Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ - Trung cạnh tranh ảnh hưởng quân sự tại Thái Lan

Mỹ – Trung cạnh tranh ảnh hưởng quân sự tại Thái Lan

Trong những năm gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều tìm cách gia tăng ảnh hưởng cũng như củng cố quan hệ quân sự với Thái Lan. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang có phần chiếm ưu thế hơn Mỹ nhờ bán trang thiết bị vũ khí rẻ tiền cho Thái Lan.

Mỹ – Thái quan hệ đồng minh quân sự lâu năm

Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan (RTAF) Apirat Kongsompong cho biết, Thái Lan đang thúc đẩy thay đổi kiến trúc an ninh quốc gia với nỗ lực hiện đại hóa quân đội và bổ sung nhiều khí tài mới. Trang thiết bị quốc phòng từ Mỹ cũng xuất hiện trong kế hoạch này. Theo đó, Thái Lan vừa tiếp nhận 10 xe thiết giáp, lô đầu tiên trong hơn 100 chiếc mà nước này ký thỏa thuận với Mỹ theo kiểu “vừa bán, vừa cho”. Lô 10 chiếc đầu tiên, đã qua sử dụng tại chiến trường Afghanistan, được chuyển đến Thái Lan vào đầu tháng 9. Điều đặc biệt là Thái Lan chỉ phải trả tiền cho một phần hợp đồng 140 chiếc thiết giáp. Phần còn lại sẽ là quà tặng từ phía Mỹ. Trong một thông báo vào tháng 7/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đã phê duyệt việc chuyển giao 60 chiếc Stryker cho Thái Lan, nhưng đồng minh Đông Nam Á chỉ cần trả 2,96 tỷ baht (khoảng 96 triệu USD) cho 37 chiếc trong số này và 80 chiếc thiết giáp còn lại sẽ được quân đội Thái Lan đưa vào chi tiêu ngân sách năm 2020.

Được biết, Quân đội Thái Lan lên kế hoạch đến cuối năm 2019 tiếp nhận tổng cộng 100 chiếc Stryker. Đây sẽ là một bước tiến lớn trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội Thái Lan. Phần lớn khí tài mới sẽ được triển khai đến Sư đoàn Bộ binh Hạng nhẹ 11 tại tỉnh Chachengsao, phía Đông thủ đô Bangkok. Cố vấn an ninh của Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan cho biết nước này tiếp nhận thiết giáp từ Mỹ vì chúng phù hợp với những nhu cầu an ninh quốc gia và Thái Lan cần những năng lực mới, sự cơ động mới và năng lực đối phó những thách thức mới bằng biện pháp đa dạng hơn. Ông Prawit Wongsuwan cho rằng việc mua thiết giáp Stryker sẽ không làm mất lòng Trung Quốc và Thái Lan cân bằng quan hệ với cả hai cường quốc dựa trên chiến lược tiếp cận tinh vi.

Trung Quốc tìm cách đẩy Thái Lan ra xa Mỹ

Theo giới truyền thông Trung Quốc, nước này sẽ mở rộng danh mục cung cấp thiết bị chiến đấu lục quân, gồm cả xe tăng và xe thiết giáp hạng nặng cho Quân đội Hoàng gia Thái Lan. Theo đó, quân đội Thái Lan sẽ được bổ sung các phương tiện chiến đấu lục quân với lô hàng đầu tiên gồm 34 xe bọc thép chở quân (còn gọi là xe vận chuyển bộ binh) VN-1 của Trung Quốc và 5 xe phụ trợ khác. Việc giao hàng cũng bao gồm một lô chưa xác định xe tăng chiến đấu chủ lực VT4 (MBT-3000), đã hoạt động ở quốc gia này kể từ tháng 10 năm 2017. Ngoài ra, hơn 110 đơn vị xe tăng và xe bọc thép vận chuyển bộ binh, bao gồm cả loại chuyên chở lính thủy đánh bộ, sẽ được chuyển đến khách hàng Thái Lan trong ba đợt. Tổng số tiền của hợp đồng không được công bố, trong khi đó lô đầu tiên ước tính trị giá 76 triệu USD.

Ngoài xe tăng và xe bọc thép, Thái Lan đã mua thêm một số lượng lớn vũ khí từ Trung Quốc, bao gồm tên lửa chống hạm và các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Thái Lan đã đặt hàng 1 tàu ngầm từ Trung Quốc, sẽ được giao cho Hải quân Quân đội Hoàng gia vào năm 2023, với giá  390 triệu USD. Theo giới thiệu của giới lãnh đạo Quân đội Thái Lan, xe tăng Trung Quốc sẽ được dùng để thay thế cho các xe tăng, xe thiết giáp của Mỹ đã lỗi thời., nâng cao sức mạnh quân sự cho Lục quân nước này.

Việc mở rộng hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Trung Quốc và Thái Lan được công bố ngay sau cuộc hội đàm ngày 17 tháng 11 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-Ocha tại Bangkok. Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường liên lạc quân sự, phát triển hợp tác quốc phòng, bao gồm trao đổi các chuyến thăm và thông tin quân sự, đào tạo nhân viên quân sự, nghiên cứu chung, xây dựng năng lực quân sự và các dịch vụ tình báo. Theo kết quả các cuộc đàm phán, một bản ghi nhớ liên ngành về hợp tác giữa hai bộ quốc phòng đã được ký kết.

Mỹ cần củng cố quan hệ với Thái Lan để đề phòng Trung Quốc

Việc Trung Quốc tăng cường quan hệ mua bán vũ khí với đồng minh khiến nhiều quan chức tại Washington lo ngại. Trong khi đó, theo chuyên gia Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), mối lo ngại còn được Mỹ đặt trong bối cảnh lớn hơn là khả năng hình thành quan hệ đồng minh Trung Quốc – Campuchia tại khu vực.

Trong khi đó, chuyên gia Elena Fomicheva, Viện nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng với việc tăng cường đẩy mạnh hợp tác quân sự với Thái Lan, Trung Quốc đang nghiêm túc đẩy Mỹ ra khỏi quốc gia Đông Nam Á này. Vừa qua, Thái Lan đã mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quốc tế “Hổ mang vàng” (COBRA GOLD) – cuộc diễn tập quân sự đa quân binh chủng lớn nhất ở châu Á. Từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1982 cho tới nay, chỉ có Mỹ và Thái Lan tham gia. Theo chuyên gia Elena Fomicheva, người Mỹ đang mất dần lợi thế cạnh tranh, chủ yếu vì các chính sách đại cường của họ., trong bối cảnh gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của Trung Quốc. Bà nhắc lại việc người Mỹ đã quyết định trừng phạt Thái Lan sau khi quân đội Thái, do Prayut Chan-Ocha lãnh đạo lên nắm quyền vào năm 2014, bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và dân chủ. Chuyên gia Nga lưu ý, người Mỹ đang cần phải tăng cường vị thế của họ không chỉ trong việc cung cấp thiết bị quân sự, mà trong chính sách chiến lược để tái định vị Thái Lan là đối tác chiến lược của họ. Ngoài các mục tiêu kinh tế, nhiệm vụ chính của Washington là đối đầu với Bắc Kinh trên Biển Đông. Để làm được điều này, họ cần phải được các nước ASEAN ủng hộ, do đó Mỹ đang tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh trong khu vực, khi căng thẳng đang tiếp tục gia tăng trên biển Đông.

Chuyên gia Brian Harding, Phó Giám đốc Chương trình nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho rằng lợi ích của Mỹ tại châu Á không bắt đầu và cũng không kết thúc bằng sự cạnh tranh với Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Thái Lan mang đến những cơ hội quan trọng cho Mỹ trong việc theo đuổi những lợi ích tại Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Không những vậy, vị trí địa lý của Thái Lan – là cầu nối giữa Nam Á, Đông Nam Á và Đông Bắc châu Á – và tầm quan trọng của Bangkok trong việc thúc đẩy sự kết nối khu vực đã mang đến những cơ hội để Mỹ và Thái Lan hợp tác nhằm định hình sự phát triển của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mặc dù trong hơn 1 thập kỷ qua, Thái Lan đặt trọng tâm vào chính trị nội bộ, song hiện giờ, nước này đã bắt đầu “chui ra khỏi vỏ ốc”. Giới chính khách Thái Lan đã nhận thức được tầm quan trọng của chính sách kinh tế mạnh nhằm thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong bối cảnh những thách thức về nhân khẩu học đang dần hiện rõ. Chính phủ đương nhiệm đã đề ra kế hoạch kinh tế 20 năm đầy tham vọng với tầm nhìn “Thái Lan 4.0”, đồng thời phát triển “Hành lang kinh tế phía Đông” (EEC) xuyên suốt 3 tỉnh. Thái Lan cũng tỏ ra rất quan tâm tới việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tương lai gần, mặc dù nước này chưa chính thức có những động thái để khởi động tiến trình gia nhập CPTPP. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng Thái Lan là nhân tố chủ chốt trong việc định hình khu vực này hội nhập về kinh tế và lãnh thổ, theo đó, tập trung đặc biệt vào kết nối Nam Á và Đông Nam Á. Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng được đề ra trong EEC cũng “ăn khớp” với những tham vọng này, bởi Chính phủ Thái Lan tập trung vào “Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực” (BIMSTEC) – gồm 7 nước thành viên kéo dài từ Đông sang Tây, từ Ấn Độ tới Thái Lan. Tương tự, Thái Lan đang tìm cách khôi phục khuôn khổ hoạt động của “Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady-Chao Phraya- Mekong” (ACMECS) nhằm dẫn dắt các nỗ lực kết nối khu vực Đông Nam Á. Tại hội nghị ACMECS tổ chức ở Bangkok hồi tháng 7 vừa qua, các nước thành viên đã cam kết hình thành một quỹ cơ sở hạ tầng khu vực vào năm 2019. Trong khi đó, đối với Mỹ, phối hợp với Thái Lan trong những nỗ lực nói trên sẽ là sự mở đầu đầu cho mối quan hệ hợp tác Mỹ – Thái Lan tại một khu vực rộng lớn hơn, với cơ sở vững chắc là sự hợp tác vốn có giữa hai bên theo “Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong” (LMI). Những chính sách kinh tế hướng ngoại sẽ mang đến cho các thành phần kinh tế Mỹ nhiều cơ hội đầu tư tại Thái Lan và khu vực.

Tham vọng của Mỹ đối với mối quan hệ song phương này cần vượt trên cả mục tiêu đưa quan hệ Mỹ-Thái trở lại mức “bình thường”. Mỹ nên hợp tác chặt chẽ với nước đồng minh lâu đời nhất ở châu Á này để giúp định hình tương lai của cấu trúc khu vực và thúc đẩy ổn định, thịnh vượng. Đầu tư vào những ưu tiên của chính Thái Lan là điểm khởi đầu phù hợp với Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới