Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam cần thay đổi cách tiếp cận trên vấn đề Biển...

Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận trên vấn đề Biển Đông

Trung quốc đã cho rút tàu khảo sát Hải Dương 08 (HD 08)vànhóm tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam từ hôm 24/10/2019, tình hình Biển Đông tạm thời lắng dịu. Tuy nhiên, những cơn sóng ngầm vẫn đang âm ỉ và có thể bùng phát bất cứ lúc nào bởi lẽ mục tiêu của Trung Quốc là khống chế, độc chiếm Biển Đông và cách làm của Trung Quốc là gia tăng áp lực để buộc Việt Nam phải khuất phục.

Nhìn lại những hoạt động của Trung Quốc thời gian qua ở Biển Đông với các nước láng giềng có thể thấy Bắc Kinh hành động ngày càng hung hăng, hành động ngày càng leo thang nguy hiểm. Do vậy, ngay từ bây giờ lúc mà những căng thẳng ở Biển Đông tạm thời lắng xuống, Việt Nam cần đánh giá lại vụ việc Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam suốt gần 4 tháng qua để từ đó chuẩn bị cho những đối sách trong tương lai khi mà Trung Quốc có những hành động leo thang mới. Xin nêu một số ý kiến với nhà chức trách Hà Nội.

Mặc dù, cuối cùng tàu Trung Quốc cũng rút, nhưng có thể thấy rằng ròng dã suốt gần 4 tháng, Hà Nội kiên trì đấu tranh ngoại giao. Theo một số nguồn tin thì Hà Nội đã có ít nhất 40 lần giao thiệp với Bắc Kinh trong suốt thời gian tàu Trung Quốc hoành hành trong vùng biển Việt Nam, nhưng nhóm tàu khảo sát cứ ra tiếp nhiên liệu ở đá Chữ Thập rồi lại vào gây hấn đã 4 lần tiến vào vùng biển của Việt Nam trong gần 4 tháng và nguy hiểm hơn là lần sau tàu Trung Quốc lại vào sâu hơn, gần bờ biển Việt hơn (có lúc cách bờ biển Việt Nam chưa đến 100 hải lý), tạo ra một tiền lệ rất xấu.

Nhóm tàuHD 08 của Trung Quốc chỉ rút khi mà giàn khoan Hakuryu 5 rời khỏi khu vực Lô 06-1, thực tế là Bắc Kinh đã thách thức sự hiện diện của giàn khoan Hakuryu-5 đến cùng. Tuy nhiên Việt Nam cũng hoàn thành được công việc khoan ở Lô 06-1, nhưng xuất hiện tình huống là nếu Việt Nam cứ triển khai các hoạt động dầu khí của mình là Trung Quốc sẽ quấy phá, cũng làm thậm chí rối đến lúc họ cũng tiến hành khoan nganh cạnh giàn khoan của Việt Nam. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn để đối phó với tình huống này.

Một điều đáng quan ngại là xem ra Trung Quốc không còn coi trọng dư luận quốc tế, họ xem thường tất cả. Trung Quốc làm ngơ trước tất cả những lời tố cáo, lên án của cộng đồng quốc tế. Ngay cả những cảnh báo nghiêm khắc từ phía Mỹ lên án hành vi bắt nạt của Trung Quốc cũng không lay động Bắc Kinh. Thậm chí họ còn làm mạnh hơn nữa khi tiếp tế nhiên liệu cho chiếc Hải Dương 08 rồi đưa trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần bãi Tư Chính.

Cách đây 5 năm, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trên thềm lục địa miền Trung Việt Nam tháng 05/2014, Trung Quốc đã phải rút giàn khoan trước thời hạn (mặc dù khi đó Bắc Kinh nói rằng công việc của giàn khoan đã hoàn thành trước thời hạn)trước đấu tranh kiên quyết của Việt Nam và phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Một nguyên nhân hết sức quan trọng mà Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 trước thời hạn còn vì Bắc Kinh lo ngại Hà Nội có thể tham gia vào vụ kiện do Philippines khởi sướng đầu năm 2013. Đây chính là “gót chân Asin” của Trung Quốc mà Việt Nam cần khai thác trong tương lai.

Một số ý kiến cũng cho rằng sở dĩ Trung Quốc lấn tới trong vụ việc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam lần này là do Việt Nam đấu tranh chưa đủ mạnh như trong vụ việc giàn khoan HD 981 và dường như Hà Nội còn có lo ngại rằng đấu tranh mạnh có thể ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Từ những phân tích đánh giá kể trên, Hà Nội cần rút ra những bài học kinh nghiệm để ứng phó với các hành vi ngang ngược của Trung Quốc trong tương lai. Vậy chiến lược của Việt Nam trong đối phó với hành vi xâm lấn mới của Trung Quốc phải như thế nào? Với tư cách một người Việt ở hải ngoại, xin nêu một số ý kiến để Hà Nội có thể tham khảo.

Hà nội lâu nay vẫn chủ trương làm bạn với tất cả các nước và phương châm là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trong xử lý các mối quan hệ quốc tế. Trong quan hệ với 2 nước lớn Mỹ và Trung Quốc thì cần thực hiện phương châm này một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt.

Vừa qua Hà Nội đã đặt việc hợp tác trên đấu tranh trong quan hệ với anh bạn láng giềng phương Bắc nhưng Hà Nội có thể xem xét khả năng tiếp thêm sức mạnh cho vế đấu tranh trong chiến lược cố hữu của mình – mà không làm phương hại đến thế cân bằng tế nhị của chủ trương “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.

Mặt khác, trong quan hệ với Mỹ, Hà Nội cần tăng thêm liều lượng hợp tác để tạo đối trọng với Trung Quốc. Mỹ đang có thái độ cứng rắn nhất với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Những động thái gần cho thấy dường như Mỹ đã đứng hẳn về phía Việt Nam trong cuộc chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Washington hiện rất coi trọng vai trò của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, trong ASEAN và trong chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở mà Tổng thống D. Trump nêu ra năm 2017 tại Diễn đàn cấp cao APEC ở Việt Nam. Hà Nội cần tranh thủ điều này để tăng liều lượng hợp tác các mặt với Mỹ, kể cả trên vấn đề Biển Đông. Việc tăng cường hợp tác hơn với Mỹ, tranh thủ Mỹ trên vấn đề Biển Đông hoàn toàn không trái với chính sách “3 Không” mà Việt Nam tuyên bố lâu nay (không tham gia các liên minh quân sự, không cho nước ngoại đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, không dựa vào nước thứ hai để chống lại một nước thứ ba).

Với cách tiếp cận đó, Hà nội nên sớm nâng cấp quan hệ với Washington lên “đối tác chiến lược”. Điều này sẽ phát đi một tín hiệu rằng Việt Nam và Mỹ có cùng một lợi ích chiến lược lâu dài – một lời thách thức kín đáo gửi đến Trung Quốc. Hà Nội vẫn có thể hợp tác với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sẽ biết rằng Washington có thể xen vào các cuộc khủng hoảng Biển Đông tương lai một cách cụ thể hơn là những lời nói “suông” hiện nay.

Hà Nội cũng có thể tiếp tục phát triển và tăng cường mạng lưới quan hệ quốc phòng với các nước ASEAN, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ. Thúc đẩy được các nước này lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành vi xâm lấn của Trung Quốc trong tương lai. Trong vụ việc nhóm tàu HD 08 xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, các nước này chỉ bày tỏ phản ứng có mức độ, có thể do Việt Nam chưa đưa ra hết các thông tin liên quan đến vụ việc (như sơ đồ giải thích rõ tính bất hợp pháp trong các hoạt động của tàu Trung Quốc, băng hình các hành động gây hấn, phun vòi rồng của tàu Trung Quốc…).

Một điểm mới là gần đây, các nước EU, nhất là các nước Anh, Pháp Đức tỏ ra quan tâm và có thái độ mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông, trong đó luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong vụ việc nhóm tàu Hải Dương 08, ba nước Anh, Pháp, Đức còn ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại và kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam cần tiếp tục vận động, khai thác các nước này trong cuộc đấu tranh bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông.

Việt Nam nên tiến hành tập trận chung với các nước nói trên ở Biển Đông nhằm tạo đan xen lợi ích của các nước ở Biển Đông. Sự hiện diện của tàu chiến các nước ngoài khu vực ở Biển Đông, nhất là khi họ tham gia diễn tập chung cùng Việt Nam là nhân tố hết sức quan trọng kiềm chế sự bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trên thực tế, Philippines đã nhiều lần tham gia tập trận chung cùng các nước Mỹ, Nhật, Úc….

Để ngăn ngừa những hành động gây hấn leo thang mới của Trung Quốc, ngay từ bây giờ Hà Nội cần trao đổi thẳng thắn với Bắc Kinh về việc sử dụng biện pháp pháp lý. Hà Nội cần gửi cho Bắc Kinh một thông điệp thực sự nghiêm khắc, cảnh báo với Bắc Kinh rằng nếu tiếp tục có hành vi mới xâm lấn vùng biển của Việt Nam thì phía Việt Nam buộc phải sử dụng biện pháp pháp lý; nhấn mạnh với Bắc Kinh đây là biện pháp duy nhất để hai nước có thể làm sáng tỏ những bất đồng ở Biển Đông mà vẫn giữ đươc hòa bình khu vực. Điều này phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và cũng là biện pháp duy nhất hai bên có thể lấy đó làm cơ sở để giải thích cho dư luận mỗi nước.

Sau cùng, Hà Nội cần sử dụng vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an mà Việt Nam đảm nhận trong năm 2020 để nêu bật những vi phạm của Trung Quốc, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước. Mặt khác, Việt Nam cần đi đầu trong việc tỏ thái độ kiên quyết không khoan nhượng, dẫn dắt ASEAN trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) với Trung Quốc để đưa vào COC những nội dung phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; gạt bỏ những nội dung ngăn cản sự can dự, tham gia hợp tác của các nước ngoài khu vực ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới