Wednesday, May 8, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaGiới học giả Mỹ liên tục chỉ trích, lên án hành vi...

Giới học giả Mỹ liên tục chỉ trích, lên án hành vi sai trái của TQ ở Biển Đông

Thời gian gần đây, giới nghiên cứu của Mỹ liên tục cho rằng những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây tác động xấu đến toàn khu vực và các nước cần có thái độ rõ ràng trong vấn đề này.

Giáo sư  John Rennie Short thuộc trường Đại học Maryland của Mỹ cho rằng, các hành vi của Trung Quốc liên tục vi phạm chủ quyền của các quốc gia trên Biển Đông, như Việt Nam, Philippines, Malaysia… là điều không thể chấp nhận được. Do đó, các nước trong đó có Việt Nam cần tiếp tục lên tiếng trong vấn đề Biển Đông, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn và ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Giáo sư Rennie Short nhấn mạnh, Trung Quốc là quốc gia có tầm ảnh hưởng không nhỏ và có thể dễ dàng áp đặt quan điểm của nước này ra khắp khu vực và trên toàn thế giới. Chính vì thế, Việt Nam cần thông qua các hội thảo, diễn đàn khoa học bày tỏ chính kiến của mình chống lại những hành vi sai trái của Trung Quốc. Việt Nam cần đặc biệt nêu cao việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở Biển Đông bằng cách đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để chống lại những hành động đơn phương và phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, theo Giáo sư Rennie Short, để làm được điều này, các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Bởi Trung Quốc luôn “ỷ vào sức mạnh của mình” để tiếp tục gây sức ép với Việt Nam và các nước trong khu vực trong vấn đề Biển Đông buộc các nước phải chấp thuận các yêu sách phi lý của Trung Quốc. Trung Quốc được cho là cường quốc “không quan tâm gì đến lý lẽ” khi họ đơn phương thực thi những hành vi sai trái ở Biển Đông, như việc liên tục xâm phạm Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, Philippines; tự động bồi đắp, xây dựng các căn cứ quân sự phi pháp trên các đảo chìm chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Ngoài ra, , trong nhiều năm qua, tranh chấp trên Biển Đông thường được coi là “câu chuyện riêng” giữa Mỹ và Trung Quốc và thế giới thường chú tâm vào phản ứng của hai cường quốc gia. Việc thế giới ngày càng quan tâm hơn đến phản ứng của các quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những diễn biến phức tạp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines hay Indonesia, cho thấy vấn đề Biển Đông là vấn đề của khu vực, của quốc tế. Chính vì thế, các nước trong khu vực cần đẩy mạnh hơn nữa việc lên tiếng chống lại các hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông và điều này cần được công khai trên các diễn đàn quốc tế. Ngoài ra, việc các nước ASEAN phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược nội khối, sẽ giúp đảm bảo an ninh, ổn định khu vực và an toàn trên Biển Đông. Việc Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 sẽ góp phần không nhỏ vào mục tiêu này.

Tiến sĩ Stanley Weeks, chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn Ứng dụng Khoa học Quốc tế (SAIC) chuyên cung cấp thông tin và hỗ trợ công nghệ cho Chính phủ Mỹ, khẳng định: Việt Nam luôn nhất quán trong việc chỉ ra những hành vi vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không nên sử dụng sức mạnh quân sự để chèn ép các nước khác một cách phi pháp. Điều này cho thấy, Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và điều này cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đây là cách làm rất có hiệu quả của Việt Nam. Trong mỗi trường hợp cụ thể, Việt Nam lại có cách phản ứng thích hợp, trong đó có cân nhắc đến tình hình chung. Điều này khiến tình hình Biển Đông dù có những lúc căng thẳng nhưng luôn được hạ nhiệt kịp thời. Các chuyên gia cũng ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc thắt chặt tình đoàn kết trong ASEAN để đối phó với những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông trong bối cảnh nhiều nước ASEAN đang chịu áp lực không nhỏ từ Trung Quốc và có quan điểm hết sức khác biệt về cách thức hành xử với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Theo ông James Kraska, Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế tại Đại học Hải chiến Mỹ, Việt Nam cũng cần tiếp tục tăng cường năng lực quốc gia và đẩy mạnh việc hợp tác chặt chẽ về nhiều mặt với các đối tác có ảnh hưởng lớn trên thế giới để nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhiều phía trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp của nước này ở Biển Đông thay vì phải đơn độc đối đầu với Trung Quốc. Nếu Việt Nam có thể tiến hành các dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi với các đối tác như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản hay Australia, điều này sẽ gây tác động không nhỏ đến những toan tính của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Một biện pháp khác mà Việt Nam có thể làm là phối hợp với các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình ký kết COC với Trung Quốc.

Ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải có trụ sở ở Mỹ cho rằng Trung Quốc đang “mất nhiều hơn được” khi cố áp đặt tham vọng độc chiếm Biển Đông. Cách duy nhất để đẩy lùi mưu đồ của Trung Quốc là khiến nước này phải trả giá về ngoại giao, kinh tế… thông qua sự hợp tác, nhất trí của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới khi đối phó với Trung Quốc. Sẽ rất khó để mỗi quốc gia riêng lẻ có thể thực hiện được điều này. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ và từng bước thuyết phục Trung Quốc rằng họ đang “mất nhiều hơn được” khi cố áp đặt tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Được biết, ngay sau khi Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chính giới, chuyên gia, học giả và truyền thông Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích, lên án Trung Quốc.

Trong bài phát biểu về quan hệ Mỹ – Trung tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (24/10) một lần nữa đã lên tiếng chỉ trích gay gắt một loạt chính sách của Trung Quốc trong thời gian gần đây, nhất là hoạt động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đặc biệt lên án các hành vi bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông. Theo đó, hành động quân sự của Trung Quốc trong khu vực và cách xử sự với các nước láng giềng trong năm qua vẫn tiếp tục càng lúc càng mang tính khiêu khích. Bắc Kinh đã gia tăng sử dụng tàu dân quân biển để thường xuyên hăm dọa các thủy thủ, ngư dân Philippines và Malaysia. Lực lượng tuần duyên Trung Quốc còn tìm cách dùng vũ lực để ép Việt Nam, không cho khoan dầu và khí đốt thiên nhiên ở ngoài khơi vùng biển của Việt Nam”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ (22/8) cho biết chính quyền Mỹ quan ngại sâu sắc việc Trung Quốc tiến hành can thiệp vào các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi việc triển khai tàu khảo sát của Trung Quốc là sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên yêu sách khác rút khỏi việc khai thác, phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng chỉ ra rằng, trong những tuần gần đây Trung Quốc đã có “hàng loạt bước đi gây hấn nhằm can thiệp” vào các hoạt động kinh tế đã tồn tại lâu dài của các nước khác ở Biển Đông. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích của Bắc Kinh là “dọa dẫm các nước để họ phải từ bỏ các mối quan hệ hợp tác với những công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với các công ty nhà nước của Trung Quốc”; cáo buộc Trung Quốc đang gây áp lực đối với Việt Nam vì việc Việt Nam hợp tác với một công ty năng lượng của Nga cũng như các đối tác quốc tế khác; nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc làm phương hại đến hòa bình và an ninh khu vực cũng như gây ra những tổn thất về kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn khả năng tiếp cận của họ đối với nguồn hydrocarbon chưa được khai thác có trị giá lên tới 2,5 nghìn tỉ USD.

Bộ Quốc phòng Mỹ (27/8) đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về các hoạt động trên biển của nước này ở ngoài khơi Việt Nam trên Biển Đông. Theo đó, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc liên tục vi phạm trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; nhấn mạnh Trung Quốc đã nối lại “việc can thiệp mang tính cưỡng ép” vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam; cho rằng với chiến thuật kiểu “bắt nạt” như vậy, Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của các nước láng giềng, cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế; khẳng định hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại với cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà trong bài phát biểu tại Singapore hồi đầu năm nay, rằng Bắc Kinh sẽ đi theo “con đường phát triển hòa bình”. Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ, “các hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, trong đó mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều được đảm bảo chủ quyền, không bị cưỡng ép, có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp tới các luật lệ và quy tắc quốc tế đã được thừa nhận”; nhấn mạnh “hành động của Trung Quốc nhằm cưỡng ép các bên tranh chấp ở ASEAN, bố trí các hệ thống quân sự tấn công và thực thi tuyên bố hàng hải trái pháp luật sẽ làm gia tăng các hoài nghi thật sự về uy tín của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

RELATED ARTICLES

Tin mới