Trong những năm gần đây, quan hệ ASEAN – Hàn Quốc đang ngày càng phát triển. Chỉ tính riêng lĩnh vực thương mại, kim ngạch song phương đã tăng lên gấp 20 lần trong năm 2019 so với những năm 80 của thế kỷ trước. Hai bên đặt kỳ vọng quan hệ thương mại song phương đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2020.
Tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ASEAN-Hàn Quốc, các nhà Lãnh đạo hoan nghênh kết quả tích cực trong quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc. Hàn Quốc tiếp tục là đối tác kinh tế hàng đầu của ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 152,7 tỷ USD năm 2017, đầu tư của Hàn Quốc vào ASEAN đạt 5,3 tỷ USD. Hai bên đang nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch 200 tỉ USD vào năm 2020. Hợp tác được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực từ chính trị-an ninh đến kinh tế-thương mại-đầu tư, trao đổi văn hoá, giao lưu nhân dân. Hướng tới kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ASEAN-Hàn Quốc, hai bên nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm mốc quan trọng này tại Hàn Quốc vào năm 2019, đồng thời, tích cực triển khai các sáng kiến và hoạt động hợp tác cụ thể.
Các nước ASEAN hoan nghênh Chính sách Hướng Nam mới của Hàn Quốc và nỗ lực của cá nhân Tổng thống Moon Jae-in trong thúc đẩy quan hệ với ASEAN trên ba trụ cột hoà bình-thịnh vượng-con người. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực hai bên cùng chia sẻ lợi ích cũng như an ninh biển, an ninh mạng, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân, trao đổi giáo dục… Lãnh đạo ASEAN hoan nghênh tiến triển đáng khích lệ trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có kết quả tích cực của Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều và Mỹ-Triều. Các nước khẳng định ủng hộ nỗ lực đối thoại, tăng cường lòng tin, thúc đẩy hòa bình, ổn định, phi hạt nhân hóa lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, trong khi tiếp tục tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đánh giá cao vai trò của ASEAN ở khu vực cũng nhưnhững thành tựu ASEAN đạt được trong xây dựng và liên kết khu vực. Tổng thống khẳng định cam kết tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt với ASEAN, nhất là trên các lĩnh vực đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tổng thống Hàn Quốc cũng công bố tăng gấp đôi quỹ hợp tác ASEAN-Hàn Quốc, triển khai các sáng kiến về đẩy mạnh giao lưu nhân dân lên 15 triệu lượt người vào 2020, hỗ trợ 100 triệu USD phát triển hạ tầng khu vực, nâng cao năng lực số của ASEAN, hỗ trợ ASEAN sẵn sàng ứng phó thiên tai, đảm bảo an ninh mạng…
Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2019, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, ASEAN đã thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kết nối giữa các star-up thông qua các diễn đàn, hướng đến phát triển bền vững. Qua đó, giúp các nhà khởi nghiệp ươm mầm ý tưởng, giao lưu chuyên môn, tri thức và mở rộng thị trường. Cũng theo Thủ tướng Thái Lan, ASEAN và Hàn Quốc cần tiếp tục coi trọng hợp tác trong lĩnh vực star-up nhằm thúc đẩy tăng trưởng, năng động, bao trùm và bền vững. Thúc đẩy khởi nghiệp cũng phù hợp với tuyên bố về tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và đối tác cũng như kế hoạch hành động 2021-2024 giữa ASEAN và Hàn Quốc.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết, mối quan hệ kéo dài suốt 30 năm qua giữa Hàn Quốc- ASEAN đang đứng trước giai đoạn quan trọng, trong bối cảnh Hàn Quốc chuẩn bị bước vào giai đoạn thứ hai thực hiện “Chính sách hướng Nam mới” được công bố vào cuối năm 2017. Đây sẽ là dịp để quan hệ Hàn Quốc- ASEAN có thể được nâng lên một cấp độ khác cao hơn, đưa ra tầm nhìn cho 30 năm tới. Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, quan hệ đối tác Hàn Quốc- ASEAN, bắt đầu từ năm 1989, giờ đã phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ và đáng tự hào, với khối lượng trao đổi thương mại tăng gấp khoảng 20 lần so với 30 năm trước. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Cho Wo Deuk, Học viện Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, mối quan hệ hợp tác này đang mang lại hiệu quả thiết thực và lợi ích cho cả hai bên. Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với sự không chắc chắn do chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, bất đồng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, Hàn Quốc cần có các đối tác khác để giảm sự phụ thuộc vào các đối tác truyền thống, giúp tăng cường ảnh hưởng tại một khu vực rộng lớn và ASEAN là một đối tác đáng tin cậy. Chúng ta cũng cần nhấn mạnh mối quan hệ giữa người dân hai bên, từ văn hóa, âm nhạc đến ẩm thực.. đang là một yếu tố thuận lợi giúp thúc đẩy quan hệ hai bên.
Được biết, trong suốt 30 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại, ASEAN và Hàn Quốc đã có nhiều bước tiến phát triển đáng kể. Chỉ tính riêng lĩnh vực thương mại, kim ngạch song phương đã tăng lên gấp 20 lần trong năm 2019 so với những năm 80 của thế kỷ trước. Hai bên đặt kỳ vọng quan hệ thương mại song phương đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2020. ASEAN hiện là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ hai của Hàn Quốc, đồng thời là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất đối với người dân nước này, trong khi Hàn Quốc là đối tác kinh tế lớn thứ năm của ASEAN và là điểm đến hàng đầu của người lao động, du học sinh và khách du lịch ASEAN. Song song với đó, hai bên đã tổ chức thành công nhiều hội nghị cấp bộ trưởng, từ Quốc phòng, Ngoại giao đến Văn hóa, Lâm nghiệp…; thiết lập các cơ quan hợp tác trong từng lĩnh vực như Trung tâm Hợp tác khoa học công nghệ, Trung tâm Hợp tác tài chính; mở rộng các quỹ hợp tác như Quỹ Hàn – ASEAN và Hàn – Mekong, chương trình cấp vốn ODA hướng Nam mới.
Đối với Seoul, “chính sách hướng Nam mới” không chỉ giúp Hàn Quốc mở rộng hợp tác với các đối tác mới và tăng cường tầm ảnh hưởng trong một khu vực rộng lớn, mà còn tạo cơ hội để giảm bớt sự lệ thuộc lớn vào 4 đối tác lâu nay của Hàn Quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Cách tiếp cận quá chú trọng vào các nước lớn trước đây đã làm giới hạn việc hoạch định chiến lược ngoại giao của Hàn Quốc, trong khi các bất ổn về trật tự chính trị quốc tế đang ngày càng gia tăng. Với việc đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đặc biệt với các nước tầm trung ở Đông Nam Á, Hàn Quốc sẽ giảm sự cô lập trước đây khi chỉ quan tâm đến các nước lớn là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản; đồng thời thu được các lợi ích kinh tế, an ninh cụ thể. Đối với ASEAN, Hàn Quốc là “láng giềng gần”, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, không có cạnh tranh hay xung đột địa chính trị. Đây là một điểm then chốt giúp duy trì và phát triển mối quan hệ một cách bền vững.