Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mới'Mỹ bảo vệ không công 91% dầu TQ qua eo Hormuz'

‘Mỹ bảo vệ không công 91% dầu TQ qua eo Hormuz’

Những căng thẳng ở Trung Đông nói chung và vịnh Ba Tư nói riêng đã tạm thời lắng xuống, nhưng nguy cơ xung đột vẫn còn

Giờ là lúc các bên có thời gian tĩnh tâm để âm thầm đánh giá về đối thủ và xem xét lại sức mạnh của chính mình. Còn Trung Quốc đang phải trả lời câu hỏi, liệu hải quân nước này có đủ khả năng tuần tiễu bảo vệ các thương thuyền của mình trên tuyến hàng hải qua eo biển Hormuz?

Ông Trump mở đường cho Trung Quốc vào vịnh Ba Tư?

Trong suốt năm 2019, Hoa Kỳ và Iran đã nhiều lần đến bên bờ vực xung đột. Tàu chở dầu bị tấn công; máy bay không người lái bị bắn hạ hồi tháng 6, sau đó là các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi vào tháng 9.

Những chính khách diều hâu Washington nổi nóng kêu gọi Lầu Năm Góc “phải dạy cho Teheran một bài học tàn khốc” để đáp lại sự táo tợn của Iran. Họ cho rằng, uy tín của Mỹ trên toàn thế giới đã bị đe dọa.

Ngược lại, những người chủ trương hòa bình và không can thiệp lại ủng hộ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump né tránh một cuộc chiến khác ở Trung Đông, sau khi ông Trump rút một phần lực lượng quân sự khỏi Syria.

Giữa tất cả những sự kiện đáng ngạc nhiên trong cuộc khủng hoảng cuối tháng 6 năm 2019 ở Vịnh Ba Tư, Tổng thống Mỹ đã thể hiện một sự thẳng thắn đáng kinh ngạc nhưng đúng với tính cách của ông, khi tuyên bố:

“Trung Quốc nhận được 91% lượng dầu qua eo biển Hormuz, Nhật Bản là 62% và nhiều quốc gia khác cũng nhận được lượng dầu lớn thông qua eo biển huyết mạch này. Vậy tại sao trong nhiều năm, chúng ta [Mỹ] phải bảo vệ các tuyến đường vận chuyển cho các quốc gia khác để được bồi thường bằng 0? Tất cả các quốc gia này nên tự bảo vệ tàu của mình”.

Một cựu quan chức tình báo Hoa Kỳ được cho là đã có một thông điệp quan trọng hơn, với một khuyến cáo như sau: “Trung Quốc không bỏ ra một đồng nào, nhưng họ vẫn tiếp tục được hưởng an ninh mà chúng ta cung cấp”.

Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng tất nhiên đã khiến những quan chức cấp cao vốn cứng rắn với Trung Quốc hết sức bực bội, họ cảm thấy bất ngờ với lời mời “rất cởi mở” của Tổng thống gửi tới Bắc Kinh về việc phái lực lượng quân sự quy mô lớn đến vịnh Ba Tư.

Các chính khách này cho rằng, trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã “yếu đuối” ở nhiều nơi, bắt đầu từ sự kiện bãi cạn Scarborough vào năm 2012, dẫn đến việc Tổng thống Philippines Duterte trở nên thân thiết với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Do đó, nếu Bắc Kinh đưa quân đến vịnh Ba Tư, đó có thể là cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài chôn vùi vị thế thống trị toàn cầu của Mỹ.

Trung Quốc được lợi gì khi tuần tra Hormuz?

Trung Quốc làm gì với lời mời hấp dẫn của ông Trump để nhận được “chiếc chén thánh quyền lực”? Một bài viết phân tích khá đầy đủ về vấn đề này đã được công bố trên một tạp chí hải quân nổi tiếng của chính Trung Quốc mang tên “Tàu thuyền hiện đại” (现代舰船-Modern Ships], Số 16 – Năm 2019 với tiêu đề: “Trung Quốc có nên tiến hành hộ tống hàng hải ở eo biển Hormuz hay không?” (“Should China Undertake Escort of Navigation in the Strait of Hormuz? – 中国应该当在霍尔木兹海峡实施护航吗?”).

Theo bài viết, có rất nhiều người phương Tây thực sự ủng hộ Hải quân Trung Quốc (PLAF) tiếp quản nhiệm vụ tuần tiễu ở eo biển Hormuz, thúc giục Bắc Kinh gửi chiến hạm đến khu vực này.

Trung Quốc sở hữu hạm đội tàu mặt nước có kinh nghiệm dồi dào thông qua hàng thập niên triển khai lực lượng hộ tống hàng hải, chống cướp biển ở vịnh Aden – Somalia, cũng như có căn cứ hải quân mới mở ở quốc gia cạnh đó là Djibouti.

Bài viết cũng khẳng định số liệu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ra là 91% dầu thô xuất khẩu sang Đại Lục đi qua eo biển Hormuz là chưa chính xác. Bất chấp việc 5 trong số 10 nhà xuất khẩu dầu hàng đầu sang Trung Quốc nằm ở vịnh Ba Tư, lượng dầu thô xuất khẩu sang Trung Quốc thực tế là khoảng 44%.

Vì vậy, Bắc Kinh không phải là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào dầu mỏ từ vịnh Ba Tư. Ngược lại, tác giả cho rằng, Nhật Bản mới là nước phụ thuộc lớn nhất ở mức 88% và con số của Hàn Quốc cũng cực kỳ cao, ở mức 82%.

Các nhà phân tích Trung Quốc cũng đánh giá rằng, một quốc gia nằm trong vịnh Ba Tư sẽ dễ dàng phong tỏa eo biển này; khiến không có tàu dân sự nào có thể đi qua, nên không dễ để chống lại điều này.

Trong lịch sử các cuộc chiến ở khu vực này, Hoa Kỳ và các đồng minh đã từng triển khai 175 tàu chiến trong Chiến tranh vịnh Ba Tư, nhưng giá bảo hiểm cho các tàu dân sự đi vào vùng Vịnh vào thời điểm đó vẫn tăng gấp ba lần so với trước.

Bài viết chỉ ra, một cuộc tuần tra ở eo biển Hormuz, với sự tiếp xúc và trải nghiệm của một nhiệm vụ xuyên quốc gia sẽ cho Hải quân Trung Quốc những kinh nghiệm quý báu về việc thực thi các nhiệm vụ toàn cầu, hơn nữa còn khiến Bắc Kinh có lí do để tuyên truyền rằng, nước này đã có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp bảo vệ lợi ích của cộng đồng quốc tế, có lợi cho Trung Quốc trong việc nâng cao vị thế, trở thành một cường quốc toàn cầu, đánh bại ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông.

Trung Quốc chưa đủ điều kiện đặt chân tới Trung Đông?

Bài viết cho rằng, việc Hải quân Trung Quốc thực hiện các hoạt động hộ tống ở eo biển Hormuz là điều hoàn toàn không đơn giản và việc so sánh một nhiệm vụ lớn như vậy với hoạt động hộ tống hàng hải ở vịnh Aden là khá khập khiễng.

Cướp biển là đối thủ không cân xứng và một lực lượng hải quân nhỏ cũng dễ dàng chiến thắng, nhưng nếu điều chiến hạm đến vịnh Ba Tư, đối thủ không còn là lũ hải tặc yếu đuối, Trung Quốc hoàn toàn chưa đủ khả năng đảm nhận nhiệm vụ này.

Tác giả cho rằng, yếu tố tiềm ẩn nguy cơ nhất đối với an ninh khu vực này rõ ràng là căng thẳng giữa Iran với Mỹ và đồng minh, nếu Trung Quốc hiện diện ở eo biển Hormuz, rất có thể họ sẽ nảy sinh xung đột với một hoặc nhiều quốc gia ven biển vùng vịnh Ba Tư. Rõ ràng là Trung Quốc chẳng muốn bị kéo vào một cuộc chiến giữa Iran với Mỹ và Saudi, UAE…

Hơn nữa, thời gian gần đây Bắc Kinh dường như đang tập trung vào việc giảm sự phụ thuộc vào lượng dầu qua eo biển Hormuz bằng cách tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga và Trung Á. Như vậy, nước này dường như chưa có ý định thò tay vào vịnh Ba Tư. Trường hợp bất đắc dĩ, nếu thực sự cuộc chiến nổ ra giữa Mỹ với Iran, thì Trung Quốc mới cân nhắc tới việc gửi tàu chiến đến bảo vệ các thương thuyền của mình.

Theo phân tích trên trang web chuyên nghiên cứu về hải quân Trung Quốc này, chắc chắn là Bắc Kinh sẽ không có hành động nào để hỗ trợ các lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran và ngược lại cũng sẽ không ủng hộ các kế hoạch hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, bài báo cũng nhấn mạnh rằng, nếu xét đến chiến lược trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu thì trước sau gì Trung Quốc cũng sẽ đặt chân đến Trung Đông, điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh phải nghĩ đến việc chống lại và làm giảm khả năng của các cường quốc trong và ngoài khu vực đang tìm cách kiểm soát eo biển Hormuz.

Trong thời điểm hiện nay, Bắc Kinh không nên đột ngột thực hiện một sự can thiệp quân sự vào khu vực này mà bắt đầu gia tăng dần ảnh hưởng chính trị, ngoại giao, đẩy mạnh ảnh hưởng về kinh tế và “bình thường hóa” sự hiện diện quân sự. Hải quân Trung Quốc cũng cần tiến hành công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, ví dụ như làm quen với các yếu tố tự nhiên như độ sâu, luồng lạch và các điều kiện thủy văn trong khu vực.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cần phát triển một hệ thống cảnh báo khẩn cấp để đối phó với các cuộc khủng hoảng ở khu vực biến động nhất thế giới này. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, Trung Quốc có thể cũng sẽ lún sâu vào bãi lầy Trung Đông như Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới