Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLý do TQ trở thành mối quan ngại hàng đầu của các...

Lý do TQ trở thành mối quan ngại hàng đầu của các nước NATO

Tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra hôm 4/12, lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà lãnh đạo NATO đã phải thảo luận về phản ứng của liên minh trước sự tăng cường sức mạnh và khả năng quân sự của Trung Quốc.

TQ hiện là nước có ngân sách quân sự lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ

Trong báo cáo của chính phủ trước kỳ họp thứ 2 quốc hội Trung Quốc khóa 13 hôm 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công bố dự toán ngân sách quốc phòng năm 2019 là 1.189,88 tỷ Nhân dân tệ (177.6 tỷ USD), tăng 7,5% so với năm 2018, đứng thứ 2 thế giới. Báo cáo về xếp hạng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia năm 2018 do Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Anh Quốc (International Institute for Strategic Studies, IISS) cho thấy, Trung Quốc cũng đứng thứ 2 với 168,2 tỷ USD. Mỹ vẫn tiếp tục đứng đầu về chi phí quốc phòng với dự toán 716 tỷ USD. Tuy nhiên, ngoài chi tiêu quốc phòng đối ngoại, Trung Quốc còn có một khoản chi tiêu đáng chú ý khác là “chi tiêu giữ ổn định” năm 2018 cũng tới 126 tỷ NDT.

Hiện nay, Trung Quốc tập trung chi tiêu cho việc hiện đại hóa vũ khí, năng lực khai thác gia tăng rõ rệt, lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc giảm đi 7%. Nga chiếm tới 70% thị trường nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc, chủ yếu là các máy bay chiến đấu tính năng cao và các hệ thống vũ khí phòng không. Lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc gia tăng 2,7%, chiếm 5,2% thị trường toàn thế giới. Số quốc gia mua vũ khí của Trung Quốc đã tăng từ 12 lên thành 53. Các phân tích cho thấy Trung Quốc muốn thông qua bán vũ khí để thắt chặt quan hệ ngoại giao. Do giá cả vũ khí biến động theo ảnh hưởng của nhân tố chính trị nên khi thống kê những cơ quan thống kê không tính theo kim ngạch giao dịch, mà lấy 5 năm làm một chu kỳ tính toán. Từ năm 2016 có 7 công ty Trung Quốc đã lọp vào Top 20 công ty bán vũ khí lớn nhất, trong các năm 2017, 2018 thứ tự xếp hạng của các công ty này tăng lên rõ rệt, theo thống kê của IISS. Các công ty này cũng rất thành đạt trong lĩnh vực xuất khẩu, nếu đem so sánh với một số quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất. Hiện có 53 quốc gia là bạn hàng mua vũ khí của Trung Quốc, trong đó có 13 nước đã đặt mua 53 máy bay không người lái vũ trang.

Trong 5 năm gần đây, lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc gia tăng 38%, còn lượng vũ khí nhập khẩu lại giảm 19%, chất lượng và công năng của các vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc đang gia tăng mạnh. Ví dụ: các loại máy bay FC-1, máy bay không người lái Caihong, máy bay huấn luyện KMT-8, pháo tự hành PLZ 45/05, tên lửa chống hạm C-803, xe tăng MBT-2000 và loại xe tăng chủ yếu được trang bị công nghệ cao VT-4 xuất khẩu đã mang lại vị trí khả quan của vũ khí Trung Quốc trong thị trường toàn thế giới. Tờ Hindustan Times ngày 12/3 đăng bình luận chỉ rõ, tuy Trung Quốc hiện vẫn dựa vào nhập khẩu nhiều loại vũ khí và là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 6 thế giới, nhưng Trung Quốc hiện là quốc gia xuất khẩu máy bay không người lái vũ trang đứng đầu toàn thế giới. Chi phí cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật của Trung Quốc đã chiếm 2% GDP. Điều này đã giúp cho việc ra đời hàng loạt vũ khí tự thiết kế và bản quyền sở hữu trí tuệ, như máy bay tàng hình J-20, Y-20, tàu sân bay 001A, tên lửa DF-41. Tàu lớp 055, tên lửa phóng từ tàu ngầm JL-3 và hệ thống Bắc Đẩu Tinh.

Trung Quốc cũng đang tìm cách mở rộng không gian ảnh hưởng ra nước ngoài với việc nước này thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên tại Djibouti. Ngày 1/8/2017, nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Bắc Kinh đã chính thức thượng cờ mở cửa căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của nước này tại Djibouti thuộc khu vực Sừng châu Phi. Các quan chức Trung Quốc luôn khẳng định đây thuần túy là trung tâm hỗ trợ hậu cần cho các sứ mệnh nhân đạo và gìn giữ hòa bình của họ trong khu vực. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự – quốc phòng, xét về vị trí địa chiến lược của Djibouti và tham vọng của Trung Quốc thì đó chẳng qua chỉ là những hoạt động bề nổi. Djibouti nằm gần Kênh đào Suez – tuyến đường biển vận chuyển khoảng 10% lượng dầu lửa thế giới mỗi năm và cũng là một phần của dự án “Vành đai, con đường”, một mạng lưới vận tải khổng lồ chạy dọc theo Con đường Tơ lụa mà Trung Quốc đang tập trung nỗ lực xây dựng. Các hình ảnh vệ tinh được Stratfor – công ty chuyên cung cấp các thông tin tình báo địa chính trị có trụ ở Mỹ tiết lộ vào tháng 4 và tháng 7/2017 cho thấy, Trung Quốc đã xây dựng tại đây một căn cứ vững chắc với 3 lớp phòng thủ, một không gian ngầm rộng khoảng 23.000 m2 và ít nhất 8 nhà chứa máy bay.

Mỹ nước dẫn dắt NATO đang coi TQ là mối quan tâm hàng đầu

Ngay từ 2014, giới quốc phòng Mỹ đã hiểu rõ thách thức quân sự từ Bắc Kinh sẽ là vấn đề thật sự. So với các nhánh khác trong chính quyền, khối quốc phòng nhìn rõ hơn về điều này. Một thế hệ chuyên gia mới về Trung Quốc của Mỹ đang ủng hộ thông điệp cứng rắn và mạnh mẽ hơn nhiều với Bắc Kinh so với cách tiếp cận truyền thống, nhấn mạnh tới đối thoại, của các chiến lược gia cũ. Ở Washington, thay đổi này có thể thấy rõ nhất trong Chiến lược Quốc phòng Mỹ (NDS) 2018 khi Trung Quốc được nhắc tới như là tâm điểm về cạnh tranh chiến lược dài hạn của Washington. Trong NDS 2018, Trung Quốc được nhắc tới như cường quốc “xét lại” với sức mạnh quân sự và nhiều lợi thế cạnh tranh mới, muốn tìm kiếm bá quyền ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, sân khấu chính trị chính mà chính quyền Mỹ coi là tâm điểm trong chiến lược của mình.

Trong Báo cáo Bộ Ngoại giao Mỹ dài 30 trang, mang tên “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Mở: Thúc đẩy tầm nhìn chung” hôm 3/11 vừa qua đã nêu chi tiết những bước tiến của chính phủ Mỹ liên quan đến chiến lược mà Tổng thống Trump công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tháng 11/2017 ở Đà Nẵng, Việt Nam. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngay từ những nội dung đầu tiên đã gián tiếp bày tỏ mối quan ngại về sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực. Văn bản này cáo buộc “những cường quốc xét lại”, cách Washington gọi Trung Quốc và Nga trong nhiều báo cáo chiến lược thời gian qua, “đang tìm cách thúc đẩy những lợi ích hẹp hòi của mình bất chấp lợi ích của những nước khác”. Báo cáo nhận định cuộc cạnh tranh giữa “tầm nhìn tự do hay cưỡng ép cho trật tự quốc tế tương lai” đang là thách thức có sức tác động lớn nhất đối với lợi ích của Mỹ và các đối tác. Khái niệm “chiến thuật toàn chính phủ” trong xúc tiến chiến lược FOIP cũng chính thức được đưa vào báo cáo sau khi nhiều lãnh đạo và quan chức cấp cao tại Washington liên tiếp đề cập trong thời gian qua. Trong 4 giá trị cốt lõi của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Washington thúc đẩy, có đến 3 điểm liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và các vùng biển khu vực, gồm: (1) tôn trọng chủ quyền và sự độc lập của mọi quốc gia; (2) giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và (3) tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không. Giá trị thứ 4 được báo cáo nhắc đến là “thương mại tự do, công bằng và có qua có lại dựa trên đầu tư mở, thỏa thuận minh bạch và tính kết nối khu vực”. Nội dung này gián tiếp nhắm đến chiến lược BRI của Trung Quốc với mô hình cho vay phát triển cơ sở hạ tầng. Giới chức Washington nhiều lần chỉ trích mô hình của Trung Quốc thiếu bền vững và đẩy các nước nghèo vào bẫy nợ, phải đánh đổi chủ quyền cho các khoản vay thiếu minh bạch. Mỹ tái khẳng định duy trì hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với gần 375.000 quân nhân và nhân sự trực thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM). Hiện diện quân sự tiền tiêu của Mỹ tiếp tục được củng cố với việc gia hạn thỏa thuận sử dụng cơ sở hải quân, không quân và hỗ trợ hậu cần tại Singapore thêm 15 năm.

Hiện Mỹ đang phát động cuộc chiến tổng lực nhằm vào Trung Quốc, trong đó chiến tranh thương mại là trụ cột. Tổng thống Trump đã công bố mức thuế mới từ 25 lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 01/10 và tăng từ 10 đến 15% trên 300 tỷ USD hàng nhập khẩu, có hiệu lực tùy theo mặt hàng, và có nghĩa là gần như tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị đóng thuế. Tổng thống Trump đã tuyên bố thẳng thừng: “…Nếu Trung Quốc không muốn giao dịch với chúng tôi nữa, điều đó cũng tốt đối với tôi thôi”. Ông cũng kêu gọi các công ty Mỹ rút ra khỏi Trung Quốc và đi làm ăn ở các nước khác, nhất là quay về Mỹ. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang tác động trực tiếp đến quan hệ chính trị, kinh tế toàn cầu.

TQ đang tìm cách kiểm soát Biển Đông và các khu vực khác trên thế giới

Từ các văn kiện Đại hội Đảng, chương trình nghị sự của chính phủ và thông tin chính thức từ phía Trung Quốc, nước này xác định Biển Đông là một phần quan trọng, cũng là điểm khởi đầu cho con đường tơ lụa trên biển. Con đường này là trọng tâm của sáng kiến “Vành đai, con đường”. Sáng kiến này là một phần của giấc mơ chấn hưng Trung Quốc. Biển Đông là một phần của chiến lược biến Trung Quốc thành một cường quốc biển. Một quốc gia muốn tiến vào vị trí trung tâm quyền lực chính trị của thế giới thì không thể không trở thành một cường quốc biển. Chính giới Trung Quốc đã lồng ghép vấn đề Biển Đông vào mục tiêu trăm năm, coi đó là việc triển khai thực hiện giấc mộng Trung Hoa. Nước này thậm chí còn đưa vấn đề chủ quyền và lợi ích trên biển thành một trong những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tương tự như vấn đề Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng. Tần suất Trung Quốc đưa ra lời khẳng định các đảo ở Biển Đông thuộc về mình từ ngàn đời đang không ngừng tăng lên. Nguyên thủ các quốc gia trên thế giới thường ít nói về vấn đề chủ quyền. Thay vào đó, họ thường để cho những cơ quan có thẩm quyền lên tiếng. Tuy nhiên, liên tiếp trong năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc đã 3 lần phát biểu câu chuyện này ở nước ngoài, điều trước đây chưa từng có đã thể hiện sự quan tâm đến mức tối đa của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục khẳng định rằng nước này không có gene xâm lược, không xâm phạm vào lợi ích của các nước khác, thế nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lợi của mình.

Trung Quốc muốn loại bỏ hai bên đối trọng hiện tại ở khu vực cũng như một đối thủ cạnh tranh đó là Ấn Độ. Việc loại bỏ Mỹ khỏi Biển Đông sẽ đe dọa đến vị thế rộng hơn của Mỹ khu vực Đông Á. Điều đó có thể phá hoại uy tín của Mỹ trong vai trò là bên đảm bảo an ninh và có thể làm suy yếu các đồng minh khu vực vì những đồng minh của Mỹ có thể lo ngại rằng họ có thể không thể dựa vào sự đảm bảo của Mỹ được nữa. Điều đó cũng làm suy yếu sự răn đe của Mỹ vì Mỹ đã thất bại trong việc đáp trả lại thách thức, tạo ra sự khuyến khích cho những thách thức tương lai. Bắc Kinh cũng hi vọng làm suy yếu Nhật Bản, đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Ở đây, Trung Quốc sử dụng hai phương pháp. Đầu tiên, Trung Quốc thường xuyên nhắc lại về sự tàn bạo của Nhật trong Thế chiến thứ hai. Thứ hai, Trung Quốc đưa ra viện trợ quốc tế nhiều hơn Nhật Bản nhưng không gắn với các điều kiện quản trị tốt, chống tham nhũng và những điều kiện được quốc tế thừa nhận khác để lấy lòng các nước trong khu vực, đặc biệt là các chế độ độ đoán và những nền dân chủ lỏng lẻo dễ dẫn đến tham nhũng. Những chính sách này đe dọa đến quản trị tự do và trật tự thế giới tự do. Bắc Kinh nỗ lực chia cắt các nước, Trung Quốc cũng dùng sức mạnh kinh tế của mình để thực hiện các mục đích chiến lược. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất đối với nhiều nước trên thế giới và nhanh chóng trở thành đối tác thương mại lớn nhất đối với các nước khác. Trung Quốc thường đưa ra các khoản viện trợ ngay cả đối với những đối thủ của mình với hy vọng kéo họ về quỹ đạo của Bắc Kinh. Điều này đã đặc biệt gây rối loạn cho các nền dân chủ hoặc các nước đang nỗ lực hướng tới xây dựng nền dân chủ. Ở những nước này, Trung Quốc có thể chờ cơ hội tốt cho đến lúc một chính phủ có lợi cho Trung Quốc được bầu lên, sau đó, củng cố thêm mối liên kết và sự phụ thuộc của nước đó vào mình như trường hợp của Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới