Đã 70 năm kể từ khi NATO được thành lập trong thời Chiến tranh Lạnh như một liên minh xuyên Đại Tây Dương nhằm đối chọi với Nga, nay NATO mở rộng tầm nhìn và chuyển hướng sang đối phó với thách thức do Trung Quốc đặt ra khi nước này ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự.
Nhưng hiện vẫn không rõ, ngay cả trong giới các nhà ngoại giao trong liên minh quân sự gồm 29 nước thành viên, liệu NATO có đủ sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ hay không – đặc biệt vào thời điểm có nhiều chia rẽ trong nội bộ và thể hiện rõ thấy trong Hội nghị thượng đỉnh NATO tuần này, theo Reuters.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi các nước NATO gặp nhau hôm thứ Tư (4/12), các nhà lãnh đạo nói: “Chúng tôi thừa nhận Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng và các chính sách quốc tế vừa mang lại cơ hội cũng như những thách thức mà chúng tôi phải cùng nhau giải quyết trong tư cách một liên minh”.
Hoa Kỳ đang dẫn đầu chiến dịch nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc, đặc biệt là ở những quốc gia châu Âu, giữa lúc lo ngại gia tăng về việc Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế như một đòn bẩy để thực hiện tham vọng của họ.
Hồi đầu năm, Ủy ban châu Âu đã mô tả Trung Quốc là một “đối thủ mang tính hệ thống”, và kêu gọi NATO quyết đoán hơn sau nhiều năm hoan nghênh những khoản tiền đầu tư của Trung Quốc.
Quân nhân Trung Quốc trong cuộc diễu binh tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 1/10 (ảnh: Getty Images).
“Trung Quốc là một thách thức chiến lược đối với chúng tôi và chúng tôi cần phải đón đầu trước điều đó”, ông Esper nói.
“Và chúng ta cần phải chuẩn bị trước trong trường hợp mọi thứ không diễn ra theo mong muốn”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói thêm.
Trước Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg lưu ý rằng Trung Quốc là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
“Điều đó không có nghĩa là chúng ta đưa NATO tham gia vào Biển Đông, nhưng chúng ta phải tính toán để đối phó với sự kiện Trung Quốc đang tiến đến gần chúng ta hơn”, ông Stoltenberg nói, khi viện dẫn các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực, Châu Phi và các khoản đầu tư rất lớn mà Trung Quốc đổ vào cơ sở hạ tầng ở Châu Âu.