Mặc dù không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng với vai trò là một nước thành viên ASEAN, thời gian qua Myanmar đã có sự tham gia nhất định trong vấn đề này.
Thứ nhất, lãnh đạo cấp cao và chính phủ Myanmar bày tỏ ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông qua việc ghi nhận và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, ủng hộ Việt Nam tham gia ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Thứ hai, với tư cách là thành viên ASEAN, mặc dù không có các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng Myanmar cũng đã tích cực đóng góp vào những nỗ lực chung cùng các nước giải quyết vấn đề này. Tại các Hội nghị thượng đỉnh, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ Quốc phòng… của ASEAN, Myanmar đã cũng các nước nhiều lần khẳng định sẽ phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực, cùng đóng góp để đạt được tiến triển trong đàm phán COC, nỗ lực thực hiện đầy đủ DOC và phấn đấu xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Thứ ba, Myanmar cũng tích cực tham gia các hoạt động quốc phòng, an ninh giữa các nước nhằm thúc đẩy đối thoại, hợp tác ở Biển Đông. Cuộc tập trận chung trên biển đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN bắt đầu hôm 02/9/2019, ở khu vực ngoài khơi Vịnh Thái Lan và mở rộng cho tới khu vực Cà Mau của Việt Nam. Quân đội Myanmar đã triển khai lực lượng tham gia các hoạt động trong khuôn khổ cuộc tập trận này. Trước đó, Myanmar cũng cử lực lượng tham gia cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và ASEAN hồi tháng 10/2018, ở khu vực ngoài khơi Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trong cuộc tập trận Trạm Giang, toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN tham gia cùng Trung Quốc. Có tổng số tám tàu, ba trực thăng và hơn 1.200 người tham dự.
Thứ tư, Myanmar cùng với các nước đã đưa ra quan điểm, lập trường của ASEAN về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và các nước. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra tại Bangkok vào tháng 6/2019, ASEAN đã thông qua quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Trong đó, sự thay đổi danh pháp này phù hợp và gắn liền với nguyên tắc lấy ASEAN làm trung tâm thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn đầu, dựa trên đối thoại và hợp tác, và nhằm mục tiêu xây dựng trật tự khu vực cởi mở và bao trùm. AOIP nhấn mạnh sự hợp tác chú trọng vào kinh tế trong khi tránh xa sự cạnh tranh chiến lược. Cách tiếp cận theo hướng phát triển này cho rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không hẳn là một hiện tượng xuất phát từ động cơ an ninh mà phần nhiều là một khái niệm liên quan đến kinh tế và sự kết nối. AOIP tìm cách tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh các luận điệu cạnh tranh của các nước lớn về cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang nổi lên. Văn kiện này đưa ra một kịch bản chung cho các nước thành viên ASEAN để đối phó với những sức ép từ bên ngoài buộc họ phải có một lập trường về “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. AOIP gần như không tác động đến các quan điểm chiến lược của các nước lớn và sự cạnh tranh chiến lược đang trở nên căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.