Quyết định thành lập đội đặc nhiệm chống lại sự can thiệp nước ngoài, điều tra các nghi vấn cài cắm gián điệp, thận trọng trong hợp tác với các trường đại học của Trung Quốc… là những biện pháp mới nhất được Chính phủ Australia đưa ra để đối phó với sự can thiệp ngày càng gia tăng của Trung Quốc vào các vấn đề chính trị của nước này.
Thành lập lực lượng đặc nhiệm chống lại sự can thiệp của nước ngoài
Theo thông tin chính thức từ Chính phủ Australia hôm 2/12, nước này đang xúc tiến thành lập một đội đặc nhiệm để chống lại mối đe dọa từ sự can thiệp của nước ngoài. Theo đó, Australia sẽ chi 593 triệu USD cho cơ quan mới. Cơ quan này do một sĩ quan cấp cao của Tổ chức Tình báo An ninh Australia lãnh đạo. Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison cho biết đây là nỗ lực của Australia nhằm thúc đẩy khả năng phát hiện, theo dõi và phá vỡ sự can thiệp của nước ngoài vào Australia. Cơ quan mới sẽ tăng cường phân tích về các hoạt động thông tin tinh vi đang diễn ra trên khắp thế giới, đặc biệt là những hành vi chống lại các quá trình và bầu cử.
Thận trọng trong hợp tác với các trường đại học của TQ
Các trường đại học Australia được cảnh báo không nên hợp tác với hơn 100 trường đại học Trung Quốc vì nghi ngờ mối quan hệ của các trường này với quân đội Bắc Kinh. Trước đó, các trường đại học tại Australia đã cam kết sẽ xem xét bất kỳ mối liên hệ nào về quân sự mà các cơ sở giáo dục có thể có trong quá trình thực hiện các dự án nghiên cứu chung. Các du học sinh Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 trong số này và Australia lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng lợi thế này để tạo dựng ảnh hưởng. Trung Quốc trước đây từng phủ nhận có bất kỳ hoạt động mờ ám nào đối với Australia. Bắc Kinh cáo buộc Canberra theo đuổi “tâm lý Chiến tranh Lạnh”, song mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc trở nên căng thẳng trong những năm gần đây khi Canberra lo ngại về các hoạt động của Bắc Kinh, cả trong nước cũng như trên toàn khu vực Thái Bình Dương.
Điều tra hàng loạt trường đại học có quan hệ “nguy hại” với các Viện Khổng Tử của TQ
Chính phủ Australia hôm 25/7 đã quyết định điều tra về dấu hiệu một số trường đại học ở nước này bị Trung Quốc can thiệp và tài trợ để thành lập 13 Viện Khổng Tử trên khắp Australia. Australia hiện có số lượng học viện và lớp học Khổng Tử cao thứ ba trên thế giới, đứng sau Mỹ và Anh với 14 học viện và 67 lớp học trên cả nước. Theo thống kê 13 trường đại học địa phương của Australia đã tự ký hợp đồng với Viện Khổng Tử ở Trung Quốc. Một số trường đã đồng ý để Viện Khổng Tử thẩm định, đánh giá chất lượng giảng dạy để đổi lại mỗi trường được nhận từ Trung Quốc từ 69.000 đến 103.500 AUD tiền tài trợ và tài nguyên giảng dạy. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia tuyên bố sẽ điều tra xem liệu việc này có vi phạm luật pháp bởi sự can thiệp từ nước ngoài hay không. Kể từ năm 2018, Văn phòng Hán Biện trực thuộc Ban Mặt trận thống nhất trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan chủ quản các Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới đã khiến Chính phủ Australia chú ý. Đại học Queensland nơi xảy ra vụ xung đột giữa các sinh viên Đại Lục và Hồng Kông là một trong những trường đại học Australia có mở Học viện Khổng Tử. Nhiều chuyên gia về vấn đề Trung Quốc đã chỉ ra rằng Viện Khổng Tử được Trung Quốc tài trợ và chỉ đạo trên danh nghĩa dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, nhưng thực tế là truyền bá, tư tưởng và chủ trương của Trung Quốc về nhiều lĩnh vực. Giáo viên Hán ngữ được Học viện Khổng Tử tuyển dụng là những người “có chất lượng chính trị tốt” được Trung Quốc lựa chọn cẩn thận và tuân thủ “kỷ luật tổ chức” theo yêu cầu của họ. Giáo sư John Fitzgerald, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Swinburne (SUT), nói rằng “có một phẩm chất chính trị tốt có nghĩa là chấp nhận quan điểm của Trung Quốc, không có quan điểm riêng của cá nhân”. Một số chính phủ tiểu bang ở Australia đã bắt đầu xem xét quan hệ đối tác với Học viện Khổng Tử để đảm bảo rằng không có sự can thiệp không phù hợp nào của nước ngoài. Trước đó, một nghị sĩ Australia đã đề xuất nghị án yêu cầu điều tra các Học viện Khổng Tử.
Điều tra hoạt động cài cắm gián điệp của TQ
Cơ quan Tình báo An ninh Australia (ASIO) đã tiến hành điều tra nghi vấn Trung Quốc tìm cách gài gián điệp vào quốc hội nước này. Tình báo Australia xác định rằng, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về một cuộc tấn công mạng nhằm vào quốc hội và 3 đảng chính trị lớn nhất của Australia trước thềm cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5. Thông tin về cuộc điều tra được đưa ra trong bối cảnh một người tự nhận là “điệp viên” của Trung Quốc đã đào tẩu sang Australia, cáo buộc Bắc Kinh tiến hành các hoạt động can thiệp chính trị vào các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Australia. Đáp trả thông tin trên, Trung Quốc khẳng định người tự xưng là “điệp viên đào tẩu” ở Australia là một kẻ lừa đảo, đang bị truy nã vì tội hình sự ở Trung Quốc.