Người đứng đầu Hạm đội Phương Bắc của Nga vừa cảnh báo các nước NATO đang có nguy cơ làm bủng nổ một cuộc chiến tranh ở Bắc Cực. Chiến tranh bao giờ cũng là ác mộng tối tăm nhất và đáng sợ nhất với bất kỳ ai.
Phó Đô đốc Alexander Moiseev – Chỉ huy Hạm đội Phương Bắc cho rằng NATO nên “tránh xa” các khu vực Bắc Cực giàu tài nguyên thiên nhiên. Ông Moiseev cảnh báo các cuộc tập trận quân sự của phương Tây ở trong khu vực đang gia tăng và nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở Bắc Cực liên quan đến Nga và NATO cũng theo đó gia tăng.
Vị tướng hàng đầu của điện Kremlin chỉ rõ rằng các cuộc tập trận quân sự của Anh và Mỹ cùng với các nước phương Tây ở Bắc Cực đã tăng gấp đôi trong 5 năm và sự hiện diện quân sự của NATO trong khu vực cũng tăng mạnh trong thời gian qua.
“Trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy sự hiện diện quân sự gia tăng của lực lượng vũ trang các nước và kết quả sẽ dẫn đến việc tăng nguy cơ bùng nổ xung đột”, ông Moiseev cho biết, kêu gọi NATO tránh xa khu vực được Moscow xem là sân sau của họ.
“Trong những năm gần đây, lực lượng vũ trang của các nước thành viên NATO đã tiến hành hàng chục các cuộc tập trận ở những khu vực gần với các đường biên giới phía bắc của chúng tôi. Những cuộc tập trận khác nhau về quy mô và có liên quan đến nhiều loại vũ khí khác nhau, từ tàu ngầm hạt nhân, nhóm tàu sân bay chiến đấu và các đơn vị khác trong đó có các lực lượng chiến dịch đặc biệt”, Chỉ huy Hạm đội Phương Bắc cho hay.
Ông Moiseev cáo buộc phương Tây đang tìm cách gây áp lực với Nga bằng các biện pháp trừng phạt và chính trị hóa nhiều hoạt động hợp tác đa phương ở Bắc Cực.
Vị tướng hàng đầu của Nga cáo buộc các nước NATO không thừa nhận các lợi ích quốc gia của Nga và sẵn sàng sử dụng vũ lực như một phương tiện để đạt được các mục đích chính trị.
Những phát biểu đanh thép và cảnh báo sắc lạnh trên được Phó Đô đốc Moiseev đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ra lệnh mở lại và hiện đại hóa một loạt căn cứ quân sự nằm dọc đường bờ biển kéo dài 15.000 dặm (khoảng 24.000km) ở Bắc Cực.
Nga đã mở nhiều căn cứ quân sự và khoa học ở vùng Bắc Cực trong những năm gần đây. Tổng thống Putin đã đích thân thực hiện nhiều chuyến thăm đến Bắc Cực.
Bắc Cực là một trong số ít những vùng đất trên Trái đất của chúng ta mà chưa một quốc gia nào chính thức có “sổ đỏ”. Hiện tại, ít nhất 5 nước gồm Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canada và Mỹ đều đưa ra những đòi hỏi chủ quyền đối với vùng Bắc Cực bởi đây là nơi chứa rất nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác, trong đó có dầu mỏ.
Cuộc tranh chấp trên trở nên căng thẳng khi các lớp băng tan chảy mở ra triển vọng về những tuyến đường hàng hải mới và khả năng khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở đây. Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, một chuyến đi từ châu Âu đến châu Á đi qua Bắc Cực sẽ ngắn hơn đi qua kênh đào Panama khoảng 7.408km.
Nga đã chính thức đặt mục tiêu và đề ra kế hoạch triển khai lực lượng vũ trang để bảo vệ các lợi ích kinh tế và chính trị ở Bắc Cực trước năm 2020, trong đó có các đơn vị bảo vệ bờ biển, lính biên phòng cũng như các lực lượng quân đội khác. Theo quân đội Nga, hai lữ đoàn Bắc Cực sẽ được triển khai ở vùng cực bắc của nước Nga trong vài năm tới. Nga cũng đang lên kế hoạch khôi phục hoạt động trở lại các sân bay từ kỷ nguyên Xô-viết ở Bắc Cực đồng thời thiết lập sự hiện diện hải quân thường trực dọc Đường Biển Bắc có tầm quan trọng chiến lược.
Nga tuyên bố, nước này cần tăng cường sự hiện diện hải quân ở Bắc Cực để bảo vệ các lợi ích kinh tế trong khu vực khỏi sự xâm lấn của các quốc gia NATO. Đây chính là chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin.