Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTương quan hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển của một...

Tương quan hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển của một số khu vực trên thế giới

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển là một trong những hệ thống vũ khí quan trọng của các nước ven biển, nó vừa có khả năng phòng thủ, vừa có khả năng tấn công, được sử dụng thông dụng trên toàn cầu trong mọi môi trường hàng hải.

Tổng quan về hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển

Đối với môi trường an ninh hiện đại, bảo vệ bờ biển chống lại các cuộc tấn công của đối phương là một nhiệm vụ đa lĩnh vực bao gồm các năng lực ISR, các hệ thống tên lửa chống tàu (ASM), các hệ thống phòng không/chống tên lửa, các hệ thống pháo binh bờ biển, phương tiện không người lái và các tàu chiến đấu. Thông thường, tất cả các trang bị đều phụ thuộc vào chuỗi chỉ huy tổng thể vì thế mỗi trang bị có thể bảo vệ hỗ trợ cho nhau. Các hệ thống phòng thủ bờ biển dựa vào các hệ thống ASM là nòng cốt của các chiến lược phòng thủ bờ biển. Chúng làm cơ sở cho các mục tiêu, các nguồn lực khả dụng và những vị thế chiến lược đặc biệt của các quốc gia. Các tổ hợp ASM bao gồm nhiều bệ phóng tên lửa và mạng cảm biến nhiều lớp, phụ thuộc vào cự ly bảo vệ cũng như các điều kiện phóng. Các cảm biến cung cấp tầm bao phủ tác chiến bổ xung từ tầm gần tới tầm xa. Một tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ tiêu biểu còn bao gồm các ra đa trinh sát, các cảm biến EO và các trang bị trinh sát ‘ngoài đường chân trời’ (OTH) như các máy bay tuần thám biển, máy bay trực thăng và các phương tiện bay không người lái.

Các khu vực bờ biển rộng lớn, các điểm nghẽn giao thông hàng hải và hải đảo là những môi trường tác chiến thông dụng nhất trong thời điểm hiện nay. Năng lực sát thương của các hệ thống ASM hiện đại đã được nâng cao bằng kỹ thuật dẫn đường 3D, cơ động lẩn tránh, dấu hiệu từ tính thấp và các biện pháp đối phó điện tử (ECM). Các hệ thống phòng thủ bờ hiện nay phải bao trùm ba nhiệm vụ cốt lõi đó là: Phòng thủ bờ biển chiến thuật chống lại các tàu chiến đấu ven bờ và các chiến dịch tấn công đổ bộ. Các tên lửa tầm xa hơn được sử dụng tiêu diệt các tàu đổ bộ, các tên lửa tầm gần hơn tiêu diệt các tàu đổ bộ chở quân, các tàu hộ tống nhỏ và các tàu tấn công nhanh ; Khống chế giao thông hàng hải, phong tỏa các hoạt động tác chiến hải quân của đối phương trong lãnh hải và cả vùng biển quốc tế ; Thi hành phong tỏa hải quân, chủ yếu sử dụng trong thời điểm chiến tranh, thời điểm Các quy tắc giao chiến (RoE) thay đổi và tỷ lệ tiêu hao khiến cho thiếu hụt các vũ khí trang bị có thể đưa ra một phản ứng tương xứng với mức độ xung đột.

Nhu cầu tác chiến hiện nay của các hệ thống vũ khí bảo vệ bờ biển bao gồm năng lực tác chiến mọi điều kiện thời tiết, năng lực bảo vệ bờ biển quốc gia 24/7. Học thuyết quốc gia góp phần vào quyết định các tính năng mà một hệ thống phòng thủ bờ biển sẽ được chế tạo như: Tầm tác chiến, khả năng đối phó ECM, tốc độ phản ứng, khả năng cơ động hoặc một số đặc điểm tính năng khác.

Khu vực Đông Á

Các vũ khí ASM của Trung Quốc bao gồm các tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) và các tên lửa hành trình chống tàu (ASCM). Các loại tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc bao gồm DF-21D và DF-26B. Cả hai loại vũ khí này đều được phóng từ các phương tiện vận chuyển và mang phóng (TEL) và được điều khiển tới các mục tiêu sử dụng nhiều cảm biến như rađa ngoài đường chân trời (OTH), các UAV và theo dõi vệ tinh. Các tên lửa này sử dụng động cơ nhiên liệu rắn và các phương tiện hồi quyển trên tên lửa có khả năng cơ động cao, vì thế độ chính được nâng cao. Tên lửa DF-21D, tên định danh NATO là CSS-5 Mod.4, là một tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) mang theo từ một đến sáu đầu đạn với tải trọng khoảng 600 kg, vận tốc bay tối đa Mach 10 với tầm bắn 1.500 km. Còn tên lửa DF-26 là một phiên bản tên lửa đạn đạo tầm trung gian (IRBM) của tên lửa DF-21, có đặc trưng bên ngoài giống với DF-21 nhưng có tầm bắn xa hơn, khoảng từ 3- 4.000 km.

Nhiệm vụ chính của các hệ thống tên lửa DF-21D/DF-26 là tiêu diệt các mục tiêu giá trị cao của đối phương, ví dụ như tàu sân bay khi chúng đi vào các vùng biển của Trung Quốc. Những ASBM này có thể mang theo cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Trong trường hợp thứ nhất, nhóm chiến đấu tàu sân bay dường như sẽ bị tấn công bằng hàng loạt tên lửa, còn trường hợp thứ hai có thể dẫn tới kích hoạt một cuộc tấn công hạt nhân lẫn nhau. Vì thế, DF-21 và DF-26 sẽ là trụ cột trong nhiệm vụ khống chế chiến trường trên biển. Nếu hiệu quả của DF-21 và DF-26 là thực tế, chúng sẽ là một mối nguy hiểm đối với các nhóm tác chiến tàu sân bay với chi phí phù hợp. Theo các nguồn tin của Mỹ và Đài Loan, Trung Quốc đã hoàn thành các cơ sở hạ tầng và những năng lực chỉ thị mục tiêu cơ bản nhằm uy hiếp các tàu sân bay của Mỹ. Trung Quốc có thể vẫn còn khoảng trống về năng lực khi trang bị các hệ thống tên lửa chống tàu này, tuy nhiên khoảng trống đó chỉ là khả năng phát hiện và chỉ thị mục tiêu các nhóm tàu chiến đấu hải quân ở vùng biển xa. Lớp phòng thủ phía trong của Trung Quốc chủ yếu dựa vào các tên lửa chống tàu (ASCM) dưới âm YJ-62 do Tập đoàn công nghiệp và khoa học hàng không Trung Quốc (CASIC) phát triển. YJ-62 có tầm bắn từ 280-400 km, phụ thuộc vào loại đầu đạn mang theo. Các tên lửa phiên bản nội địa thường được trang bị một đầu đạn bán xuyên giáp nặng 210 kg, còn các phiên bản xuất khẩu cho Pakistan mang tên C-602 thường được trang bị đầu đạn nặng 300 kg hoặc 400 kg. YJ-62 nặng 1.350 kg, có vận tốc bay từ 0,6- 0,8 M và có thể tấn công các tàu chiến đấu mặt nước với chế độ bay thấp sát mặt biển. Giai đoạn đầu tên lửa được dẫn đường bằng quán tính (dựa vào hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu) và sau đó tên lửa sẽ chuyển sang chế độ dẫn đường chủ động (có thể bằng ra đa) trước khi sang giai đoạn bay cuối. Các tổ hợp YJ-62 là các tổ hợp có tính cơ động cao và được triển khai thông qua các phương tiện vận chuyển và mang phóng (TEL), mỗi TEL mang theo 3 tên lửa. Hiện nay, Trung Quốc có thể đã triển khai khoảng từ 15-20 tổ hợp tên lửa này.

Trước tình hình trang bị của Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản cũng đẩy mạnh quá trình xây dựng năng lực phòng thủ cho mình. Cả hai quốc gia đều tập trung vào phát triển năng lực phòng thủ bờ, đặc biệt là chống lại các hoạt động đổ bộ mà Trung Quốc có thể tiến hành. Hơn nữa, các quốc gia này cũng nằm trong tầm bắn của các tên lửa đạn đạo mà Trung Quốc sở hữu, đồng thời trong các chiến dịch đổ bộ của Trung Quốc, hai quốc gia này cũng có thể nằm trong tầm hỏa lực hải quân và tầm tấn công của các tên lửa hành trình của Hải quân Trung Quốc. Các hệ thống ASM bố trí trên bộ của cả hai quốc gia này đều là các hệ thống có khả năng cơ động cao, khả năng sinh tồn lớn. Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia Chung-Shan của Đài Loan (CSIST) đã phát triển ASCM vượt âm Hsiung Feng III triển khai trên các tàu chiến đấu mặt nước cùng với ASCM cận âm HF-II và từng bước thay thế loại tên lửa này. HF-III được trang bị động cơ phản lực cho phép đạt tốc độ tối đa 2 M. HF-III có khối lượng từ 1.500- 1.600 kg, sử dụng đầu đạn 225 kg và tầm bắn tối đa trên 130 km. Hệ thống dẫn đường trên tên lửa bao gồm thiết bị dẫn đường quán tính (INS) và đầu dò ra đa AESA bằng tần X sử dụng cho giai đoạn cuối. Tên lửa có khả năng chống ECM đồng thời cũng được trang bị gói thiết bị đối kháng điện tử (ECCM). Mặc dù có ít thông tin tiết lộ, Đài Loan cũng đã triển khai ít nhất 2 tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ. Đo địa hình đảo Đài Loan có 2/3 là địa hình đồi núi và rừng rậm nên rất phù hợp với các chiến dịch phòng thủ, các tổ hợp được triển khai sẽ bao trùm toàn bộ bờ biển Đài Loan tại những vị trí có khả năng che giấu tốt. Tương tự như Đài Loan, Nhật Bản đã triển khai tổ hợp ASCM dưới âm Type-12 do Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi phát triển, tổ hợp này đáp ứng nhu cầu cần trang bị các hệ thống phòng thủ bờ trên các đảo nhỏ, biệt lập của Nhật Bản như Ishigaki, Iriomote, Kyushu, Miyako hoặc Yonaguni, đây là các đảo gần với Senkaku và đóng vai trò như một ô bảo vệ cho Senkaku khi bị tấn công. Tên lửa Type-12 có hình dáng tương tự như tên lửa ASM Harpoon của Mỹ, có khối lượng 700 kg, sử dụng đầu đạn nổ phá mạnh (HE) nặng 225 kg. Hệ thống dẫn đường trên tên lửa gồm hệ thống  INS, hệ thống tham chiếu địa hình/đánh dấu (TERCOM) và các cảm biến hồng ngoại. Hệ thống tên lửa Type-12 được bố trí trên các khung gầm xe tải, mỗi khung gầm xe tải mang theo mô đun gồm 6 ống phóng. Cho dù hiện nạy các tính năng chiến kỹ thuật của hệ thống này còn hạn chế nhưng ít nhất Nhật Bản đã trang bị từ 8 đến 9 tổ hợp.

Khu vực biển Baltic và Biển Đen

Đây là hai khu vực khá nhỏ nhưng có nhiều điểm giao cắt,với sự hiện diện của nhiều quốc gia khác nhau, tồn tại những vấn đề bất ổn về an ninh. Ở đây, sự đối lập và cùng tồn tại với Nga đã trở thành hiện tượng bình thường, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tại Ucraina, thời điểm cho thấy sự căng thẳng và nỗ lực xây dựng năng lực quân sự của các quốc gia trong khu vực này lên tới đỉnh điểm. NATO, Tổ chức mối đe dọa an ninh tập thể (CSTO) và các quốc gia không phải là đồng minh với nhau đều bị lôi kéo vào các vấn đề vướng mắc tới đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải của mình đề phòng trường hợp có thể bị gián đoạn.

Cách tiếp cận của Nga tại khu vực này là thiết lập hệ thống chống xâm nhập/phong tỏa khu vực (A2/AD) nhiều lớp, với nhiều hệ thống ASM khác nhau, trong đó hệ thống ASCM K-300P/S Bastion P (tên định danh NATO là SS-C-5) đóng vai trò là hệ thống phòng thủ xương sống trong năng lực chống tàu của Nga tại Biển Đen và Syri. Nga đã triển khai ít nhất 6 tổ hợp tên lửa bờ cơ động (phiên bản P) và phiên bản cố định bố trí trong các giếng phóng (phiên bản S) tại bán đảo Crime trong biên chế của sư đoàn pháo bờ biển Object 100 Sotka. Mỗi tổ hợp thường bao gồm các xe chỉ huy và điều khiển, 8 xe vận chuyển mang phóng TEL, mỗi xe mang 2 tên lửa và 8 xe chuyên chở và nạp đạn. Tổ hợp K-300P/S sử dụng tên lửa P-800 Oniks (SS-N-26) trang bị động cơ phản lực có tốc độ bay vượt âm 2,5 M. Phiên bản tên lửa nội địa của Nga có tầm bắn theo công bố là 300 km, nhưng thực tế lên tới 600 km. Tên lửa nặng 3.000 kg, trang bị đầu đạn bán xuyên giáp nặng 250 kg. Phiên bản này sử dụng đầu dò ra đa thụ động/chủ động và hệ thống dẫn đường quán tính giai đoạn giữa quỹ đạo bay để tấn công mục tiêu trong chế độ giao chiến OTH.

Để tiêu diệt các mục tiêu gần bờ hoặc nhỏ hơn, nhiệm vụ này thường được giao cho các tổ hợp tên lửa bờ Bal-E (SSC-6) được phát triển dựa trên loại tên lửa ASCM dưới âm Kh-35E. Nga đã triển khai 6 tổ hợp, mỗi tổ hợp gồm hai xe chỉ huy, điều khiển và thông tin (C3), bốn xe bệ phóng, mỗi xe gồm 8 ống phóng, 4 xe chuyên chở và nạp đạn. Tên lửa Kh-35E nặng 670 kg, sử dụng đầu đạn mảnh văng nổ phá mạnh nặng 145 kg, tầm bắn tối đa 260 km. Tên lửa Kh-35E đôi khi còn được phương Tây gọi là Harpoonsky, được trang bị một hệ thống dẫn đường quán tính hoặc vệ tinh sử dụng cho dẫn đường giai đoạn đầu và đầu dò ra đa thụ động/chủ động để hoạt động trong chế độ bay sát mặt biển tiếp cận diệt mục tiêu. Các tổ hợp Bal-E hiện nay cũng đang được trang bị cho một số quốc gia khác như Azerbaijan, Việt Nam và Venezuela.

Các quốc gia châu Âu và NATO tại khu vực Baltic cũng đang từng bước đối phó với sự tăng cường sức mạnh quân sự của Nga tại đây. Hầu hết các quốc gia này đều trang bị các tên lửa NSM của Kongsberg và RBS-15Mk.2/3 của Saab, đây đều là các tên lửa chống tàu cận âm, bay sát mặt biển với tầm bắn trên 200 km. Mặc dù tầm bắn của các tên lửa này ngắn hơn các tên lửa của Nga nhưng ba tổ hợp bố trí tại Estonia, Latvia và Ba Lan đều có tầm bắn bao trùm toàn bộ biển Baltic, còn Phần Lan và Thụy Điển đã sử dụng các tổ hợp này để triển khai bảo vệ các khu vực nhạy cảm tại Vịnh Bothnia. Tương tự, ba tổ hợp của NATO bố trí tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Rumani đều cũng đủ khả năng uy hiếp hải quân đối phương tại khu vực tây nam Biển Đen, bao gồm cả eo biển Bosphorus. Vì lý do này, mối quan tâm tới các tổ hợp tên lửa bờ của các quốc gia xung quanh Biển Đen đang ngày càng tăng và gần đây, một số tổ hợp mới đã được triển khai trang bị.

Tên lửa RBS-15 Mk.2/3 là một tên lửa ASCM phóng-quyên dẫn đường bằng GPS/INS đi kèm với đầu dò ra đa chủ động băng tần Ku. Tên lửa nặng 800 kg, mang theo đầu đạn mảnh văng HE nặng 200 kg. Mỗi tổ hợp RBS-15 Mk.3 bao gồm 3 xe bệ phóng, mỗi xe mang theo 4 ống phóng, 3 xe chuyển chở và nạp đạn, các xe chỉ huy điều khiển và hỗ trợ hậu cần. Thụy Điển đã triển khai ít nhất hai tổ hợp tên lửa RBS-15 Mk.3, Phần Lan triển khai 4 tổ hợp RBS-15 Mk.2, Croatia triển khai 1 tổ hợp RBS-15 Mk.2. Hiện tại, Saab đang phát triển thế hệ tiếp theo của tên lửa RBS-15, các tên lửa thế hệ kế tiếp theo dương như sẽ có thân mang đặc tính tàng hình, đầu dò hai chế độ và những cải tiến khác.

NSM là một tên lửa chống tàu thế hệ 5 được phát triển với những tính năng tàng hình, nặng 410 kg, sử dụng đầu đạn mảnh văng HE 125 kg. Giai đoạn bay đầu tiên được dẫn đường bằng GPS/INS, sau đó tên lửa chuyển sang sử dụng các cảm biến thụ động để duy trì chế độ tàng hình, bao gồm một hệ thống tham chiếu địa hình  và một hệ thống dẫn đường tạo ảnh hồng ngoại. Ba Lan đã triển khai 2 tổ hợp NSM bao gồm 6 bệ phóng, mỗi bệ gồm 4 ống phóng, 6 xe vận chuyển và nạp đạn, 2 ra đa 3D, 3 xe chỉ huy và các phương tiện hỗ trợ khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới