Monday, January 6, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐối thoại An ninh 2+2 lần đầu tiên: Ấn - Nhật đẩy...

Đối thoại An ninh 2+2 lần đầu tiên: Ấn – Nhật đẩy mạnh hợp tác an ninh song phương đối phó với gia tăng ảnh hưởng của TQ trong khu vực

Trong xu thế quan hệ song phương ngày càng thắt chặt, Ấn Độ và Nhật Bản đã tổ chức Đối thoại An ninh 2+2 (Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng) lần đầu tiên tại thủ đô New Delhi hôm 30/11, với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh. Đối thoại 2+2 là một cơ chế thường chỉ được thiết lập giữa các quốc gia có quan hệ đồng minh mật thiết.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung sau cuộc đối thoại, trong đó tuyên bố Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản và Không quân Ấn Độ sẽ tiến hành cuộc tập trận không quân chung đầu tiên nhằm đẩy mạnh hợp tác an ninh song phương vào đầu năm 2020, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng chia sẻ tầm nhìn về “một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do dựa trên luật lệ”, đồng thời kêu gọi hành động để “bảo đảm các quy tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được thực thi”. Theo truyền thông Nhật Bản, đây dường như là “lời chỉ trích gián tiếp” nhằm vào những tuyên bố chủ quyền phi lý cũng như hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Cũng tại phiên đối thoại nêu trên, theo tuyên bố chung, các bộ trưởng kêu gọi đẩy nhanh tiến trình đàm phán về thỏa thuận mua bán hàng hóa và dịch vụ chéo (ACSA). Họ cho biết chính phủ hai nước đang lên kế hoạch ký kết ACSA khi Thủ tướng Abe Shinzo đến Ấn Độ để hội đàm với Thủ tướng Narenda Modi vào giữa tháng 12 này. Ngoài ra, các bộ trưởng còn nhất trí đẩy mạnh trao đổi thông tin về Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự, thông qua Trung tâm Tổng hợp Thông tin tại khu vực Ấn Độ Dương được New Delhi thành lập hồi tháng 12/2018. Xuyên suốt phiên đối thoại nêu trên, theo hãng tin PTI (Ấn Độ), Bộ trưởng Quốc phòng Singh cũng đã bàn bạc với người đồng cấp Kono về nhiều vấn đề, trong đó có tăng cường hợp tác phát triển vũ khí và phần cứng quân sự. Thủ tướng Modi nhấn mạnh quan hệ Ấn Độ – Nhật Bản là “một yếu tố quan trọng đối với tầm nhìn của hai nước về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Về hợp tác quốc phòng, an ninh, trong những năm gần đây, Bộ trưởng quốc phòng hai nước gặp nhau trong các cuộc đối thoại quốc phòng hàng năm để thảo luận về một loạt vấn đề liên quan đến hợp tác song phương. Thủ tướng Modi đã bày tỏ sự hết sức quan tâm tới việc thúc đẩy Nhật Bản đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng của Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng đáng kể các quy định của mình để chào đón các công nghệ nước ngoài lớn hơn trong lĩnh vực quốc phòng. Chính phủ Nhật Bản cũng đã sửa đổi chính sách chuyển giao công nghệ quốc phòng cho nước ngoài. Có một thực tế, tình huống “cùng thắng” đã được cả hai quốc gia sử dụng. Các cuộc đàm phán về việc Ấn Độ mua các thủy phi cơ US-2i của Nhật Bản có thể là một ví dụ điển hình cho sự hợp tác song phương này. Trong khi đó, an ninh hàng hải là một chủ đề quan trọng khác mà cả hai nước đều có các lợi ích hội tụ. Cả hai đều cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trong các vùng biển rộng mở. Về các tranh chấp ở Biển Đông, họ đã khẳng định rằng tất cả các bên liên quan đến tranh chấp cần tìm kiếm một giải pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có các hành động đơn phương. Trong bối cảnh này, cần lưu ý rằng cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản đã thực hiện một số bước đi cụ thể để bảo vệ an ninh hàng hải khi cả hai đều phụ thuộc vào thương mại biển. Ngoài việc tiến hành các cuộc tập trận hải quân song phương, Nhật Bản đã tham gia thường xuyên các cuộc tập trận hải quân 3 bên “Malabar” hàng năm với Mỹ và Ấn Độ từ năm 2015.

Về hợp tác kinh tế vẫn tiếp tục tạo nền tảng cho mối quan hệ đối tác Ấn-Nhật Bản và ông Modi quan tâm đến việc đảm bảo sự tham gia của Nhật Bản trong một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. ODA của Nhật Bản đang được sử dụng để hiện đại hóa các ngành then chốt ở Ấn Độ bao gồm giao thông, truyền thông, điện, thủy lợi, cảng biển, môi trường và y tế. Đặc biệt quan trọng là sự trợ giúp của Nhật Bản đối với việc thành lập các hệ thống vận tải tập trung ở các thành phố lớn như Bangalore, Chennai, Kolkata và Mumbai. Ấn Độ là nước đầu tiên nhận ODA của Nhật Bản vào năm 1958, và trở thành nước nhận viện trợ lớn nhất từ Tokyo kể từ năm 2005. Nhật Bản cũng tham gia sâu vào một số dự án hàng đầu ở Ấn Độ như Hành lang vận tải Delhi-Mumbai, Hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai và Hành lang công nghiệp Chennai-Bangalore. Những sự hợp tác này sẽ làm thay đổi bản đồ công nghiệp của Ấn Độ trong những năm tới.

Nhìn chung, kể từ năm 2005, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ đã tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh gần như thường niên. Tính tới nay, Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tổ chức hơn chục cuộc gặp thượng đỉnh và hợp tác giữa hai nước đã trở thành một thành tố quan trọng đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới