Thẩm phán về hưu Antonio Carpio của Philippines giải thích rằng thực ra Trung Quốc mới là nước hưởng lợi lớn nhất từ phán quyết Biển Đông của tòa The Hague tháng 7-2016 nên phải tuân thủ phán quyết này.
“Dù Trung Quốc có mất gì trong phán quyết Biển Đông, bù lại xét về các nguồn tài nguyên khoáng sản và quyền đánh cá, họ được nhiều hơn tại các vùng biển và đại dương khác trên thế giới” – tờ Inquirer của Philippines dẫn phát biểu của ông Carpio phát biểu trong một sự kiện tại Bộ Ngoại giao Philippines ngày 27-11.
Theo ông Carpio, diễn giải về đảo có thể sinh sống được theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) của phán quyết 2016 đã “định hình lại kinh tế và thịnh vượng của các quốc gia ven biển trên khắp thế giới”.
“Điều ngạc nhiên là nước hưởng lợi lớn nhất từ diễn giải này là Trung Quốc” – ông Carpio nói.
“Với sự diễn giải của Tòa trọng tài về một hòn đảo có thể ở được với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, các quốc gia ven biển đang có chủ quyền đối với các đảo nhỏ không có người ở trên khắp thế giới không còn có thể tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này” – ông Carpio giải thích.
Điều này sẽ giúp mở rộng các vùng biển cả với quyền tự do đánh cá. Và Trung Quốc với đội tàu cá lớn nhất thế giới rõ ràng là một bên hưởng lợi lớn trong phán quyết này.
Do đó, cựu thẩm phán Philippines kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết Biển Đông.
“Họ nên bắt đầu bằng việc tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài vì họ thực sự không thua thiệt trong việc đánh bắt cá và thậm chí cả về tài nguyên khoáng sản vì ở vùng biển cả nơi các đảo không có vùng đặc quyền kinh tế… các quốc gia khác có thể thăm dò tài nguyên khoáng sản” – ông nói.
Năm 2016, trong vụ kiện do Philippines thúc đẩy, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bắc Kinh tuyên bố không công nhận và không thực thi phán quyết này đồng thời tìm cách thúc đẩy chiêu bài “gác tranh chấp cùng khai thác” với các nước xung quanh Biển Đông.