Friday, January 17, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaASEAN cần làm gì để phát huy vai trò trong duy trì...

ASEAN cần làm gì để phát huy vai trò trong duy trì cục diện dựa trên luật lệ ở Biển Đông

Ngày 26/11/2019, Viện Hudson – một viện nghiên cứu chiến lược ở thủ đô Washington D.C. của Mỹ, tổ chức buổi thảo luận bàn tròn với chủ đề “Đẩy lùi Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Một nội dung được các diễn giả tập trung thảo luận là: ASEAN cần làm gì để phát huy vai trò trong duy trì cục diện dựa trên luật lệ ở Biển Đông.

Kể từ khi thành lập năm 1967, ASEAN đã làm được rất nhiều việc trong duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực. Vào đầu những năm 1960 trước khi ASEAN thành lập, các nước lớn trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Philippines đã có chính sách thù nghịch với nhau (chính sách Konfrontasi của Indonesia) xung quanh việc ra đời của Liên bang Malaysia.

Với sự ra đời của khối ASEAN, sau hơn 50 năm, mặc dù vẫn có những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ dai dẳng giữa một số nước thành viên ASEAN, song ý niệm về chiến tranh hay thậm chí đe dọa chiến tranh giữa các nước Đông Nam Á gần như đã là điều không ai có thể nghĩ đến nữa. Đến nay, ASEAN đã thiết lập được cộng đồng an ninh; tạo ra được các cơ chế kéo các cường quốc bên ngoài cùng ngồi lại với nhau để tránh xung đột. Các cường quốc (như Mỹ, Trung Quốc) đều coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, bao gồm việc duy trì hòa bình ổn định cũng như đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, cướp biển….

Đến nay, ASEAN đã mở rộng ra 10 thành viên, mỗi thành viên lại có những lợi ích và quan tâm riêng làm cho ASEAN có hạn chế lớn trong việc xử lý mối quan hệ với các đại cường thậm chí đã bị thao túng, chi phối bởi nước lớn như Trung Quốc. Nguyên nhân chính là do nguyên tắc đồng thuận của ASEAN đã trở nên lỗi thời.

Đồng thuận có nghĩa là cần có sự nhất trí của tất cả các thành viên ASEAN, có nghĩa là từng nước thành viên trên thực tế đều có quyền phủ quyết để chặn bất cứ quyết định nào của khối. Nếu như một cường quốc muốn không để cho Asean đoàn kết trên một vần đề nào đó thì họ chỉ cần gây sức ép hay dựa vào một thành viên ASEAN bất chấp mức độ quan ngại của các nước ASEAN khác.

Campuchia là một ví dụ điển hình, do chịu sự chi phối của Trung Quốc Campuchia đã phá hoại ASEAN trên vấn đề Biển Đông mặc dù nước này không có lợi ích trực tiếp trên vùng biển này. Năm 2012, khi Campuchia là nước chủ nhà, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã không thể ra được Tuyên bố chung vì vấn đề Biển Đông. Từ đó đến nay, nước này tiếp tục tiếp tay cho Trung Quốc phá sự đồng thuận trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông.

Cơ chế ra quyết định với sự đồng thuận này vốn giúp cho các nước ASEAN tạo dựng hòa bình với nhau trong vòng 50 năm qua đã không còn hiệu quả trong việc tạo ra hòa bình giữa các cường quốc và chính nguyên tắc đồng thuận lỗi thời này đã khiến ASEAN từ vị trí trung tâm trong các vấn đề trong khu vực bị đẩy ra ngoài lề.

Đã đến lúc ASEAN cần từ bỏ nguyên tắc đồng thuận bấy lây nay để thực hiện nguyên tắc ra quyết định như ở Hội đồng châu Âu là phân bổ quyền bỏ phiếu của mỗi nước tùy theo sức nặng của nước đó và quyết định được thông qua chỉ cần đa số phiếu thuận.

Trong khi ASEAN đang chật vật khẳng định vai trò trung tâm của mình để giải quyết các vấn đề trong khu vực thì Bắc Kinh đang nhanh chóng thay đổi thực địa trên Biển Đông. Khi mà ASEAN đang nỗ lực bàn thảo với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xửở Biển Đông (COC) thì Bắc Kinh lại nhanh chóng thay đổi tình tình trên thực địa hàng ngày.

Trong vòng ba năm qua, sau khi bồi đắp mở rộng các cấu trúc chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông, Trung Quốc đã bố trí các máy bay ném bom, các thiết bị phá sóng điện tử và triển khai tên lửa đất đối không trên các cấu trúc này.

Ngoài lực lượng hải cảnh của Trung Quốc, vốn là lực lượng bán quân sự được Bắc Kinh triển khai để duy trì luật pháp của họ trên Biển, gần đây Bắc Kinh triển khai thêm lực lượng dân quân biển. Các lực lượng này giờ đây là “cánh tay nối dài” của Hải quân Trung Quốc.

Với tiếng nói thiếu mạnh mẽ trước các hành động gây hấn hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, ASEAN đang mất dần vai trò trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông mà lẽ ra ASEAN phải đóng vai trò then chốt. Thậm chí gần đây, Mỹ còn phải lên tiếng kêu gọi ASEAN có tiếng nói mạnh mẽ hơn trước các hành vi hung hăng, bắt nạt, cưỡng ép các nước nhỏ ven Biển Đông của Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để duy trì cơ chế đa phương và giúp cho khối ASEAN trở nên hiệu quả hơn là xây dựng cơ chế tiểu đa phương (mini-lateralism) giữa các nước chủ chốt trong ASEAN và tăng cường sự tiếp xúc giữa các nước “Bộ Tứ” (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) của chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương với các nước chủ chốt trong ASEAN. Những nước chủ chốt đó có thể gồm Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam.

Mỹ đang cùng các nước Nhật, Ấn Độ, Úc tích cực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương, trong đó Biển Đông là một trọng tâm. Nếu có sự trao đổi giữa “Bộ Tứ” với các nước ASEAN chủ chốt trên những vấn đề quan ngại về Trung Quốc, nhất là vấn đề Biển Đông thì đó là nhân tố hết sức tích cực để ngăn chặn sự bành trướng, hiếu chiến của Bắc Kinh.

Một số nhà phân tích cho rằng một trong những nguyên nhân khiến Philippines có quyết định đơn phương đưa vấn đề ra tòa là vì chính Philippines cảm thấy ASEAN không làm được gì hỗ trợ họ trong việc đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích của Philippines khi bị Trung Quốc xâm phạm, nhất là sau vụ việc Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012.

Quyết định đơn phương kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài của Philippines đã tạo ra một tiền lệ tốt cho việc sử dụng công cụ pháp lý giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, đem đến cho khu vực một đòn bẩy và lợi thế lớn trong việc đối phó với Trung Quốc. Quyết định đơn phương của Philippines giờ đây có ích cho nhiều nước ASEAN như Việt Nam và Malaysia. Nếu Hà Nội dùng đến công cụ pháp lý thì sẽ có rất nhiều lợi thế vì vụ kiện của Manila đã cho thấy họ có thể chiến thắng trước Trung Quốc.

Mặt khác, nếu Hà Nội khởi kiện Trung Quốc thì sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ và các đồng minh của Mỹ cũng như của giới luật gia quốc tế. Thậm chí, Mỹ đã lên tiếng công khai kêu gọi Hà Nội và các nước liên quan sử dụng công cụ pháp lý để đối phó với Trung Quốc. Mỹ còn ra Tuyên bố công khai bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc, điều mà Philippines chưa có được khi đơn phương tiến hành khởi kiện Trung Quốc năm 2013.

Cần phải nhìn nhận khách quan một thực tế là không thể phủ nhận vai trò của Trung Quốc ở khu vực đang tăng lên, thậm chí Bắc Kinh đã tận dụng sự khác biệt của các thành viên khối ASEAN để chi phối, tao túng ASEAN. Do vậy, thay vì đối đầu với Trung Quốc, ASEAn cần tìm cách “chung sống” với Trung Quốc. Vấn đề ở chỗ ASEAN cần hành xử ra sao để Trung Quốc phải lắng nghe ý kiến của ASEAN hơn.

Trong 4 nước nòng cốt của ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam, có 3 nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông; Indonesia không liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng “đường chín đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra có một phần lấn vào vùng biển của Indonesia. Nếu 4 nước này có sự thống nhất cao để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông thì sẽ tạo ra sức mạnh lớn hơn nhiều.

Indonesia có dân số 270 triệu người và có nền kinh tế được dư đoán sẽ nằm trong số 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng hai thập niên tới; quy mô dân số của Việt Nam và Philippines nhanh chóng vượt mức 100 triệu dân; dân số Malaysia gần 35 triệu. Nếu 4 nước này và kéo thêm Singapore, Thái Lan là những nước cũng có lợi ích lớn ở Biển Đông cùng hợp sức với nhau sẽ giúp cho ASEAN tạo thêm sức nặng trong quan hệ với Trung Quốc, kể cả trên vấn đề Biển Đông.

Nếu nguyên tắc đồng thuận của ASEAN được thay thế bằng nguyên tắc đa số tán thành như của Hội đồng Châu Âu khi thông qua các quyết định thì 6 nước nói trên hoàn toàn có thể chi phối các hoạt động cũng như quan điểm của ASEAN trên các vấn đề quốc tế và khu vực, bao gồm vấn đề Biển Đông.

Lẽ dĩ nhiên việc thay đổi một tập quán, nguyên tắc đã tồn tại trong hơn 50 năm qua của ASEAN không phải đơn giản, nhưng không phải không thể làm được nếu có quyết tâm. Vấn đề là ở chỗ nếu ASEAN muốn phát huy vai trò trung tâm của mình trong các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông thì cần mạnh dạn cải tổ.

Để có thể thay đổi được nguyên tắc đồng thuận lỗi thời của ASEAN, cần có sự hỗ trợ của các nước “Bộ Tứ” (Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ) và các nước trong Hội đồng Châu Âu vốn có lịch sử tồn tại lâu hơn ASEAN.

Để làm được điều đó, các nước “Bộ Tứ”, nhất là Mỹ cần có cách tiếp cận thực tế với 6 nước nòng cốt trong ASEAN nói riêng, cũng như cả khối ASEAN nói chung. Thay vào việc lôi kéo các nước này hình thành liên minh đối chọi Trung Quốc thì hãy nên tập trung vào hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước nhỏ trong khu vực; khuyến khích các nước nòng cốt trong ASEAN phát huy vai trò và cùng phối hợp lập trường; hỗ trợ ASEAN trong việc cải tổ, thay đổi những nguyên tắc đã lỗi thời.

Nếu làm được như vậy, một mặt trận ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh sẽ được hình thành một cách ngẫu nhiên, ASEAN sẽ phát huy vai trò quan trọng trên các vấn đề khu vực, kể cả vấn đề Biển Đông. Điều này là có lợi cho nhóm “Bộ Tứ” triển khai chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do và rộng mở, đóng góp vào việc duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới