Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaLiệu Pháp có bỏ rơi Biển Đông hay không?

Liệu Pháp có bỏ rơi Biển Đông hay không?

Trong số các nước ngoài khu vực, Pháp là nước am hiểu và liên quan nhiều nhất tới tranh chấp Biển Đông vì Pháp đã đô hộ ở Đông Dương gần 1 thế kỷ và từng thay mặt chính quyền An Nam (Việt Nam) quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, năm 1933, Pháp đãtuyên bố chính thức về việc chiếm cứ, quản lý một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó bao gồm đảo Trường Sa, Ba Bình, Thị Tứ và Loại Ta xác lập chủ quyền theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.

Sau khi rút khỏi Đông Dương, Pháp bàn giao quyền quản lý các quần đảo cho chính quyền Bảo Đại của Việt Nam. Pháp cũng là nơi lưu giữ nhiều hồ sơ chứng cứ nhất liên quan đến việc Pháp thực thi quản lý các quần đảo này. Do vậy, Pháp có thể đóng góp vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, đến nay Pháp vẫn không chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Pháp vẫn im lặng bởi lẽ Pháp có nhu cầu thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc nên né tránh vấn đề nhạy cảm này để không làm “mất mặt” Bắc Kinh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa có chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 2 từ ngày 04 đến 06/11/2019. Trong chuyến thăm, Pháp và Trung Quốc đã ký nhiều hợp đồng kinh tế và các thỏa thuận hợp tác về khí hậu cũng như là việc bảo vệ các lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu.Nguyên thủ Pháp tuyệt nhiên không một lời “đả động” đến các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Lợi ích kinh tế là trên hết. Do vậy, sẽ chẳng có gì là đáng ngạc nhiên khi Tổng thống Macron tỏ ra thận trọng không công khai phản đối các chính sách của Trung Quốc tại vùng biển đang có tranh chấp ngày càng gay gắt này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng sự im lặng của Tổng thống Macron không có nghĩa là Pháp “đồng lõa” với những hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và sẽ ngừng kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc hoặc chấm dứt ngưng bán vũ khí cho các nước đối thủ của Bắc Kinh.

Nhiều dấu hiệu cho thấy Paris ngày càng tỏ ra lo ngại về tham vọng bành trướng quân sự của Bắc Kinh tại Biển Đông. Mối lo này đã được Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ quốc phòng Pháp, bà Florence Parly, trình bày rõ trong tập tài liệu“Pháp và an ninh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” cũng như là trong phiên điều trần trước Quốc Hội hồi tháng 7/2019 của tham mưu trưởng Hải quân Pháp, Kouthe Prazuck.

Paris những năm gần đây liên tiếp phản đối các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Tự cho mình là một cường quốc của khu vực vì Pháp sở hữu nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại và các vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực.Do vậy, Pháp đã tái khởi động “Đối thoại an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” với Mỹ, điều tầu sân bay Charles de Gaulle đến vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cùng chia sẻ với Mỹ tầm quan trọng của việc xây dựng một mạng lưới các liên minh và đối tác chiến lược để duy trì một vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở rộng.

Mặt khác, Paris tăng cường hợp tác quân sự với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là với Úc. Tháng 10 vừa qua, tham mưu trưởng Hải Quân Pháp Kouthe Prazuck đã đề xuất tiến hành tuần tra chung với Hải Quân Úc trong vùng biển Ấn ĐộDương -Thái Bình Dương, chẳng hạn như Úc có thể gửi tàu chiến hộ tống tàu sân bay Charles De Gaulle, trong khi tàu khu trục Pháp hộ tống các tàu đổ bộ của Úc.

Đối với Biển Đông, Pháp nhiều lần cho tàu chiến hoạt động ở Biển Đông. Đáng chú ý là, khi Trung Quốc cho nhóm tàu Hải Dương 08 xâm lấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam (từ 04/7 đến 24/10/2019), Pháp đã cùng Anh, Đức ra Tuyên bố phê phán hành vi gây hấn của Trung Quốc; kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Tàu chiến pháp cũng đã đi qua eo biển Đài Loan làm cho Bắc Kinh giận dữ.

Pháp là quốc gia luôn đề cao thượng tôn pháp luật và Pháp có lợi ích lớn ở khu vực, bao gồm việc duy trì trật tự ở Biển Đông dựa trên luật lệ, đảm bảo tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Pháp cùng với các đồng minh của Mỹ không chấp nhận việc Trung Quốc khống chế, độc chiếm Biển Đông. Pháp lo ngại trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và gia tăng hoạt động với các nước láng giềng trên Biển Đông.

Ngoài ra, Pháp còn có lợi ích lớn trong việc bán vũ khí, trang thiết bị quân sự cho các nước trong khu vực. Các số liệu thống kê giai đoạn 2008-2017 cho thấy Pháp đã ký kết nhiều hợp đồng bán các loại hệ thống vũ khí với tổng trị giá 23 tỷ đô la cho các nước vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Indonesia, Singapore hay Malaysia, và riêng với Ấn Độ là 15 tỷ đô la.

Làm thế nào cân đối các lợi ích xung đột giữa một bên là tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc mà Pháp rất cần đến và bên kia là giúp bảo vệ trật tự thế giới theo mô hình phương Tây trước những thách thức đến từ Trung Quốc? Đây không phải là một bài toán dễ.

Điều này giải thích vì sao các hoạt động hải quân của Pháp tại vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng là “khiêm tốn” hơn so với đồng minh Mỹ. Chính quyền Pháp đều tìm cách tránh gây tổn hại đến các mối quan hệ với Bắc Kinh. Giữa Pháp và Trung Quốc đã có một sự thống nhất về nhịp độ “dừng nghỉ – stopover” của tàu chiến Pháp ở Trung Quốc và của các tàu chiến Trung Quốc tại Pháp. Mặt khác, khi đi vào các khu vực đảo đang có tranh chấp, tàu chiến Pháp thường chọn hải trình nằm ngoài giới hạn lãnh hải 12 hải lý, nhằm giảm rủi ro xảy ra va chạm với quân đội Trung Quốc.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Paris từ bỏ việc kềm chế các hoạt động quân sự của Bắc Kinh. Chính phủ Pháp có thể giảm nhẹ mức độ phản đối các hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông để bảo vệ các mối hợp tác thương mại. Nhưng Pháp không thể làm ngơ để Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Tùy vào tình hình mà pháp sẽ phối hợp với các đồng minh để có phản ứng phù hợp.

Hơn thế nữa, Paris ít có khả năng từ bỏ việc bán trang thiết bị, vũ khí cho các nước láng giềng của Trung Quốc. Bởi lẽ, bán vũ khí còn là một cột trụ trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Pháp, cho dù Trung Quốc có hài lòng hay là không.

Từ những phân tích trên có thể thấy những ý kiến băn khoăn lo ngại việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không đề cập đến vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc lần này do Pháp “bỏ rơi” Biển Đông là thiếu cơ sở. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng, kinh tế thế giới có những khó khăn đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, chủ nghĩa dân tộc có chiều hướng gia tăng, Chính phủ các nước đều cố gắng thi hành một chính sách uyển chuyển, linh hoạt để bảo đảm lợi ích cao nhất cho quốc gia họ.

Pháp cũng không phải là ngoại lệ, Paris cần hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Bắc Kinh sau khi ghé Thượng Hải tham dự lễ khai mạc Hội chợ Nhập khẩu Thượng Hải. Mục tiêu chuyến đi là tăng cường quan hệ kinh tế thương mại, thúc đẩy Bắc Kinh mở cửa thị trường. Với mục tiêu đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tránh đề cập đến vấn đề Biển Đông để không làm ảnh hưởng đến kết quả chuyến đi. Đây là cách làm thể hiện sự thực dụng của chính quyền Paris trong cách tiếp cận thị trường khổng lồ Trung Quốc.

Tuy nhiên, chúng ta tin rằng nước Pháp với một bề dày lịch sử và tinh thần thượng tôn pháp luật, không thể từ bỏ những gì thuộc về lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế. Duy trì, một Biển Đông hòa bình, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không là lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế, trong đó có lợi ích của Pháp nên một điều có thể khẳng định là Pháp không thể “bỏ rơi” Biển Đông cho Trung Quốc hoành hành, bành trướng. Mặt khác, Pháp luôn là đồng minh thân thiết của Mỹ, do vậy Pháp không thể “bỏ rơi” Biển Đông trong khi Mỹ đang chủ động can dự ngày càng sâu hơn vào Biển Đông để ngăn chặn Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới