Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngCông cụ pháp lý ngăn "núi lửa phun trào" trên Biển Đông

Công cụ pháp lý ngăn “núi lửa phun trào” trên Biển Đông

Những căng thẳng trên Biển Đông chẳng khác nào như “ngọn núi lửa chờ phun trào”. Chỉ có công cụ pháp lý mới có thể ngăn chặn nguy cơ này cùng những hậu quả hết sức nguy hiểm với an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung.

Lời cảnh báo đó được đưa ra tại hội thảo khoa học “Biển Đông – những thách thức hiện tại và triển vọng tương lai” vừa diễn ra tại Trung tâm Hội thảo quốc tế ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Các học giả tham gia hội thảo khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là văn bản có tính pháp lý như hiến pháp về biển, là nền tảng cho ổn định trên biển và tự do hàng hải. Chính vì thế, hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây đang thách thức trật tự thế giới dựa trên luật pháp.

Hành động thách thức trật tự thế giới, chà đạp lên luật pháp quốc tế

Tham gia ký UNCLOS, Việt Nam đã thực hiện tất cả các quyền của quốc gia ven biển, bao gồm Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam năm 1982, Hồ sơ ranh giới ngoài của thềm lục địa trình lên LHQ năm 2009, ban hành Luật Biển năm 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015. Trong các văn bản pháp luật nêu trên cũng như các văn bản dưới luật, Việt Nam đã xác định rõ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác khi thực hiện các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Mọi quy định đều rõ ràng nhưng vấn đề phức tạp là ở chỗ Trung Quốc tự cho phép mình quyền diễn giải yêu sách chủ quyền trên biển hoàn toàn không dựa trên luật pháp quốc tế. Dựa trên một chiếc bản đồ được vẽ tùy tiện cách đây hơn nửa thế kỷ, mô tả “Đường lưỡi bò” lúc đầu có 11 đoạn nay còn 9 đoạn, ngày 7-5-2009, Trung Quốc đưa ra Tuyên bố về “Đường yêu sách 9 đoạn” chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, gom lãnh hải của nhiều nước thành của mình. 

Dưới lập luận phi lý đó, năm 2011, Trung Quốc tiến hành các hoạt động quấy nhiễu và cắt cáp ngầm tàu Bình Minh 2. Năm 2012, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough do Philippines kiểm soát; ngang nhiên mời thầu quốc tế khai thác 9 lô dầu khí nằm trong đặc quyền kinh tế của Việt Nam; thành lập thành phố Tam Sa bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 2014, Trung Quốc ồ ạt tôn tạo các đảo nhân tạo trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Gần đây nhất, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc sử dụng các trang thiết bị đã tiến hành thăm dò và khảo sát trong quá trình đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy dấu hiệu vi phạm quyền chủ quyền về thăm dò tài nguyên thiên nhiên tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Có thể thấy với cách hành xử như trên, Trung Quốc đang âm mưu biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trở thành vùng chồng lấn, tranh chấp, từ đó đòi quyền “cùng khai thác”. 

Chủ động truyền bá quan điểm đúng đắn của mình ra thế giới

Trong cuộc hội thảo khoa học tại Nga về tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, diễn ra đầu tháng 11 vừa rồi, Tiến sĩ Grigory Lokshin, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, đã cảnh báo: “Đúng là đã có luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, UNCLOS, các tài liệu pháp lý khác để giải quyết tình hình ở Biển Đông, nhưng chúng tôi thấy sự vi phạm nghiêm trọng từ phía Trung Quốc liên quan đến quyền chủ quyền hợp pháp được luật pháp quốc tế công nhận, trước hết là của Việt Nam cùng các quốc gia ven biển khác như Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei”.

Thực tế đã khẳng định luật quốc tế là công cụ tốt nhất để giải quyết các tranh chấp. Nhưng việc tiếp tục xem nhẹ UNCLOS, Trung Quốc đang thể hiện với các nước liên quan rằng họ vẫn muốn hành xử theo kiểu “quyền lực thuộc về kẻ mạnh”. Giáo sư Alexander Vuving, nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định: “Tôi nghĩ có 2 nguy cơ lớn nhất đối với khu vực. Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục hướng tới con đường giành thêm các quyền kiểm soát Biển Đông, khống chế không gian biển ở khu vực. Thứ hai, sự áp đặt đơn phương của Trung Quốc đã chà đạp lên luật pháp quốc tế. Nếu không bị ngăn cản sẽ củng cố thêm một hiện thực mới trên Biển Đông là “sức mạnh của Trung Quốc đứng cao hơn luật pháp quốc tế”, buộc mọi người phải chấp nhận”.

Trong bối cảnh đó, các nước trong khu vực cần đẩy mạnh việc lên tiếng chống lại các hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông và điều này cần được công khai trên các diễn đàn quốc tế. Đây là việc làm cần thiết vì có một thực tế là chỉ trong vài năm gần đây, thế giới mới bắt đầu quan tâm hơn đến phản ứng của các quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Indonesia. Trước đó, tranh chấp trên Biển Đông thường được coi là “câu chuyện riêng” giữa Mỹ và Trung Quốc và thế giới thường chú tâm vào phản ứng của hai quốc gia này.

Trước hết, cần đề cao vai trò của UNCLOS, khẳng định bất cứ yêu sách nào về biển cũng phải được xây dựng trên cơ sở và trong phạm vi cho phép của UNCLOS. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước, các bên liên quan cần giải quyết thông qua thương lượng hoặc các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. 

Trong khi chưa giải quyết được bất đồng, các bên cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ký giữa Trung Quốc và ASEAN ngày 4-11-2002. Theo đó, các bên liên quan kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực; đồng thời tham gia đàm phán một cách thiện chí, xây dựng nhằm sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của UNCLOS.

Cùng với đó, việc cung cấp chi tiết, cập nhật thường xuyên hiện trạng hoạt động của các tàu Trung Quốc và các tàu thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam trên bản đồ và các bảng số liệu sẽ giúp người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết về hoạt động bất hợp pháp của các tàu Trung Quốc và những hoạt động đấu tranh của Việt Nam. 

Thế mạnh của Việt Nam là tính chính nghĩa. Vì thế, khi chủ động truyền bá quan điểm đúng đắn của mình ra thế giới, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ rộng lớn của cộng đồng quốc tế. Một khi cộng đồng quốc tế đồng loạt lên tiếng chỉ trích những hành vi sai trái, gây mất an toàn, an ninh ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tham vọng của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới