Ngày 10/12/2019, tại New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 74 họp phiên toàn thể về chủ đề “Đại dương và Luật biển”. Phiên họp xem xét các báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề liên quan đến đại dương và luật biển và xem xét các dự thảo nghị quyết được đưa ra dưới đề mục này.
Nêu bật tầm quan trọng của UNCLOS đối với tình hình hiện nay
Tại phiên thảo luận, nhiều nước đề cao giá trị phổ quát, nhất quán và toàn diện của Công ước Luật biển Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS), nêu bật tầm quan trọng của Công ước là khuôn khổ pháp lý quốc tế điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, đồng thời nhằm quản lý và sử dụng hòa bình, bền vững và công bằng các tài nguyên biển, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Các nước nhấn mạnh đến các diễn biến nổi bật trong lĩnh vực đại dương và luật biển trong năm 2019 như nhận thức rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với môi trường biển và đại dương, vấn đề bảo tồn nguồn tài nguyên biển và Hội nghị Đại dương lần thứ hai của Liên hợp quốc về thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững về biển và đại dương (SDG 14), tiến bộ đạt được trong khuôn khổ Hội nghị Liên Chính phủ xây dựng văn kiện ràng buộc pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước Luật biển về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ).
Bày tỏ quan ngại về các yêu sách về quyền lịch sử và yêu sách lịch sử đối với tài nguyên biển
Nhiều nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia công khai đề cập đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, bày tỏ quan ngại về các yêu sách về quyền lịch sử và yêu sách lịch sử đối với tài nguyên biển, cho rằng mọi yêu sách cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển, khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không phải được bảo đảm, kêu gọi các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế mà không bị cưỡng bức, đe doạ. Phát biểu tại phiên họp, đại diện Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng của Công ước trong suốt 25 năm qua như một bản Hiến pháp về biển và đại dương, nhất là ở các khu vực có tranh chấp như Biển Đông. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam nhận thức rõ việc sử dụng biển một cách hòa bình và bền vững là yêu cầu thiết yếu để phát triển bền vững.
Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước và các hiệp định thực thi Công ước
Việt Nam cũng kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước và các hiệp định thực thi Công ước, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước, trong đó có các hoạt động kinh tế biển. Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, kêu gọi các bên liên quan không tái diễn các vi phạm và tránh có các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. Việt Nam kêu gọi bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông, tất cả các bên cần hết sức kiềm chế, không quân sự hóa hoặc tiến hành các hoạt động làm phức tạp tình hình hay mở rộng, gia tăng tranh chấp, thực hiện đầy đủ Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) và sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có nội dung thực chất và có hiệu lực trên thực tế. Kết thúc phiên họp, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 74 đồng thuận thông qua Nghị quyết thường niên về Nghề cá bền vững bằng đồng thuận và bỏ phiếu với đa số áp đảo, thông qua Nghị quyết thường niên về Đại dương và Luật biển.
Thời gian qua việc các nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc liên tục tiến vào khu vực vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, ảnh hưởng đến hoạt động an ninh hàng hải, và tình hình ổn định ở khu vực, đặc biệt là tác động đến quá trình khai thác tài nguyên trên biển của Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực. Việt Nam, thông qua nhiều kênh ngoại giao, đã gửi công hàm và lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút tàu cũng như tránh lặp lại việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Dư luận quốc tế, đặc biệt là các quốc gia không có tranh chấp với các bên trên Biển Đông như Mỹ, một số nước châu Âu, Nhật Bản, Australia cũng đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông.