Ngày 27/11, tại Busan, Hàn Quốc đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần đầu tiên với sự tham dự của nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ Campuchia, Hàn Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Tại Hội nghị này, lãnh đạo 6 nước đã nhất trí thiết lập “Quan hệ đối tác vì người dân, thịnh vượng và hòa bình” giữa các nước Mekong và Hàn Quốc đồng thời nâng cấp hợp tác lên cấp thượng đỉnh.
Hội nghị Cấp cao Mekong – Hàn Quốc lần thứ nhất. (Nguồn: KBS)
Đây là lần đầu tiên sau 8 năm thiết lập quan hệ đối tác Mekong-Hàn Quốc, lãnh đạo cấp cao sáu nước ngồi lại để cùng thảo luận về tương lai của hợp tác. Với chủ đề “Hợp tác tương lai Mekong-Hàn Quốc vì thịnh vượng chung”, Hội nghị đã điểm lại tình hình hợp tác giữa các nước Mekong và Hàn Quốc qua gần một thập kỷ và thảo luận các định hướng lớn cho hợp tác trong giai đoạn tới. Hội nghị đánh giá hợp tác Mekong-Hàn Quốc đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các nhà lãnh đạo cũng đánh giá cao hỗ trợ của Hàn Quốc đối với khu vực Mekong và hoan nghênh cam kết của Hàn Quốc tăng viện trợ chính thức (ODA) cho ASEAN và nâng mức đóng góp thường niên cho Quỹ hợp tác Mekong-Hàn Quốc.
Về định hướng hợp tác tương lai, lãnh đạo sáu nước đã nhất trí thiết lập Quan hệ đối tác vì người dân, thịnh vượng và hòa bình giữa các nước Mekong và Hàn Quốc đồng thời nâng cấp hợp tác lên cấp thượng đỉnh. Lãnh đạo các nước cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác Mekong-Hàn Quốc trên ba trụ cột là Người dân, Thịnh vượng, Hoà bình và bảy lĩnh vực ưu tiên là văn hoá và du lịch, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông, môi trường, và các thách thức phi truyền thống. Các nhà lãnh đạo quyết định thành lập Trung tâm đa dạng sinh học Mekong-Hàn Quốc, Trung tâm hợp tác nghiên cứu chung về nguồn nước Mekong-Hàn Quốc để thúc đẩy bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững ở lưu vực sông Mekong. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí lấy năm 2021 là năm giao lưu Mekong-Hàn Quốc để kỷ niệm 10 năm hợp tác.
Nhân dịp Hội nghị, Hội đồng kinh doanh Mekong-Hàn Quốc đã được thành lập nhằm thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp sáu nước và sự tham gia của khu vực doanh nghiệp vào hợp tác. Tập đoàn nguồn nước Hàn Quốc, Ủy hội sông Mekong và các cơ quan liên quan của các nước Mekong đã ký Bản ghi nhớ về thực hiện nghiên cứu chung trong lĩnh vực nguồn nước. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến ba mục tiêu chính mà hợp tác Mekong-Hàn Quốc cần hướng đến là củng cố môi trường hoà bình khu vực; phát triển kinh tế lấy người dân làm trung tâm, đổi mới-sáng tạo làm động lực chính; và tăng trưởng kinh tế song hành với bảo vệ môi trường và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên.
Để đạt được các mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng hợp tác Mekong-Hàn Quốc cần đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin. Đề nghị Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư tại khu vực Mekong, nhất là về phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị. Chia sẻ các kinh nghiệm, chính sách về phát triển công nghệ thông tin, chính phủ điện tử, và triển khai mạng 5G. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đẩy mạnh hợp tác nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo và tăng cường hợp tác khoa học-công nghệ. Khuyến khích các chương trình học bổng, trao đổi chuyên gia.
Trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và quản lý nguồn nước, Hàn Quốc cần chia sẻ kinh nghiệm quản lý liên hồ chứa, hệ sinh thái, nguồn nước ngầm xuyên biên giới và công nghệ xử lý nước thải. Đẩy mạnh hợp tác trong xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu. Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua “Tuyên bố Mekong-sông Hàn thành lập quan hệ đối tác vì nhân dân, thịnh vượng và hoà bình” và nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ hai tại Việt Nam trong năm 2020.
Trong những năm qua, các dự án phát triển trên sông Mekong, đặc biệt là việc xây dựng các đập thủy điện đang có những ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến cuộc sống của các dân cư sống ở lưu vực sông Mekong. Mặc dù ASEAN đã có một vài nỗ lực nhằm thúc đẩy các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn nước ở Tiểu vùng sông Mekong (GMS) nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế.Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi ra biển Đông. Với chiều dài khoảng 4.800km, sông Mekong có chiều dài lớn thứ 12 trên thế giới và khu vực hạ lưu sông Mekong có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các nước có dòng sông này chảy qua.Một điều đáng lo ngại nữa là các nước ở dọc khu vực sông Mekong đang thực thi chính sách tăng cường xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính. Nguyên do được cho là sự gia tăng dân số sẽ làm gia tăng nhu cầu sử dụng nguồn nước và năng lượng. Hiện có 11 đập thủy điện trên thượng nguồn và 30 đập ở phụ lưu của sông Mekong đang được đề xuất xây dựng trong vòng 20 năm tới. Năm 1995, bốn nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) đã ký Hiệp định hợp tác Mekong 1995 và thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC). Hiệp định này là cơ sở pháp lý duy nhất trong vùng nhằm quản lý và phát triển lưu vực sông Mekong.
Vừa qua, Trung tâm Habibie thuộc Chương trình nghiên cứu ASEAN đã đưa ra 03 kiến nghị đối với ASEAN để giúp các nước thành viên quản lý tốt hơn và bền vững hơn nguồn nước sông Mekong. Thứ nhất, ASEAN cần tập trung nhiều nguồn lực hơn trong công tác đảm bảo an ninh nguồn nước và phải coi đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, hiện có 60 triệu công dân của các nước thành viên ASEAN đang sinh sống dựa trên nguồn nước của sông Mekong. Thứ hai, ASEAN cần thể hiện vai trò điều phối hiệu quả hơn giữa các nước thành viên trong việc thực thi đầy đủ Hiệp định Mekong (1995). Qua đó, ASEAN có thể giúp tạo ra sự cân bằng giữa các nước bằng việc đưa vấn đề an ninh nguồn nước là mối quan tâm chung của tất cả các nước thành viên hơn là của một tiểu vùng như hiện nay. Thứ ba, ASEAN cần thiết lập một cơ quan khu vực đảm nhiệm về công tác đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm cung cấp các nghiên cứu có tính tổng thể, toàn diện và khách quan. Bởi lẽ, hiện nay các dự án xây đập thủy điện được cho là chưa đánh giá đúng thực trạng và tác động có thể gây ra đối với các quốc gia ven sông, dẫn đến việc một số quốc gia dễ dàng thông qua các chính sách, mà chưa có sự phối hợp đồng bộ của các bên liên quan.
Sông Mekong có ý nghĩa về kinh tế và môi trường quan trọng đối với tất cả các nước nằm trong lưu vực sông.Theo đó, việc tiến hành các hoạt động trên lưu vực sông Mekong cần không gây ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái của sông, đảm bảo khối lượng, chất lượng nước trên sông và lợi ích công bằng, chính đáng của tất cả các nước trong lưu vực sông.