhằm ba mục đích gồm hỗ trợ mạng lưới sản xuất chung của khu vực, thúc đẩy trao đổi thương mại và nâng cao vai trò của Trung Quốc như một cơ hội đầu tư, nguồn vốn trong mắt các nước ASEAN; mở rộng và liên kết hệ thống các cảng biển, tăng cường vai trò các cộng đồng người Hoa tại nước ngoài và tăng cường độ tin cậy giúp giảm những căng thẳng khu vực về tranh chấp lãnh thổ và những nhạy cảm lịch sử.

Việc phục hồi “Con đường tơ lụa trên biển”nằm trong tổng thể chiến lược tiến ra Biển Đông, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngay sau khi kết thúc phân chia đàm phán Vịnh Bắc Bộ với Việt Nam năm 2000, phía Trung Quốc đã kêu gọi thành lập vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, một bộ phận của chương trình hợp tác kinh tế “hai hành lang, một vành đai” mà phạm vi của nó gồm ba thành phố cấp địa khu của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc gồm: Bắc Hải, Khâm Châu, cảng Phòng Thành; một thành phố cấp địa khu của tỉnh Quảng Đông là Trạm Giang; tỉnh đảo Hải Nam; và 10 tỉnh, thành Việt Nam gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Nội dung hợp tác bao gồm thương mại, đầu tư, khai thác kinh tế biển, du lịch và bảo vệ môi trường.

Tháng 7/2006, tại diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ tổ chức tại Nam Ninh. Bí thư khu Uỷ Quảng Tây Lưu Kỳ Bảo đưa ra ý tưởng chiến lược về hợp tác kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng. Đây là ý tưởng thiết lập hợp tác trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN. Theo các chuyên gia Trung Quốc ý tưởng này có lợi cho việc mở rộng không gian phát triển kinh tế và thị trường trong khu vực, tạo ra những điểm kinh tế mới, có lợi cho phát huy sức mạnh, sức cạnh tranh tổng thể của toàn khu vực. Hợp tác sẽ tạo điều kiện để ổn định hơn khu vực Biển Đông (tuyến vận tải quan trọng đối với nhiều nước) và làm cho quan hệ Trung Quốc – ASEAN thêm gắn bó khăng khít trên tinh thần “cùng bù ưu thế, cùng hưởng lợi ích, cùng nhau phát triển” trên cả lục địa và trên biển.

Ý tưởng “Con đường tơ lụa trên biển” nhằm củng cố sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông, củng cố yêu sách phi lý đường lưỡi bò. Sáng kiến này được đưa ra trong bối cảnh một loạt các sự kiện gần đây trên Biển Đông đã làm cho các nước trong khu vực nghi ngại nhiều hơn là ủng hộ. Các nước đều cảnh giác trước những hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây như: tuyên bố Biển Đông với “đường lưỡi bò” là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc (3/2010); thành lập thành phố Tam Sa (24/7/2012) mà ranh giới bao trùm các quần đảo và bãi ngầm ở Biển Đông, bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; cắt cáp tàu Bình Minh, tàu Vi King (2011, 2012); xâm chiếm Scarborough tranh chấp với Philippines (4/2012). gọi thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa miền Trung Việt Nam (6/2012); in “đường lưỡi bò” trong Hộ chiếu điện tử (12/2012); các luật, quy định về cấm đánh bắt cá, về kiểm soát tàu thuyền nước ngoài của tỉnh Hải Nam, thiết lập chế độ tuần tra sẵn sàng chiến đấu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Biển Đông; tuyên bố lập vùng cảnh báo bão; hạ đặt trái phép dàn khoan HD 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (5/2014); xuất bản bản đổ khổ đứng (6/2014); đưa tàu Hải dương 8 vào Bãi Tư Chính (7/2019). Sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển” không nằm ngoài chiến thuật ba hướng của Trung Quốc là hợp thức hóa “đường lưỡi bò” trong các văn bản quốc gia và tranh thủ đăng ký tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế; triển khai các hoạt động quấy phá, thăm dò dọc theo đướng lưỡi bò để áp đặt quyền sở hữu và quản lý toàn Biển Đông; tuyên truyền phản ứng mạnh mẽ đối với những phát biểu phê phán Trung Quốc của các nước và kiên trì thử thách sự chịu đựng của cộng đồng quốc tế.

“Cộng đồng chung vận mệnh trên biển” và ý đồ của TQ

Năm 2018, tại cuộc duyệt binh tại căn cứ hải quân đảo Hải Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng, Bắc Kinh sẽ sát cánh cùng với hải quân của các nước bạn bè hoặc đối thủ thúc đẩy đối thoại và bảo đảm hòa bình trên biển. Vừa qua, truyền thông Trung Quốc lúc đó nhanh chóng loan tải những thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình như “Hải quân Trung Quốc sẽ trước sau như một tăng cường giao lưu hợp tác với hải quân các nước, tích cực thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế, bảo đảm an ninh các tuyến hàng hải quốc tế, nỗ lực cung cấp nhiều hơn sản phẩm an ninh chung trên biển”. Ông Tập Cận Bình cũng nhắc đến việc hải quân các nước sẽ tổ chức một cuộc hội thảo cấp cao “cùng xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh biển” với hy vọng sẽ tập trung đóng góp trí tuệ để thúc đẩy xây dựng “Cộng đồng”. Trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc (24/4/2019), tại Thanh Đảo đã diễn ra Hội thảo cấp cao “Xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh trên biển”, với ba chủ đề thảo luận gồm: “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại và hải dương – vai trò và trách nhiệm của hải quân”; “Cùng đối phó với thách thức, đe dọa trên biển – thực tiễn và cống hiến của hải quân” và “Cùng trao đổi, cùng xây dựng và cùng chia sẻ trong quản lý biển toàn cầu – hợp tác và hành động của hải quân”. Cùng ngày, phát biểu tại một diễn đàn ở Thanh Đảo, sau lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm thành lập Hải Quân Trung Quốc, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long cho rằng “tất cả mọi người cần tuân theo các quy tắc, bảo vệ tốt trật tự trên biển. Tự do hàng hải là nguyên tắc được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên không thể được sử dụng làm cái cớ để vi phạm các quyền hợp pháp và lợi ích của các quốc gia ven biển”. Ông Thẩm Kim Long cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán với ASEAN về COC. Ông nói “Trung Quốc cam kết sẽ xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.

Trung Quốc đang tích cực phát đi tín hiệu về “ý muốn tốt đẹp của việc phát triển hải quân ra bên ngoài”, sự khoa trương của Hải quân Trung Quốc đối với nước khác được các nước nhìn nhận theo những cách thức khác nhau. Các nước đối thủ cạnh tranh chiến lược ở khu vực không tránh khỏi coi lễ duyệt binh lần này là sự “khoe cơ bắp” của Hải quân Trung Quốc. Trung Quốc đề xướng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Hải quân, khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh biển” trùng hợp với “Con đường Tơ lụa trên biển”, nhấn mạnh hợp tác kinh tế xanh, khoa học biển và an ninh biển. Trong bối cảnh một số nước còn cảnh giác đối với sự lớn mạnh về thực lực của Hải quân Trung Quốc, khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh biển” là nhằm giảm lo ngại của bên ngoài đối với ý đồ chiến lược của Hải quân Trung Quốc.

Nhìn chung, ý tưởng “Con đường tơ lụa trên biển” và “Cộng đồng chung vận mệnh trên biển” của Trung Quốc đều nhằm củng cố sự hiện diện của nước này ở Biển Đông và củng cố yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”. Hai sáng kiến này được đưa ra trong bối cảnh một loạt các sự kiện gần đây trên Biển Đông đã làm cho các nước trong khu vực nghi ngại nhiều hơn là ủng hộ, buộc các nước phải cảnh giác trước những hành động mới, mời gọi lôi kéo của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới