Sau khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua hai Dự luật nhằm ủng hộ nhân quyền và bảo vệ Hồng Kông, phía Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chỉ trích và đe dọa “có hành động đáp trả” đối với Mỹ.
Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông
Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật ủng hộ Hồng Kông hay còn có tên gọi chính xác là Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông sau khi Hạ viện Mỹ thông qua và đệ trình. Ngay sau khi được Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được chuyển lại cho Hạ viện Mỹ trước khi nó được đệ trình lên Tổng thống Donald Trump để ký ban hành. Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019 là một đạo luật lưỡng viện và lưỡng đảng Hoa Kỳ tái giới thiệu dưới tên gọi Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông theo đề xuất dự luật dẫn độ của Hồng Kông từng được ban hành năm 2019 và các cuộc biểu tình tiếp theo chống lại nó. Về bản chất, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông là bản sửa đổi của “Đạo luật Chính sách Hồng Kông 1992” với những thay đổi chính được mô tả bằng cụm từ “các mục đích khác”.
Dự luật thứ hai có tên “Bảo vệ Hồng Kông” cũng được toàn thể Hạ viện nhất trí thông qua với 417 phiếu thuận, 0 phiếu chống sau khi được Thượng viện thông qua ngày 19/11. Dự luật yêu cầu cấm xuất khẩu một số loại vũ khí kiểm soát đám đông cho lực lượng cảnh sát Hồng Kông, bao gồm lựu đạn hơi cay, bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng chích điện.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (20/11) cho biết, “Quốc hội Mỹ đang gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn tới thế giới rằng Mỹ sẽ đoàn kết với những người yêu tự do của Hồng Kông và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh vì tự do của họ. Đây là một vấn đề mà chúng tôi đã hoàn toàn thống nhất”
Theo các nhà lập pháp Mỹ, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông gần như là một dự luật mở, cho phép các bộ, ban ngành của Mỹ có thể thay đổi những biện pháp, phương thức hành động để ứng phó với những diễn biến chính trị ở Hồng Kông theo luật pháp Mỹ đã quy định. Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông có 10 phần. Ngoại trừ phần 1 nêu tóm tắt toàn bộ đạo luật, 9 phần còn lại là những quy định vừa chi tiết vừa có hướng mở để các bộ của Hoa Kỳ dễ dàng, linh hoạt hành động tương ứng với những diễn biến chính trị liên quan đến tình hình Hồng Kông.
Văn phòng nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cho biết, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông sẽ là nền tảng cho chính quyền chỉ đạo các bộ phận khác nhau trong thể chế đánh giá xem sự phát triển chính trị ở Hồng Kông có cần thiết phải tiến hành thay đổi cách đối xử với Hồng Kông theo luật pháp của Hoa Kỳ hay không. Cụ thể là: Yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ hàng năm phải có báo cáo tổng quan chi tiết về quyền tự trị của Hồng Kông để từ đó ban hành các chính sách đặc biệt dành cho Hồng Kông như đã được đề cập theo Đạo luật chính sách Hồng Kông năm 1992; Yêu cầu Tổng thống xác định những người chịu trách nhiệm ở Trung Quốc đại lục về các vụ bắt bớ các nhà viết sách, các nhà báo Hồng Kông và những người đồng lõa trong việc mà Hoa Kỳ cáo buộc là “đàn áp các quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông”, bao gồm cả những vấn đề phức tạp trong việc thể hiện quan điểm của các cá nhân, liên quan đến việc thực thi các quyền được quốc tế công nhận, cũng như quyền đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ và từ chối cho những người có trách nhiệm nhập cảnh vào Mỹ; Yêu cầu Tổng thống Mỹ ban hành chiến lược bảo vệ Hoa Kỳ công dân và doanh nghiệp khỏi những rủi ro do Pháp lệnh người phạm tội bỏ trốn sửa đổi, bao gồm cả việc xác định xem có cần sửa đổi thỏa thuận dẫn độ giữa Hoa Kỳ – Hồng Kông và dịch vụ tư vấn đi lại ở Hồng Kông của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hay không; Yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Mỹ có báo cáo thường niên để đánh giá liệu chính quyền Hồng Kông có thực thi đầy đủ các quy định, lệnh trừng phạt liên quan đến xuất khẩu các mặt hàng sử dụng trong những lĩnh vực nhạy cảm (vũ khí, trang bị) mà Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc đã ban hành, đặc biệt liên quan đến Iran và Triều Tiên hay không; Chính phủ Mỹ phải đảm bảo rằng những người xin thị thực sẽ không bị từ chối việc cấp visa dù họ có lệnh phải bị bắt giữ, đang bị giam giữ hoặc đang gặp phải những hành động bất lợi khác do các chính phủ khác gây ra do tham gia vào các hoạt động phản kháng liên quan đến vận động thúc đẩy dân chủ, nhân quyền hoặc củng bố luật pháp ở Hồng Kông.
Phản ứng của Trung Quốc
Tại cuộc họp với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (21/11) cho rằng: “Ngay bây giờ, mối quan hệ Trung Quốc – Mỹ đã tới một ngã tư quan trọng. Nhưng chúng tôi rất tiếc khi thấy một số chính trị gia Mỹ đang bôi nhọ, tấn công, nói xấu Trung Quốc đến mức gần như điên rồ”; đồng thời chỉ trích, “Mỹ nhiều lần ban hành dự luật để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, vi phạm các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế. Những hành vi này đầu độc bầu không khí quan hệ Trung – Mỹ, gây ảnh hưởng đến niềm tin lẫn nhau mà chúng ta đã xây dựng trong nhiều năm qua”. Ngoài ra, ông Vương Nghị cho rằng việc Hạ viện Mỹ phê chuẩn Dự luật đã “gửi một tín hiệu sai đến những tên tội phạm bạo lực ở Hồng Kông, đồng thời sẽ gây thiệt hại cho đặc khu”; đồng thời cho biết Trung Quốc cũng triệu tập Đặc phái viên hàng đầu của Mỹ tại Hồng Kông Hanscom Smith để khiếu nại và cảnh báo họ sẽ áp dụng các biện pháp đối phó cứng rắn nếu dự luật được thông qua.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện các “biện pháp đáp trả quyết liệt” sau khi quốc hội Mỹ thông qua dự luật Hồng Kông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng: “Bất cứ nỗ lực nào của Mỹ nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc đều sẽ không có tác dụng. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ nhìn rõ tình hình và tiến hành các bước để ngăn chặn việc biến dự luật này thành luật, chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Hồng Kông, tránh châm lửa đốt chính mình”; đồng thời cảnh báo “nếu phía Mỹ nhất quyết hành động đơn phương, Trung Quốc sẽ có biện pháp hiệu quả để đáp trả cương quyết nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển”. Tuy nhiên, ông Cảnh Sảng không nêu chi tiết hành động Bắc Kinh có thể thực hiện. Trước đó một ngày, phát ngôn viên chính quyền Hồng Kông nói rằng Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông cùng với các dự luật khác là “không cần thiết và không chính đáng”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã triệu Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh William Klein để trao công hàm “phản đối mạnh mẽ” việc Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, khẳng định sẽ áp dụng những bước đi cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.
Trong khi đó, để bênh vực cho Chính quyền và góp phần lên án Mỹ, truyền thông Trung Quốc đã hết lời chỉ trích hành động trên của Mỹ. Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc nhanh chóng đăng bài xã luận gọi Dự luật này là “văn bản rác” và “một sự khiêu khích nghiêm trọng đối với toàn bộ người Trung Quốc”. Nhân dân nhật báo cho rằng “nếu phía Mỹ đi theo con đường của riêng mình, Trung Quốc sẽ có biện pháp hiệu quả để kiên quyết chống lại họ và mọi hậu quả phải do Mỹ gánh chịu hoàn toàn”. Thời báo Hoàn cầu, phụ san của Nhân dân nhật báo thì lên giọng mỉa mai khi cho rằng thay vì gọi là Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, Dự luật này nên được gọi là “Dự luật Bạo lực Hồng Kông”.
Tác động của Dự luật
Theo CNN, Dự luật này là một đòn làm suy yếu các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh trong thời điểm quan trọng của đàm phán. Ông Trump vẫn chưa xác nhận có ký thông qua Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông hay không, nhưng ông từng nhiều lần cẩn thận khi nói về chủ đề này để tránh Trung Quốc nổi giận. Hồi tháng 10, ông Trump thậm chí còn hứa hẹn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng ông sẽ im lặng trước tình hình căng thẳng tại Hồng Kông, trong bối cảnh hai nước đang đàm phán thương mại. Nếu Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông được thông qua thì Mỹ từng năm sẽ đánh giá xem liệu thành phố tự trị này có được Trung Quốc duy trì quyền tự do của họ hay không. Nếu Mỹ tuyên bố thành phố không được tự do trước Bắc Kinh thì khi đó Washington sẽ rút lại tình trạng thương mại đặc biệt của thành phố, điều này sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của Hồng Kông và Trung Quốc. Ngoài ra, Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông cũng đưa ra một quy trình cho phép Tổng thống Mỹ có thể ký lệnh trừng phạt và hạn chế đi lại đối với các quan chức Hồng Kông bị cho là vi phạm nhân quyền.
Các dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh căng thẳng leo thang gần đây ở Hồng Kông khi người biểu tình chiếm đóng các trường đại học, sau đó tập trung trong Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) từ hôm 17/11. Phần lớn người biểu tình trong PolyU đã bị bắt hoặc buộc rời khỏi trường, chỉ còn một số ít ở lại bên trong. Biểu tình Hồng Kông nổ ra từ tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Dù chính quyền đặc khu tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu sách khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát và đòi lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam từ chức.