Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, chuyên gia Arthur Waldron về vấn đề quan hệ Mỹ – Trung tiết lộ, một nhân viên trợ tá cấp cao thân cận với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã chia sẻ rằng: Chúng tôi đã đi đến đường cùng. Ông Arthur Waldron kiến nghị Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và đội ngũ của ông ấy cần xem xét chuẩn bị cách ứng phó với vấn đề ĐCSTQ sụp đổ cùng việc quy hàng của những thế lực nội bộ ĐCSTQ.
Hôm 29/11, trang Twitter GlobalHimalaya đã tweet một video phỏng vấn của “Kênh lãnh đạo tư tưởng Mỹ” (American Thought Leaders). Theo đó trong bài phỏng vấn chuyên gia Arthur Waldron – Giáo sư Quan hệ Quốc tế và Lịch sử Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), đã nhận định tình hình hiện tại của Trung Quốc: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang bước vào thời kỳ tương tự như sự tan rã của Liên Xô trước đây. Vấn đề không phải một khi chế độ ĐCSTQ sụp đổ là đồng nghĩa sụp đổ của Trung Quốc, mà ĐCSTQ sụp đổ thì nước Trung Quốc vẫn còn đó, nhưng hệ thống chính trị thay đổi mà thôi.”
Chuyên gia Arthur Waldron cho rằng, vì thiếu hiểu biết đúng đắn thực tế, về cơ bản không biết gì về tình hình thực tế của người dân nên Chính phủ ĐCSTQ làm việc theo kiểu nghĩ đâu làm đó, rất tùy tiện và vô lối.
Ông nhận định rằng Chính phủ của ĐCSTQ hiểu rất rõ rằng ngày hấp hối đã cận kề. Ông tiết lộ thông tin một trợ tá cấp cao thân cận của ông Tập Cận Bình đã thẳng thắn chia sẻ với ông: “Arthur Waldron, chúng tôi đã đi đến đường cùng. Mọi người đều biết rằng thể chế này đã kết thúc. Những bước đi tiếp theo chúng tôi không biết phải đi như thế nào, vì giống như có mìn ở khắp nơi, bước sai một bước là có thể tan xương nát thịt.”
Ông chỉ ra vấn đề đau đầu thực sự là làm thế nào để thoát ra khỏi vũng lầy của chủ nghĩa cộng sản, qua đó đề nghị Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và đội ngũ của ông ấy nên nghiên cứu cách đối phó khi ĐCSTQ sụp đổ, vấn đề quy hàng của các thế lực trong ĐCSTQ và chuyện chuyển đổi thể chế chính trị tại Trung Quốc.
Trong phần kết phỏng vấn, chuyên gia Arthur Waldron cho biết, ông từng nghĩ chuyến đi lần trước đến Trung Quốc là chuyến cuối cùng, nhưng giờ đây những thay đổi về thế cuộc đã khiến ông thay đổi suy nghĩ. Ông mong muốn sau khi hoàn thành công việc sẽ có thể cùng người vợ trở về Trung Quốc, để nhìn thấy một “Trung Quốc mới”.
Kể từ năm ngoái, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đã khiến nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, nguồn vốn nước ngoài chảy ra, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, cùng với dịch tả lợn châu Phi khiến giá cả trong nước tăng vọt, người dân khắp nơi than oán. Trong khi tình trạng hủ bại trong ĐCSTQ thì ngày càng không thể hóa giải, bộ máy hành chính đấu đá rệu rã khiến chính lệnh khó lọt khỏi Trung Nam Hải. Còn bộ máy chính trị vì gia cố chế độ độc tài toàn trị nên thắt chặt quản chế xã hội bằng bóp nghẹt nhân quyền, khiến cộng đồng quốc tế liên tục phải lên tiếng chỉ trích.
Một số sự kiện lớn gần đây đã khiến chính quyền Bắc Kinh căng thẳng hơn, trước tiên là cựu đặc vụ Vương Lập Cường của ĐCSTQ quy hàng Úc và tiết lộ thông tin gây sốc trong công luận, bao gồm tuyên bố đã tham gia vào kế hoạch thao túng bầu cử Đài Loan và Hồng Kông, bắt cóc nhà bất đồng chính kiến với ĐCSTQ. Vợ chồng ông chủ Hướng Tâm, chủ tịch Công ty Đầu tư sáng tạo Trung Quốc (China Innovation Investment) cũng đã bị bắt giữ để điều tra tại Đài Loan.
Các tài liệu bí mật liên quan đến đàn áp nhân quyền ở Tân Cương lần lượt được đưa ra trước cộng đồng quốc tế, bác bỏ biện bạch của ĐCSTQ tuyên bố rằng Tân Cương chỉ có các trung tâm dạy nghề chứ không có trại tập trung. Thêm nữa là thảm bại của phe kiến chế thân ĐCSTQ trong bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông đã làm nhà cầm quyền Bắc Kinh mất mặt.
Cùng ngày (25/11), biên tập viên kỳ cựu James Palmer của tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ đã viết bài nhận định trên Washington Post chỉ ra rằng bầu cử tại Hồng Kông đã phá tan ảo tưởng chiến thắng của Bắc Kinh, cho rằng đảng phái nằm dưới kiểm soát của họ sẽ giành chiến thắng. Như thường lệ, bộ máy truyền thông của ĐCSTQ đã chuẩn bị sẵn những bản thảo đăng tải ăn mừng chiến thắng, thế nhưng kết quả bầu cử đầy bất ngờ đã gây hoảng loạn các phòng tin tức ở Bắc Kinh. Lý do ở đây rất đơn giản, vì cách truyền thông sai lệch của bộ máy tuyên truyền ĐCSTQ, chỉ dám dẫn những nội dung làm vui lòng lãnh đạo, vì mọi thông tin tiêu cực có thể bị quy kết là “không trung thành”.
Tác giả liệt kê một loạt các sự kiện quốc tế làm bẽ mặt ĐCSTQ nêu trên (đặc vụ của ĐCSTQ bỏ trốn, rò rỉ các tài liệu bí mật về Tân Cương, thất bại của phe thân ĐCSTQ trong bầu cử ở Hồng Kông) khiến chính giới Bắc Kinh thêm khốn đốn. Những cú đánh này đã một lần nữa châm ngòi cho những đồn đoán về cuộc chiến nội bộ của lãnh đạo Trung Quốc (ĐCSTQ), bối cảnh khiến cuộc chiến thương mại với Mỹ đang diễn ra càng như khó khăn hơn trong tìm phương án để có thể sớm giải tỏa.