Saturday, November 2, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaXu hướng chính sách Biển Đông của Nhật Bản trong năm 2020

Xu hướng chính sách Biển Đông của Nhật Bản trong năm 2020

Về cơ bản, Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì chính sách Biển Đông như hiện nay, song sẽ có một số điều chỉnh nhỏ nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và đảm bảo lợi ích, an ninh quốc gia của Nhật.

Mục tiêu chiến lược của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông

Quan điểm và mục tiêu xuyên suốt của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải quốc tế, trên nguyên tắc mọi bất đồng tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển phải được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Về chính thống, Nhật Bản luôn tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ và vùng biển; Nhật Bản chủ trương các tranh chấp phải giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp; Nhật Bản cũng lo việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (trong đó bao gồm Biển Đông) tự do và mở, các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, thương mại biển không bị cản trở ảnh hưởng đến thịnh vượng của Nhật Bản; Nhật Bản giúp nâng cao năng lực tuần tra hàng hải cho một số nước liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Mục tiêu của Nhật Bản khi tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông là nhằm: (1) Đảm bảo tự do hàng hải, ổn định khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp bởi Biển Đông là tuyến đường thương mại, vận chuyển nguồn nguyên liệu cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản; (2) Phân tán sự chú ý và nguồn lực trong tranh chấp Hoa Đông với Nhật Bản bởi nếu thành công ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ áp dụng mô hình, chiến thuật đối với tranh chấp Hoa Đông.Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lâu dài ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cho rằng nếu Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông thì sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đối với tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mục đích chiến lược của Nhật Bản là hình thành thế phối hợp tác chiến hai cánh Biển Đông và Biển Hoa Đông, từ đó cản trở hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng mong muốn hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông; tạo mối liên kết giữa Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển, khiến Trung Quốc rơi vào cảnh phải tác chiến trên cả hai mặt trận Biển Hoa Đông và Biển Đông; đồng thời, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhật Bản muốn nhân vấn đề Biển Đông, tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước ASEAN là các bên tranh chấp ở Biển Đông, đẩy mạnh viện trợ cho các nước này về kinh tế và quân sự, qua đó nâng cao hơn nữa ảnh hưởng của mình trong khu vực, hình thành một “liên minh chiến lược biển” để đối phó với Trung Quốc. Nhật Bản cho rằng Biển Đông như một cái “hang trống”, sẽ hút hết sức mạnh của Trung Quốc vào đó; Trung Quốc càng cứng rắn thì càng lún sâu tại Biển Đông, nếu giành được chiến thắng tại đây thì cũng hao tổn sức lực, ảnh hưởng đến việc phát triển của Trung Quốc, nhất là quá trình trở thành cường quốc biển thế giới. (3) Hỗ trợ cho chính sách của Mỹ đối với Biển Đông. Vì Nhật Bản là đồng minh và cũng là quốc gia có lợi ích rất lớn ở Biển Đông, Nhật Bản sẽ có những đóng góp quan trọng cho chính sách tái cân bằng nói chung và chính sách đối với Biển Đông nói riêng của Mỹ. (4) Nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á: Một mục tiêu quan trọng của Nhật Bản khi can dự vào vấn đề Biển Đông chính là tăng cường sự ảnh hưởng của nước này tại khu vực Biển Đông, tích cực can dự đối với cục diện an ninh khu vực, xây dựng hình ảnh nước lớn ở khu vực. Những năm qua, cùng với đột phá trong việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là sau khi nới lỏng nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản đã tích cực bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á nhằm một mặt, nâng cao thực lực quân sự của các nước này, đối phó với Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy; đồng thời, không ngừng củng cố, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực này.

Sự can dự của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông năm 2019

Tại Hội nghị Tham vấn An ninh Mỹ – Nhật Bản (2+2), Nhật Bản và Mỹ đã cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, an ninh mạng, không gian vũ trụ, đồng thời tuyên bố phản đối các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Hoa Đông. Tại Đối thoại, các bộ trưởng cũng phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông; cam kết tăng cường phối hợp, cả song phương lẫn đa phương, trong việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhấn mạnh Mỹ và Nhật Bản phản đối các hoạt động quân sự hóa và gây mất ổn định ở Biển Đông và biển Hoa Đông; đồng thời hối thúc tất cả các bên tôn trọng đầy đủ tiến trình luật pháp và ngoại giao, theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp biển mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các bên phải tôn trọng Công ước về Luật Biển.

Tại Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 7 (3/6) ở Hà Nội, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong cuộc gặp giữa Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản Tướng Koji Yamazaki và Tham mưu trưởng Quân đội Philippines Macairog S. Alberto (4/3), hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Không những vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (13/3) công bố kế hoạch đóng mới 12 tàu tuần tra hạng nhẹ cho Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) vào năm 2020. Mỗi chiếc dự kiến có lượng giãn nước 1.000 tấn và thủy thủ đoàn 30 người, giúp tăng cường khả năng tuần tra và trinh sát trên biển của nước này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, các tàu tuần tra thế hệ mới sẽ đảm đương nhiệm vụ cho đội tàu khu trục cỡ lớn đang được Nhật sử dụng để tuần tra gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông và Biển Đông Ngoài ra, Nhật Bản cũng khởi động chương trình đóng mới 22 khu trục hạm, mỗi chiếc có lượng giãn nước 3.900 tấn và thủy thủ đoàn 100 người, nhằm bảo đảm khả năng tuần tra Biển Hoa Đông trước năm 2032.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản (18/4) cho biết, từ ngày 30/4 – 10/7, Nhật Bản sẽ điều tàu khu trục hạm trực thăng JS Izumo và tàu khu trục đa dụng JS Murasame huấn luyện tại Biển Đông và Ấn Độ Dương. Biên đội tàu chiến Nhật dự kiến cập cảng, thăm một số quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Singapore, Philippines và Brunei. Tư lệnh Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) Hiroshi Yamamura cho biết, chuyến huấn luyện này sẽ giúp cải thiện trình độ chiến thuật của binh sĩ, cũng như tăng cường hợp tác giữa hải quân các nước.

Đáng chú ý, Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) và hải quân Canada đã tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập chung ở Biển Đông nhằm nâng cao khả năng phối hợp giữa hai lực lượng. Hải quân Hoàng gia Canada (RCN) và Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (JMSDF) đã hoàn thành một loạt cuộc tập trận ở Biển Đông, với mục đích cải thiện khả năng tương tác và làm quen giữa hải quân hai nước. Theo đó, cuộc tập trận “KAEDEX” năm 2019 (13-15/6) là hoạt động trên biển song phương được Nhật Bản và Canada tiến hành từ năm 2017. Các lần lặp lại trước đây của cuộc tập trận đã diễn ra ở và ngoài vùng biển ngoài khơi Sasebo, Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc tập trận lần này được tổ chức tại vùng trời và vùng biển ngoài khơi Việt Nam ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố “mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động nào gây căng thẳng ở Biển Đông”; khẳng định Nhật Bản “sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc liên quan tới vấn đề này”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết, “nói chung, chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định của khu vực và là một mối quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. Nhật Bản luôn ủng hộ việc tuân thủ hoàn toàn luật pháp trên biển và muốn nhấn mạnh với tất cả các nước liên quan về tầm quan trọng của các nỗ lực tiến tới giải pháp hòa bình dựa trên luật lệ quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép”.

Trước đó, nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsuhito Asano cho biết, Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam Biển Đông của Việt Nam là “hành vi xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam, cần được cộng đồng quốc tế phê phán”; khẳng định hành vi của Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, gây ảnh hưởng tới an ninh của Biển Đông và khu vực; nhấn mạnh Nhật Bản luôn tôn trọng Luật pháp quốc tế trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông, do vậy, Trung Quốc là thành viên của Liên Hợp Quốc phải tôn trọng UNCLOS. Ngoài ra, ông Katsuhito Asano cho rằng Trung Quốc không những xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà gần đây đang gia tăng những hành động quân sự hóa tại Biển Đông. Điều này kích động chiến tranh, coi thường luật pháp và dư luận quốc tế. Việt Nam có đủ chứng cớ và năng lực để kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế như Philippines đã từng làm trước đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro (29/7) công bố Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2019, trong đó đề cập hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh đang là nguyên nhân đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Sách Trắng nhấn mạnh Trung Quốc có những hoạt động đơn phương mới nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông. Hơn thế nữa, nước này còn phái rất nhiều tàu trong đó có tàu Liêu Ninh tham gia tập trận, bố trí binh lực ở khu vực Biển Đông và mở rộng hoạt động sang khu vực Thái Bình Dương. Tháng 6/2019, tàu Liêu Ninh cùng với tàu hỗ trợ chiến đấu đi qua khu vực biển Okinawa của Nhật Bản, tiến sâu vào Thái Bình Dương. Sách Trắng lo ngại rằng thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động của lực lượng trên biển, cho không quân tiến sâu vào khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương. Động thái này đáng lo ngại và tập trung sự chú ý của dư luận quốc tế. Với tình huống trên, Nhật Bản tập trung thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Philippines, Indonesia…trong việc tăng cường năng lực của lực lượng hải quân trên biển, duy trì, phát triển tự do hàng hải dựa trên Luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải trên quan hệ song phương, đa phương.

Trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng của Nhật Bản và các nước ASEAN (1/8), hai bên nhấn mạnh các bên cùng chia sẻ lo ngại về tình hình Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đánh giá tình hình Biển Đông “đang xấu đi qua từng năm” và Nhật Bản chia sẻ những lo ngại của ASEAN; đề nghị các bên liên quan cần đảm bảo tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp, kêu gọi phi quân sự hóa vùng biển trong khu vực; khẳng định Tokyo muốn cùng hiệp hội khu vực thúc đẩy một tầm nhìn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, dựa trên luật pháp.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (27/8) cho biết Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, nó liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực; khẳng định phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết, “Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, và có liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, quan tâm sâu sắc tới tình hình trên Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trong vùng biển này”. Ông Taro Kono cũng cho rằng “cộng đồng quốc tế cần phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và bất cứ hành động nghiêm trọng mang tính cưỡng ép của bất cứ quốc gia nào; đồng thời đề nghị tất cả các bên liên quan cần phi quân sự hóa các cơ sở hoặc thực thể trên Biển Đông, và bất cứ tranh chấp nào cũng cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”; nhấn manh “chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và bất cứ nơi nào khác”.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (21/9) cho biết đã cử tàu khu trục Asagiri tham gia cuộc tập trận chung với Hải quân Malaysia nhằm tăng cường hiện diện tại khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống cướp biển ngoài khơi Somalia, tàu khu trục Asagiri (18/9) của Nhật Bản đã cập bến Kuantan, phía Đông Malaysia. Trong chuyến thăm Malaysia lần này, tàu khu trục Asagiri sẽ tiến hành tập trận chung trên biển với Hải quân Malaysia. Theo thuyền trưởng tàu Asagiri Yuichi Haeno, hoạt động chung với Hải quân Malaysia có ý nghĩa quan trọng, giúp đóng góp vào ổn định ở Biển Đông và khu vực lân cận; nhấn mạnh Nhật Bản kỳ vọng những hoạt động nhằm tăng cường quan hệ tương tự trong tương lai.

Nhật Bản, Mỹ và Philippines (16/10) đã điều nhiều tàu chiến tập trận bảo vệ lực lượng trên biển, vô hiệu hóa thiết bị nổ, tác chiến chống phục kích trên cạn, trên không và theo dõi tàu đối phương ở vùng biển sát quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Xu hướng chính sách Biển Đông của Nhật Bản:

Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì chính sách Biển Đông như hiện nay, song sẽ có một số điều chỉnh nhỏ nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Cụ thể: (1) Tiếp tục thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông: Nhật Bản tiếp tục kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông tại các diễn đang quốc tế. Đồng thời, Nhật Bản tiếp tục lên tiếng yêu cầu các nước liên quan xác định rõ quyền lợi biển của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc nhanh chóng xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phê phán hoạt động bồi lấp và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc tại một số đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (2) Nhật Bản sẽ thúc đẩy hỗ trợ một số nước ASEAN nâng cao năng lực tuần tra, kiểm soát trên biển. Một mặt, Nhật Bản sẽ hỗ trợ trang bị cho các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines nhằm tăng cường khả năng cảnh báo trên biển và củng cố lực lượng tiền duyên của các nước này để đối phó với Trung Quốc. Mặt khác, Nhật Bản sẽ thông qua các hình thức huấn luyện, diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN để nâng cao khả năng quân sự của các nước này và giúp cho quân đội Nhật Bản thông thạo tình hình thực tế trong khu vực Biển Đông, nhằm thử nghiệm cho việc tuần tra, giám sát của Nhật Bản tại khu vực biển này. (3) Tiếp tục củng cố mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ: Nhật Bản coi quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ là khuôn khổ cơ chế hợp pháp cho việc can dự vào  Biển Đông. Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản chỉ rõ là những nước có mạng lưới thương mại toàn cầu phụ thuộc vào đường biển, Mỹ và Nhật Bản luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không. (4) Nhật Bản tiếp tục thông qua việc hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông; từng bước tạo mối liên kết giữa Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. (5) Nhật Bản sẽ duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực. Trong thời gian tới, Nhật Bản tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực thông qua hoạt động thăm viếng quân sự của tàu hải quân đến các nước kết hợp diễn tập chung nâng cao năng lực; hỗ trợ ODA mua sắm trang thiết bị cho lực lượng chấp pháp biển của các nước ven Biển Đông.

Nhìn chung, khu vực Biển Đông là địa bàn chiến lược quan trọng trong đó các nước lớn tranh giành ảnh hưởng và kiềm chế lẫn nhau. Kiềm chế quá trình triển khai chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc là một phần trong chiến lược của Nhật Bản tại Biển Đông. Nhật Bản có lợi ích, có chính sách hỗ trợ năng lực chấp pháp biển cho các nước trong khu vực. Nhật Bản can dự vào khu vực Biển Đông là do có lợi ích trực tiếp đối với khu vực này. Để đảm bảo lợi ích của mình Nhật Bản gắn lợi ích với nguyên tắc “duy trì trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ”, duy trì một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở”. Các nước ven biển trong ASEAN đặc biệt là các nước có yêu sách như Việt Nam và Philippines là đối tượng chính được Nhật Bản đặt trọng tâm hỗ trợ xây dựng năng lực chấp pháp biển nhằm giúp các nước này tăng cường khả năng chấp pháp trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới