Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNghĩa vụ hợp tác của các quốc gia ven biển theo luật...

Nghĩa vụ hợp tác của các quốc gia ven biển theo luật pháp quốc tế và thực trạng hợp tác nghề cá ở Biển Đông hiện nay

Tất cả các quốc gia ven Biển Đông đều là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), vì vậy, có nghĩa vụ thực hiện các quy định của Công ước, trong đó có các nghĩa vụ liên quan tới việc bảo tồn và phát triển các đàn cá theo UNCLOS. Trong bối cảnh, một số nước sử dụng lực lượng chấp pháp ngăn cản, xuôi đuổi, bắt giữ thậm chí là đâm chìm tàu cá của ngư dân đã thời gian qua đang cho thấy sự cần thiết phải thực thi luật pháp quốc tế.

Nghĩa vụ hợp tác của các quốc gia ven biển trong hoạt động nghề cá quy định trong luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982

Hợp tác quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật biển, đặc biệt là các đàn cá là một nghĩa vụ quan trọng đối với các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Theo đó, các quốc gia phải trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức khu vực thoả thuận các biện pháp cần thiết để bảo đảm sự bảo tồn và phát triển của các đàn cá. Việc thành lập và tham gia các tổ chức nghề cá khu vực là một trong các cách hiệu quả để thực hiện nghĩa vụ này. Trong khi đó,Biển Đông với diện tích khoảng 3.8 triệu km2, bao gồm Vịnh Thái Lan và Vịnh Bắc Bộ cùng hơn 200 đảo lớn nhỏ. Bao quanh Biển Đông là 8 nước Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Campuchia và lãnh thổ Đài Loan. Tiềm năng nghề cá của khu vực biển này là rất lớn. Mặc dù chỉ chiếm 2,5% bề mặt trái đất nhưng Biển Đông có khoảng 3365 loài cá biển, chiếm 12% tổng lượng cá đánh bắt toàn cầu. Trong những năm gần đây, sản lượng đánh bắt cá ở Biển Đông tăng đáng kể, đồng nghĩa với trữ lượng cá ở đây giảm mạnh. Việc đánh bắt trước đây tập trung chủ yếu ở vùng biển ven bờ, tại các vùng nước nông. Nhưng hiện nay tại những khu vực này lượng cá đã bị khai thác đủ, khai thác quá mức, chưa có khả năng tái đàn. Vì vậy, khai thác thủy sản ở những khu vực nước biển sâu ở Biển Đông đang được các nước khuyến khích phát triển.

Với tính chất là biển nửa kín, các quốc gia ven Biển Đông cần lưu ý tới Điều 123, quy định về sự hợp tác giữa các quốc gia ven biển kín, hoặc nửa kín. Mặc dù có một số tranh cãi và khác biệt trong cách giải thích câu đầu tiên của Điều 123: “các quốc gia ven biển kín hoặc biển nửa kín nên hợp tác với nhau trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo Công ước”, theo đó một số học giả cho rằng hợp tác chỉ là một nghĩa vụ về mặt đạo đức và Công ước chỉ đưa ra như là một khuyến nghị cho các quốc gia ven biển kín hoặc nửa kín, nhưng phần đông các học giả và các quốc gia cho rằng Điều 123 đã đặt ra nghĩa vụ pháp lý cho các quốc gia, đặc biệt là khi câu thứ 2 của Điều 123 khẳng định rằng các quốc gia phải nỗ lực hợp tác trực tiếp hoặc thông qua tổ chức khu vực thích hợp để phối hợp quản lý, bảo tồn, khám phá và khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật biển, thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với việc bảo vệ môi trường biển, chính sách nghiên cứu khoa học và thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học biển chung… Bên cạnh đó, Điều 6 của Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) cũng đã đặt ra trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác giữa các quốc gia ven Biển Đông trong một số lĩnh vực, trong đó có việc bảo vệ môi trường biển. Mặc dù DOC chỉ được coi là một văn bản chính trị nhưng DOC có tầm quan trọng đặc biệt trong vấn đề Biển Đông giữa các nước quanh khu vực này bởi đây là văn kiện chung duy nhất giữa các quốc gia này quy định về cách hành xử của các bên trên Biển Đông.

Thực trạng việc hợp tác nghề cá giữa các nước ở Biển Đông hiện nay

Hợp tác của các quốc gia ven Biển Đông trong việc bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên sinh vật biển chủ yếu mới chỉ diễn ra ở cấp độ song phương thông qua các hiệp định hợp tác nghề cá, ví dụ như Hiệp định Hợp tác Nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2000. Ngoài ra một số nước có đàm phàn song phương về hợp tác trong một số lĩnh vực khác như tìm kiếm cứu nạn trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường, ví dụ như đàm phán về các vấn đề ít nhạy cảm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hợp tác theo điều 123 của Công ước tại khu vực này chưa thực sự được tiến hành. Tuy nhiên có thể kể đến nỗ lực của FAO khi thành lập Ủy ban Nghề cá châu Á – Thái Bình Dương (APFIC). Đây là một tổ chức nghề cá khu vực được thành lập năm 1948, có khu vực thẩm quyền rộng, bao gồm cả các nguồn tài nguyên nước nội địa và tài nguyên sinh vật biển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thành viên của tổ chức bao gồm cả một số nước ven Biển Đông là Trung Quốc, Malaysia, Philíppin và Việt Nam. Tuy nhiên, APFIC không có thẩm quyền quản lý các nguồn tài nguyên sinh vật biển ở Biển Đông mà chỉ là một cơ quan có chức năng tư vấn. Ngoài ra, đáng chú ý là Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), được thành lập năm 1967 với chức năng phát triển và quản lý tiềm năng nghề cá trong khu vực bởi trừ Trung Quốc, tất cả các quốc gia ven Biển Đông còn lại đều là thành viên của SEAFDEC. Tuy nhiên, SEAFDEC không xác định khu vực có thẩm quyền về mặt địa lý và chỉ là một cơ quan chuyên về mặt kỹ thuật, không có chức năng quản lý. Bên cạnh đó, Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC) được thành lập bởi Công ước Bảo tồn và Quản lý các Đàn cá Di cư cao ở Tây và Trung Thái Bình Dương cũng nên được nhắc đến bởi về lý thuyết, WCPFC bao phủ cả Biển Đông nếu những đàn cá được quản lý và nhắm tới của Ủy ban di cư tới khu vực này. Ủy ban này chưa xác định được phần phía tây của khu vực công ước, nơi mà các biện pháp quản lý và bảo tồn “được áp dụng đối với các đàn cá hoặc những khu vực đặc biệt trong khu vực công ước được quyết định bởi Ủy ban”. Tuy nhiên WCPFC chỉ quản lý và bảo tồn những loài cá di cư cao chứ không phải tất cả các nguồn tài nguyên sinh vật biển.

Giải pháp cho vấn đề hợp tác nghề cá hiện nay ở Biển Đông

Thành lập một tổ chức quản lý nghề cá ở Biển Đông là một trong những hình thức hiệu quả thực hiện nghĩa vụ này của Công ước, đồng thời đáp ứng được nhu cầu quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên cá và sinh vật biển khác trong khu vực trước thực trạng khai thác quá mức đang diễn ra tại vùng biển này. Tuy nhiên, Biển Đông cũng là một trong những khu vực biển phức tạp bởi tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền giữa các quốc gia ven Biển Đông. Những tranh chấp này gây khó khăn cho các hoạt động khai thác cá của ngư dân một số nước. Nguyên nhân chính do các vùng biển của các quốc gia ven Biển Đông chưa được xác định rõ ràng do có sự chồng lấn chưa phân định các vùng biển, ví dụ như vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia hoặc do chính các quốc gia ven Biển Đông chưa đưa ra yêu sách rõ ràng về vùng biển của quốc gia mình. Trong giai đoạn này, Công ước quy định, các quốc gia phải có nghĩa vụ áp dụng các dàn xếp tạm thời trước khi có thể đi tới một giải pháp cuối cùng cho việc phân định các vùng biển. Một trong những hình thức của “dàn xếp tạm thời” là việc cùng hợp tác giữa các quốc gia. Các quốc gia trong tranh chấp Biển Đông có thể hợp tác theo nhiều hình thức khác nhau như tập trận chung, cùng phát triển các nguồn tài nguyên hydrocarbon, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển và hợp tác nghề cá. Cho đến nay việc hợp tác để bảo vệ và quản lý nghề cá giữa các quốc gia ven Biển Đông vẫn chưa được tiến hành. Các quốc gia ven Biển Đông có thể xem xét lĩnh vực này để tiến hành hợp tác nhằm đem lại sự hoà bình và thịnh vượng chung cho khu vực. Đồng thời có thể giúp giảm căng thẳng, tranh chấp trên biển, tạo lòng tin để mở đường cho những hợp tác, đàm phán những vấn đề nhạy cảm hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới