Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, binh sĩ Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ nước này tới 752 lần trong 2 năm qua. Hành vi của Trung Quốc thậm chí còn diễn ra ngay khi lãnh đạo các nước gặp nhau.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết không có Đường kiểm soát thực tế (LAC) tại biên giới với Trung Quốc. Ngoài ra còn có những khu vực nơi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có quan điểm khác biệt về vị trí của đường LAC. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Shripad Naik hôm 27/11cho biết: “Vì cả hai phía đều tuần tra dựa trên quan điểm riêng về LAC nên việc xâm phạm lãnh thổ có xảy ra. Chính phủ đang áp dụng các biện pháp để đảm bảo lực lượng quốc phòng sẵn sàng trước các thách thức về an ninh và hoạt động”. Trong chuyến thăm Ấn Độ gần đây của Chủ tịch Trung Quốc, hai bên đã đồng thuận về “thỏa thuận công bằng, hợp lý và cùng được chấp nhận dựa trên Nguyên tắc chỉ đạo và Tham số Chính trị được hai bên thống nhất từ 2005”.
Trung Quốc và Ấn Độ giáp nhau trên 3.862 km, được phân cách bởi dãy núi Himalaya hiểm trở và vùng cao nguyên Tây Tạng. Sau khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát Tây Tạng năm 1950, hai vùng đệm hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước Nepal và Bhutan, nằm ở phía Nam dãy Himalaya. Ba khu vực này vẫn là điểm nóng xung đột giữa Bắc Kinh và New Delhi. Cả hai bên đều cáo buộc nhau xâm phạm lãnh thổ. Ấn Độ và Trung Quốc từng cam kết giải quyết vấn đề biên giới thông qua đối thoại song không đạt được tiến triển. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang tranh chấp chủ quyền tại khu vực Arunachal Pradesh/Nam Tây Tạng ở Himalaya kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962. Trong tháng 6/2017, 16 quân nhân Trung Quốc và nhiều công nhân xây dựng đã thi công một con đường qua cao nguyên Doklam nằm tại khu vực biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Sự việc này châm ngòi cho 10 tuần căng thẳng giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia đều cử binh sĩ giám sát chặt chẽ nhau ở biên giới. Đến ngày 28/8/2017, cả hai quốc gia quyết định rút quân sau các cuộc đàm phán bí mật giữa Bắc Kinh và New Delhi dẫn tới kết quả ngừng thi công con đường tại Doklam.
Những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh khai khoáng và xây dựng các cơ sở hạ tầng tại khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ trên dãy Himalaya khiến dư luận lo ngại về một điểm nóng xung đột mới trên xuất hiện trên dãy núi cao nhất thế giới này. Giới chuyên gia nhận định việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động khai khoáng tại khu vực này có thể là một phần của kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm giành lấy bang Arunachal Pradesh vốn thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền đối với phần lớn bang này và gọi là Nam Tây Tạng. Những động thái của Trung Quốc ở dọc biên giới với Ấn Độ khiến dư luận dễ dàng liên hệ với những hành vi tương tự của Bắc Kinh ở Biển Đông trong suốt những năm qua.