Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ dùng ‘hệ thống tín nhiệm xã hội’ để tấn công các...

TQ dùng ‘hệ thống tín nhiệm xã hội’ để tấn công các công ty nước ngoài

Một báo cáo của Bloomberg hôm 08/12 đã mô tả cách mà chính quyền Trung Quốc sử dụng “hệ thống tín nhiệm xã hội” để kiểm soát không chỉ công dân nước này mà cả các công ty trong nước và các công ty nước ngoài đang tìm cách kinh doanh tại Trung Quốc.

Hệ thống tín nhiệm xã hội là một cơ sở dữ liệu rộng lớn, thu thập và phân tích dữ liệu để đánh giá các cá nhân trong độ tuổi 18-45 và hàng triệu doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động tại thị trường này. Tới năm 2020, chính quyền Trung Quốc sẽ bắt đầu áp dụng hệ thống này để trừng phạt hoặc khen thưởng các cá nhân, doanh nghiệp.

Với hệ thống này, cá nhân và doanh nghiệp không tuân thủ những quy định và nguyên tắc của Bắc Kinh đề ra sẽ bị trừng phạt. Với các công ty nước ngoài, chính quyền Trung Quốc sẽ phân tích những dữ liệu như hợp đồng kinh doanh, trách nhiệm xã hội, việc tuân thủ các quy định chung. Các công ty có điểm tín nhiệm xã hội kém có thể phải đối mặt với nhiều hình phạt như không được phép tiếp cận các khoản vay giá rẻ, phải đóng thuế xuất nhập khẩu cao hoặc thành viên chủ chốt bị cấm rời Trung Quốc.

Theo ông Andrew Polk công ty tư vấn Trivium Trung Quốc cho biết, hệ thống sẽ được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc để giám sát các công ty trong và ngoài nước, các công ty phải phân bổ nhân sự để theo dõi đảm bảo hồ sơ của họ sạch sẽ.

Trivium hiện đang tính phí cho khách hàng doanh nghiệp 2.500 đô la một giờ để tư vấn về hệ thống tín nhiệm xã hội và 50.000 đô la cho một cuộc kiểm toán hoàn chỉnh.

 Các chuyên gia cho rằng các quy tắc quản lý hệ thống tín nhiệm xã hội nổi tiếng là mơ hồ, nó rõ ràng chịu sự điều chỉnh chính trị từ phía Bắc Kinh, khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rất dễ trừng phạt hoặc trừng phạt các tập đoàn nước ngoài trừ khi người nước ngoài “cúi xuống” duy trì quan hệ tốt với các quan chức ĐCSTQ.

Chính phủ Trung Quốc cảnh báo rằng các công ty Mỹ có thể bị đưa vào danh sách đen như một phần của cuộc chiến thương mại, hoặc để trả thù Hoa Kỳ đối với các chính sách của Trung Quốc như việc giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung. Do đó, việc xuất bản danh sách đen bí mật của ĐCSTQ có thể gây ra vấn đề lớn cho các công ty Mỹ .

Một báo cáo được xuất bản vào tháng 11 bởi Công ty tư vấn Dezan Shira & Associates đã cảnh báo rằng một khía cạnh có khả năng gây rắc rối nhất của hệ thống tín nhiệm xã hội là nó khiến các công ty phải chịu trách nhiệm cho các đối tác kinh doanh và nhà cung cấp của họ. Nếu một công ty bị liệt vào danh sách đen, các thông tin xấu có thể nhanh chóng tuyên truyền cho các tập đoàn khác mà nó có quan hệ kinh doanh. Công ty này cũng nhận định, ít nhất 33 triệu doanh nghiệp đã bị thu thập dữ liệu và nhiều người đã bị đưa vào danh sách đen trừng phạt khác nhau.

Theo South China Morning Post, rất nhiều công ty nước ngoài những tập đoàn khổng lồ như Apple, Boeing, Intel hay Ford có doanh thu tổng cộng lên đến hàng trăm tỷ USD ở Trung Quốc đã bày tỏ sự lo ngại về hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc.

Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush (New York) – công ty chuyên nghiên cứu các doanh nghiệp công nghệ Mỹ – cho biết, những công ty kinh doanh với quy mô lớn ở thị trường Trung Quốc như Apple, hệ thống tín nhiệm xã hội là một rào cản đối với nỗ lực bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của nhân viên.

 Thời gian qua, các công ty Mỹ đã gặp nhiều khó khăn ở Trung Quốc vì chiến tranh thương mại. Tháng 5, Mỹ cấm cửa Huawei và lập tức Bắc Kinh trả đũa bằng việc lập một danh sách “các công ty nước ngoài không đáng tin cậy”.

Theo giới quan sát, hệ thống này sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để Trung Quốc tấn công các doanh nghiệp và ngành công nghiệp nước ngoài khi cần thiết. “Với các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, tín nhiệm xã hội sẽ trở thành vấn đề sinh tử”, ông Jörg Wuttke – Chủ tịch Phòng Công nghiệp châu Âu ở Trung Quốc – dự báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới