Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLiên tục điều tàu tuần tra ở quần đảo Hoàng Sa, Trường...

Liên tục điều tàu tuần tra ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa: Thông điệp cứng rắn của Mỹ gửi tới TQ

Người phát ngôn của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, Trung tá Reann Mommsen cho biết hai tàu chiến của Hải quân Mỹ đã thực hiện hai chuyến đi liên tiếp tới quần đảo Hoàng Sa và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo thông tin trên, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đã điều tàu tác chiến cận bờ Gabrielle Giffords (20/11) di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; tàu khu trục Wayne E. Meyer (21/11) tuần tra tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung tá Reann Mommsen cho biết, “các hoạt động này dựa trên luật lệ quốc tế và thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc ủng hộ các quyền, sự tự do và sử dụng hợp pháp các vùng biển và vùng trời được bảo đảm cho tất cả các quốc gia”. Được biết, tàu khu trục Wayne E. Meyer hồi tháng 9/2019 đã di chuyển gần các đảo tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và tới gần đá Chữ Thập và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 8/2019.

Hoạt động tuần tra trên của Mỹ diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đang gặp nhiều trở ngại và cuộc chiến thương mại tiếp tục gặp bế tắc. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (18/11) đã chỉ trích chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, cáo buộc nước này gây nguy hiểm cho sự ổn định khu vực và nói thêm rằng Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự thường xuyên trong khu vực “để thể hiện sự coi trọng” các cam kết. Mỹ nhiều lần điều tàu chiến đi qua Biển Đông trong các chiến dịch tự do hàng hải và thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. Washington cũng nhiều lần bày tỏ quan ngại các hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc cũng như những nỗ lực đe dọa các nước láng giềng châu Á.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, chồng lấn vùng biển các nước trong khu vực, đồng thời tiến hành bồi đắp, quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép để củng cố tuyên bố chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, Người phát ngôn của Trung Quốc Cảnh Sảng (19/11) lớn tiếng kêu gọi Mỹ nên ngừng “khoe cơ bắp” ở Biển Đông. Ngay sau lời kêu gọi, Trung Quốc xác nhận đưa tàu sân bay vào Biển Đông để tiến hành hoạt động “huấn luyện thường lệ và các cuộc thử nghiệm nghiên cứu khoa học”.

Trước việc Mỹ điều tàu chiến, nhất là các tàu LCS lớp Independence ở Biển Đông đánh dấu sự trở lại châu Á sau gần 3 năm vắng bóng. Lần trở lại này cho thấy sự lột xác của lớp tàu từng bị đánh giá là vô dụng trong hải quân Mỹ. Theo giới chuyên gia, với lượng choán nước chỉ 2.300 tấn, các tàu LCS có thể hoạt động ở những vùng nước nông mà những lớp tàu chiến hạng nặng như tàu khu trục hay tàu tuần dương không thể tiến vào, nhất là tại các đảo san hô rải rác ở quần đảo Trường Sa. Tính năng kỹ chiến thuật này gần như công khai nên khi USS Gabrielle Giffords và USS Montgomery được triển khai tới Biển Đông, Trung Quốc đã thể hiện sự cảnh giác cao độ. Không những vậy, tốc độ lên tới 50 hải lý/h cũng là một lợi thế của những tàu này, đem lại ưu thế lớn cho người Mỹ trong các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải.

Việc Mỹ điều tàu tác chiến cận bờ Gabrielle Giffords di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đánh dấu sự điều chỉnh chiến lược mới của Washington. Trước đây, các tàu chiến được Mỹ sử dụng trong những chiến dịch FONOP là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke và tàu tuần dương lớp Ticonderoga. Tần suất các chiến dịch này đã được đẩy lên mức cao nhất trong năm 2018 và 2019, dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, với sự điều chỉnh đưa các tàu LCS vào tuần tra ở Biển Đông cho thấy quyết tâm mới của Mỹ trong việc ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, Tống Trung Bình, nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, cho biết 2 tàu Gabrielle Giffords và Montgomery không gây ra mối đe dọa đáng kể nào cho các đảo và rạn san hô của Trung Quốc ở Biển Đông, vì chúng không có khả năng tàng hình và rất mong manh. Ông Tống Trung Bình cho rằng để đối phó với vấn đề này, Trung Quốc có thể tăng cường tên lửa chống hạm và máy bay trên đất liền hoặc triển khai trên tàu sân bay trong tương lai. Ông Song nhận định chương trình tàu chiến LCS dường như không được hải quân Mỹ ưa chuộng, nhưng nhà sản xuất có thể muốn bán chúng cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Do đó, việc triển khai tàu chiến LCS ở Biển Đông có thể đơn giản chỉ là màn quảng cáo.

Được biết, Hải quân Mỹ hiện đang vận hành 10 tàu LCS lớp Independence, trong đó USS Gabrielle Giffords là tàu mạnh nhất khi đã được lắp thêm tên lửa tấn công hải quân thế hệ thứ năm (NSM), có thể tấn công các mục tiêu trên biển lẫn trên đất liền ở khoảng cách gần 200km. Các hình ảnh được hải quân Mỹ công bố cho thấy USS Gabrielle Giffords được trang bị tới 8 tên lửa NSM khi được triển khai tới Biển Đông – khả năng tối đa của con tàu. USS Gabrielle Giffords đã bắn thử NSM trong ngày 1/10, đúng vào dịp Trung Quốc kỷ niệm 70 năm quốc khánh và phô diễn sức mạnh quân sự bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41. Trang Stars and Stripes nhận định vụ bắn thử của USS Gabrielle Giffords nên được hiểu là một thông điệp gửi tới Trung Quốc. Các tên lửa NSM được trang bị đầu dò hình ảnh chủ động và dẫn đường bởi máy bay không người lái MQ-8B. Dù không phải là tên lửa siêu thanh, NSM có thể chủ động hạ thấp độ cao để đánh lừa rađa đối phương, tăng khả năng sống sót và tấn công chính xác mục tiêu.

Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới