Friday, January 17, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiChuyên gia Nhật: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cách làm cho...

Chuyên gia Nhật: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cách làm cho “TQ nghèo trở lại”

Đồng thời, một số chuyên gia cho rằng, con đường để TQ giành quyền kiểm soát khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ rất “quanh co” khi đối mặt với Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Trong một báo cáo được công bố vào thứ Tư (27/11), nhóm chuyên gia tại Viện Chính sách Quốc tế Lowe (Australia) cho biết, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua Mỹ về số lượng các cơ quan ngoại giao được thiết lập trên toàn thế giới. Báo cáo khẳng định, đây là một bằng chứng khác về tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, mặc dù ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc ở châu Á và thế giới đang gia tăng nhưng nước này không dễ giành quyền kiểm soát khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vì Mỹ và các đồng minh, đối tác ở châu Á đang thực thi nhiều biện pháp nhằm kiểm chế tham vọng mở rộng của Trung Quốc.

Trung Quốc ngày càng mở rộng tham vọng toàn cầu

Báo cáo Chỉ số Ngoại giao Toàn cầu năm 2019 của Viện Chính sách Quốc tế Lowe cho biết, Trung Quốc hiện có 276 văn phòng ngoại giao trên toàn thế giới, nhiều hơn Mỹ ba văn phòng.

Chia sẻ trên Twitter, bà Bonnie Bley, tác giả chính của báo cáo viết: “Trung Quốc thay thế Mỹ về mạng lưới ngoại giao lớn nhất thế giới, đồng thời, ngoại giao Mỹ đang bước vào giai đoạn cận biên”.

Theo phân tích của Viện chính sách quốc tế Lowy, hiện tượng này có thể được hiểu là điềm báo của việc chuyển giao quyền lực địa chính trị. “Đó là một bằng chứng khác về tham vọng toàn cầu của Trung Quốc”, báo cáo khẳng định.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc rất khó để giành quyền kiểm soát khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tại một cuộc hội thảo của Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ diễn ra vào thứ Ba (26/11), các chuyên gia từ Philippines, Nhật Bản và Ấn Độ khẳng định, Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác ở châu Á đã và đang hành động để ngăn chặn tham vọng mở rộng của Trung Quốc .

Sức mạnh của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương vẫn vững chắc

Chuyên gia phân tích chính trị Philippines Richard Heydarian cho biết, con đường để Trung Quốc giành quyền kiểm soát ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ “quanh co” hơn dự kiến. Bởi trước hết, sức mạnh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn còn rất lớn.

Ông nói: “Đầu tiên, sức mạnh Mỹ và sự dẻo dai cùng ảnh hưởng của sức mạnh này ở châu Á đã bị đánh giá thấp. … Tất cả đều nói rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ vì GDP của Trung Quốc quá lớn. Tuy nhiên, sức mạnh quốc gia không chỉ nằm ở sức mạnh kinh tế, mà còn nằm ở sức cạnh tranh, tài nguyên sinh thái, nguồn nhân lực, tiêu chuẩn mức sống người dân, công nghệ…”.

Chuyên gia Philippines cũng nói rằng, mặc dù Tổng thống Donald Trump đã bị chỉ trích vì rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương nhưng uy tín của Mỹ hiện vẫn đang tăng lên đối với nhiều quốc gia châu Á.

“Có rất nhiều chỉ trích đối với Tổng thống Trump, như rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, làm suy yếu vị thế của Mỹ tại khu vực này (khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương) v.v… Tuy nhiên, đối với một số quốc gia, vùng lành thổ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tham vọng của Trung Quốc như Philippines thì chính quyền đương nhiệm đáng tin cậy hơn chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama”, ông Heydarian nói.

Ông này lấy “hoạt động tự do hàng hải” của quân đội Mỹ làm dẫn chứng, cho biết, hoạt động tự do hàng hải của quân đội Mỹ – dưới thời chính quyền Tổng thống Trump – diễn ra thường xuyên với quy mô rộng hơn. Ông nói rằng, mặc dù mối quan hệ Mỹ-Philippines hiện có chút căng thẳng nhưng chỉ riêng trong năm 2019, hai nước đã có hơn 290 hoạt động quân sự chung.

Theo VOA (Mỹ), sau khi ông Trump lên nắm quyền, Nhà Trắng đã thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương để thay thế Chiến lược trở lại châu Á của chính quyền cựu Tổng thống Obama và dần dần đưa những nội dung mang tính thực chất. Trong Báo cáo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tháng 8/2019, Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng, Ấn Độ-Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên và cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.

Nhật Bản vượt Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở châu Á

VOA nhận định, sáng kiến ​​Vành đai và Con đường thường được coi là một công cụ để Trung Quốc mở rộng tham vọng toàn cầu. Tuy nhiên, ở châu Á, Nhật Bản mới là nhà đầu tư lớn nhất vào các dự án cơ sở hạ tầng khu vực này.

Dữ liệu khảo sát của Fitch Ratings (Mỹ) vào tháng 6 cho thấy, Nhật Bản dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh phát triển cơ sở hạ tầng ở  Đông Nam Á, bao gồm tổng giá trị các dự án cơ sở hạ tầng nhận đầu tư nước ngoài của khu vực này, đạt 367 tỷ USD, gần gấp 1,5 lần Trung Quốc – quốc gia đang đứng thứ hai với 255 tỷ USD.

Hiện tại, Nhật Bản có 240 dự án cơ sở hạ tầng tại 11 quốc gia Đông Nam Á, còn Trung Quốc có 210 dự án.

Ngoài ra, các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang ngày càng bị hoài nghi và được coi là một “bẫy nợ”. Một số quốc gia như Malaysia, thậm chí đã tiến hành đàm phán lại các dự án này.

Về mặt cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, học giả Nhật Bản Satoru Nagao thuộc Viện nghiên cứu Hudson cho biết, mặc dù quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản đã được cải thiện kể từ năm 2017, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến đến thăm Nhật Bản vào tháng 5 tới nhưng nhiều người Nhật vẫn chưa thực sự tin tưởng Trung Quốc và khẳng định, Tokyo sẽ tiếp tục đồng hành cùng Mỹ.

Ông nói: “Trung Quốc là mối đe dọa đối với Nhật Bản. Trung Quốc chưa nhận được sự tin tưởng từ Tokyo. Nhật Bản hoan nghênh chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc…”.

Ông này tiết lộ, người Nhật tin rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cách đúng đắn để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc; bởi như vậy, Mỹ có thể làm cho “Trung Quốc nghèo trở lại”. Điều này cũng lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã rời Trung Quốc chuyển sang Đông Nam Á.

Ấn Độ tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ

Phát biểu ở hội thảo, ông Dhruva Jaishankar, chuyên gia công tác tại Observer Research Foundation (Ấn Độ), cho biết, ông đã đến thăm nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Các quốc gia này đều lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc, chủ yếu thể hiện ở bốn khía cạnh sau: Chính sách không rõ ràng, chủ nghĩa trọng thương trong phát triển kinh tế, tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng và không tôn trọng quy tắc quốc tế trên một số phương diện.

Ông Jaishankar nói rằng, sự khác biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng được phản ánh ở bốn khía cạnh: Tranh chấp biên giới, thâm hụt thương mại song phương, an ninh khu vực và quản lý toàn cầu. Ông nhận định, sự cạnh tranh của Trung Quốc với Ấn Độ mang tính kết cấu và khó thay đổi.

Để đối phó với sự gia tăng của Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã có những bước đi trong những năm gần đây. Kể từ năm 2017, Ấn Độ đã tăng cường giám sát vùng biển Ấn Độ Dương, tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và tăng cường hội nhập kinh tế với các nước Đông Nam Á.

Chuyên gia Ấn Độ nhấn mạnh, những nỗ lực này của New Delhi phần lớn phù hợp với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.

Ông này cho biết, người Ấn Độ đang rất ủng hộ quan hệ đối tác Mỹ-Ấn. Một khảo sát năm 2017 của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy, chỉ có 9% người Ấn Độ không hoan nghênh Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới