Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐối thoại Chiến lược “2+2” lần thứ 4: Hàn Quốc và Australia...

Đối thoại Chiến lược “2+2” lần thứ 4: Hàn Quốc và Australia ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông

Hội nghị bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng (Đối thoại Chiến “2+2”) giữa Hàn Quốc và Australia lần thứ 4 diễn ra tại thành phố Sydney hôm 12/12 đã ra Tuyên bố chung, trong đó hai bên đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình và ổn định ở vùng biển này.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng của Hàn Quốc và Australia họp báo sau đối thoại. (Nguồn: Yonhap)

Cuộc đối thoại lần này do Ngoại trưởng Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynold của Australia và Ngoại trưởng Kang Kyung-wha và Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong của Hàn Quốc đồng chủ trì, cùng nhiều quan chức khác của hai bên. Trong tuyên bố chung được công bố ngày 12/12, lãnh đạo hai nước đã thảo luận về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông; lợi ích chung của các nước ở vùng biển này theo luật pháp quốc tế. Các bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không, và sự cần thiết phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Liên quan đến các cuộc thảo luận đang diễn ra về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), các bộ trưởng Australia và Hàn Quốc kêu gọi cần có một COC phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế và củng cố cấu trúc khu vực bao trùm hiện có.

Bên cạnh đó, Tuyên bố chung nêu rõ Australia và Hàn Quốc có mối quan tâm chung trong việc thúc đẩy cấu trúc khu vực mạnh mẽ và kiên cường, bao gồm cả việc đối phó với các thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai bên nhắc lại cam kết mạnh mẽ của mình đối với vai trò trung tâm của ASEAN và cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt, đặc biệt là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Ngoài ra, các bộ trưởng hai nước hoan nghênh việc ASEAN thông qua Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quyết định hỗ trợ việc thực hiện. Đồng thời, các bộ trưởng cũng hoan nghênh việc thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á về hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia (4/11) và Tuyên bố của Diễn đàn Khu vực ASEAN về thúc đẩy Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh (2/8) được Australia và Hàn Quốc đồng bảo trợ.

Biển Đông trong thời gian qua luôn được các nước như Hàn Quốc và Australia đặc biệt quan tâm do các nước đều có chung lợi ích tại vùng biển này. Đây là vùng biển nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Là 5 trong 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến biển Đông và được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có 2 cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Kông. Đây cũng là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (đó là Malacca, Lombok, Sunda, Ombai – Wetar). Đặc biệt, eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới, chỉ sau eo biển Hormuz.

Đối với Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Pyne từng tuyên bố các hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ làm gia tăng sự quan ngại về ý đồ trỗi dậy của Bắc Kinh trong khu vực; cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và gia tăng quan ngại, đồng thời kêu gọi Trung Quốc xem xét lại cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne cho biết việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế sẽ giúp xây dựng lòng tin rằng Trung Quốc ủng hộ và đề cao văn hóa chiến lược, trong đó tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia khác. Theo ông Pyne, những cường quốc càng lớn mạnh càng phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm, do vậy Trung Quốc nên hành xử với trách nhiệm lớn tại Biển Đông. Ngoài ra, Bộ trưởng Pyne nhấn mạnh “việc xây dựng và quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông không làm gia tăng lòng tin trong khu vực về ý đồ chiến lược của Trung Quốc, thay vào đó càng làm gia tăng sự lo lắng”; cho biết Australia “không có ý định kiềm chế Trung Quốc”, tuy nhiên Australia “quan tâm tới việc can dự và khuyến khích Trung Quốc triển khai sức mạnh theo hướng gia tăng lòng tin và sự tin cậy trong khu vực” và Australia sẵn sàng tiến hành các hoạt động đa phương trên Biển Đông để chứng minh rằng đó là vùng biển quốc tế.

Đối với Hàn Quốc, ổn định của Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Seoul, do Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc, trong đó việc tăng cường đầu tư vào các quốc gia ASEAN sẽ thúc đẩy được sự hợp tác kinh tế giữa hai bên, đồng thời sẽ tăng cường được tầm ảnh hưởng của Hàn Quốc đối với các quốc gia khu vực ASEAN. Đây cũng là một phần trong “Chính sách phương Nam mới” của Hàn Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng hơn nữa ra khu vực và trên thế giới vốn được Hàn Quốc theo đuổi từ cuối những năm 1980. Với những lợi ích, cơ hội và nghĩa vụ trong việc gìn giữ sự ổn định của khu vực, Hàn Quốc đã đóng vai trò nhất định trong vấn đề Biển Đông, thông qua việc góp tiếng nói trong các nỗ lực chung của quốc tế để giải quyết các tranh chấp và giảm bớt căng thẳng. Giới chuyên gia cho rằng trong chiến lược phát triển chung của mình, Hàn Quốc tin rằng cách tốt nhất để duy trì hoà bình, hợp tác ở khu vực là tìm thấy quyền lợi chung, tham gia vào các cuộc đối thoại và tin tưởng xây dựng mối quan hệ với các quốc gia hơn là việc chia rẽ. Đồng thời nhu cầu giảm thiểu sự nghi ngờ và phê phán lẫn nhau từ cả hai bên là rất lớn. Trên cơ sở đó, Hàn Quốc đã đưa ra những chính sách và quan điểm của mình tại Biển Đông. Trong các tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã lên tiếng ủng hộ thực thi COC mặc dù sự thể hiện ủng hộ này còn mang tính chung chung, nếu không nói là khá “kiệm lời” so với phát biểu nhiều phê bình và chỉ trích của các quốc gia khác về các tác nhân đang làm thay đổi thực trạng hiện có của khu vực. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã công khai ủng hộ DOC và cả việc cần xúc tiến đàm phán và kết thúc COC. Dựa trên sự ủng hội này, những hành động thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hay đơn phương khiêu khích làm phức tạp hơn tình hình tranh chấp cần được Hàn Quốc phản đối, cả đa phương, lẫn song phương, cả công khai, lẫn trong các trao đổi nội bộ với các nước liên quan. Kết quả Đối thoại Chiến lược “2+2” lần thứ 4 giữa Hàn Quốc và Australia với việc ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông cho thấy trong thời gian tới, hai nước sẽ tiếp tục quan tâm đặc biệt đến khu vực này.

RELATED ARTICLES

Tin mới