Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaÂm mưu và các bước “độc chiếm” Biển Đông phi pháp của...

Âm mưu và các bước “độc chiếm” Biển Đông phi pháp của TQ

Bản chất tranh chấp và căng thẳng ở Biển Đông là do tìm mọi cách xâm chiếm biển đảo các nước nhằm từng bước triển khai các ý đồ chiến lược trong vùng biển này. Hành động trên của Bắc Kinh đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những hậu quả khó lường đối với hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Trung Quốc muốn gì ở Biển Đông

Là một cường quốc về kinh tế, quân sự, song Trung Quốc đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức lớn đe dọa ổn định và phát triển của đất nước. Để tạo bước đột phá chiến lược, vượt qua những khó khăn thách thức trên, Trung Quốc chỉ còn một biện pháp duy nhất là phát triển thành cường quốc biển, tạo đột phá về kinh tế biển. Tuy nhiên, lại không may cho Trung Quốc, tất cả các hướng ra biển của nước này đang bị các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… án ngữ, bao vây. Do đó, để đi ra bên ngoài, Trung Quốc chỉ còn một cách duy nhất là đánh chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc. Nhìn một cách toàn diện, âm mưu của Trung Quốc đối với Biển Đông có một số điểm sau:

Đầu tiên, Trung Quốc muốn độc chiếm khu vực địa-chiến lược ở Biển Đông. Việc nắm quyền kiểm soát vùng biển này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc phá vỡ thế bao vây của các nước trên biển. Đây là lý do chính của việc Trung Quốc nhất quyết muốn biến Biển Đông thành một khu vực bất khả xâm phạm nhằm thực hiện những mưu đồ chiến lược quân sự của Bắc Kinh. Ngoài ra, thông qua việc kiểm soát khu vực này, Trung Quốc sẽ bố trí tàu ngầm chiến lược đến các vị trí nằm có thể sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tấn công tới Mỹ. Hiện quan hệ giữa hai nước chủ yếu vẫn là ngờ vực ngay cả khi cả hai đang cố gắng hết sức để duy trì đối thoại, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng, nhằm tránh những sự cố có thể biến thành xung đột; Trung Quốc luôn coi Mỹ là một kẻ thù tiềm tàng, ngược lại Mỹ cũng không hề tin tưởng vào những hành xử hòa bình của Trung Quốc trong tương lai.

Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi về mặt chiến lược để thống nhất với Đài Loan. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là lợi ích cốt lõi và là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Chính vì vậy, Bắc Kinh đang củng cố và triển khai tổng hợp các biện pháp (từ quân sự, ngoại giao, kinh tế, chính trị…) để có thể thống nhất với Đài Loan khi thời cơ đến. Không những vậy, Đài Loan còn có vị trí địa chiến lược quan trọng, nó là nới giao nhau giữa Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trung Quốc muốn rời một trong hai vùng biển này để tiến ra Thái Bình Dương đều phải đi qua các eo biển khác ngang qua các đảo rải rác trong khu vực. Trong số này, một số eo biển khá rộng, như Eo biển Okinawa-Miyako rộng khoảng 150 dặm. Tuy nhiên phần lớn các eo biển đều hẹp. Do đó trong thời gian khủng hoảng hoặc chiến tranh, tất cả các lối đi này đều dễ dàng bị chặn hoặc mai phục nếu có đủ số lượng tàu ngầm và các phương tiện hải quân khác. Đây là vấn đề hải quân Trung Quốc đang phải đối mặt khi muốn tiến ra đại dương. Trong thời bình, lực lượng hải quân Trung Quốc không thể di chuyển mà không bị phát hiện khi đi qua các chuỗi đảo nhỏ này. Trên thực tế, việc thống nhất Đài Loan còn sẽ giúp hải quân Trung Quốc có vùng lãnh hải an toàn thực sự bởi vùng nước của Đài Loan khi đó sẽ thuộc toàn quyền kiểm soát của Bắc Kinh: về phía Bắc Đài Loan vùng nước này kéo dài tới quần đảo Điếu Ngư, về phía Nam vùng nước bao trùm nửa Eo biển Bashi. Nhờ vậy Hải quân Trung Quốc có thể tự do đi lại trên Thái Bình Dương qua những vùng nước nay đã thuộc lãnh hải của Trung Quốc. Nếu những tuyến đường này được lưu thông tự do trong thời bình thì trong bối cảnh chiến tranh sẽ không ngăn được các lực lượng thù địch dùng chiến lược phong tỏa để cấm các phương tiện hải quân Trung Quốc ra vào các vùng nước tự do của Thái Bình Dương.

Thứ ba, âm mưu độc chiếm các nguồn tài nguyên, khoáng sản, hản sản ở Biển Đông cũng là một trong những mục đích quan trọng của Bắc Kinh để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5 – 2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7 – 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới. Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney – Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan … trong đó Indonesia là thành viên của OPEC. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 07 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 – 20 năm tới. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Chính tiềm năng dầu khí chưa được khai thác được coi là một nhân tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quanh hai quần đảo.

Các bước tiến hành của Trung Quốc

Đầu tiên, Trung Quốc cố tình vận dụng sai các quy định của luật pháp quốc tế nhằm tìm cách biện minh, xâm chiếm chủ quyền trên Biển Đông. Bằng cách tuyên bố chủ quyền dựa vào “đường chín đoạn”, Trung Quốc đang dựng lên một lý lẽ để bao biện cho những tham vọng của mình đối với khu vực. Trung Quốc áp dụng sai quy định về vẽ đường cơ sở thẳng cho quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam). Hành động này của Trung Quốc vừa vi phạm các quy định của UNCLOS (Điều 121 về quy chế các đảo) và vừa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).

Không những vậy, Trung Quốc tìm cách đánh lừa cộng đồng quốc tế về yêu sách chủ quyền theo “đường 9 đoạn”. Trung Quốc coi “đường 9 đoạn” là đường trung tuyến giữa phần lãnh thổ là đảo của Trung Quốc với các quốc gia tiếp giáp trên Biển Đông, coi khu vực trong “đường 9 đoạn” là vùng đặc quyền kinh tế hoặc lãnh hải của Bắc Kinh. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng coi khu vực này là “vùng nước lịch sử”, viện cớ rằng “đường 9 đoạn” đã tồn tại hơn sáu mươi năm và không quốc gia nào tỏ ý phản đối sự tồn tại của đường này kể từ khi Cục Địa lý thuộc Bộ Nội vụ, Cộng hòa Trung Hoa sau này, dưới sự lãnh đạo của Quốc Dân Đảng, in Bản đồ vị trí các đảo Biển Nam Trung Hoa (Nanhai zhudao weizhi tu) vào năm 1947. Trung Quốc cố tình vận dụng sai các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS để diễn giải, lừa bịp cộng đồng quốc tế về cái gọi là “chủ quyền hợp pháp” của Bắc Kinh ở Biển Đông nhằm: Cho phép Trung Quốc cấm hải quân nước ngoài đi vào khu vực biển này vì, trong trường hợp này phần biển trong “đường 9 đoạn” sẽ được coi là vùng lãnh hải của Trung Quốc; cấm hải quân nước ngoài đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, nhờ đó tàu ngầm, tàu chiến của Trung Quốc có thể hoạt động tự do ở Biển Đông; gia tăng khả năng kiểm soát tình hình eo biển Đài Loan; ngăn cản Mỹ và các nước đồng minh hiện diện quân sự ở Biển Đông.

Thứ hai, củng cố cơ sở pháp lý, hoàn thiện các quy định nội luật để tìm cách ngụy biện về chủ quyền. Nhằm phục vụ cho chiến lược “cường quốc biển”, song hành với việc hoàn thiện cơ cấu các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan chấp pháp trên biển, Trung Quốc còn ban hành nhiều chính sách và quy định liên quan đến từng lĩnh vực biển đảo cụ thể. Trong đó, chính sách biển đảo của Trung Quốc được thể hiện chủ yếu thông qua các văn bản sau: Quy hoạch, Cương yếu Quy hoạch; Kế hoạch 5 năm; Sách trắng. Chính sách, chiến lược biển của Trung Quốc sau đó đã được cụ thể hóa và trở thành kim chỉ nam cho các văn bản pháp luật về biển đảo của Trung Quốc trong gần 7 thập kỷ qua với các văn bản chính sau: Hiến pháp nước CHND Trung Hoa năm 1982, sửa đổi, bổ sung năm 1988, 1993, 1999 và 2004; Tuyên bố về lãnh hải của Chính phủ nước CHND Trung Hoa năm 1958; Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992; Quyết định của UBTV Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm 1996 về phê chuẩn Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS 1982); Tuyên bố về đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải CHND Trung Hoa năm 1996; Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước CHND Trung Hoa năm 1998; Luật Bảo vệ hải đảo nước CHND Trung Hoa năm 2009; Luật về Quản lý các vùng biển của nước CHND Trung Hoa năm 2001; Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm (từ năm 1999 đến nay); Công hàm số CML/17 và CML/18 ngày 7/5/2009 gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc (kèm theo bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp)…

Thứ ba, thực hiện các bước điều chỉnh chiến lược về quốc phòng. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển lực lượng hải quân. Trung Quốc hiện có khoảng 700 tàu chiến các loại, trong đó có 02 tàu sân bay, 29 tàu tuần dương, 49 tàu khu trục, 34 tàu hộ vệ, 68 tàu ngầm tấn công và hơn 100 tàu tên lửa; đáng chú ý các tàu mặt nước lớn của Trung Quốc đều có khả năng triển khai tên lửa tấn công và một số chiếc có còn khả năng chiến khai cả vũ khí hạt nhân chiến thuật; một số tàu chiến của Trung Quốc được đánh giá là có tính năng ưu việt so với mặt bằng chung của các nước, như: Tàu khu trục lớn nhất châu Á Type 055; tàu đổ bộ Type 071 (dài 210 m và độ choán nước 25.000 tấn); 4 tàu ngầm hạt nhân Type 094 lớp Tấn (lượng giãn nước 11.000 tấn) là khả năng tấn công hạt nhân, mỗi tàu được trang bị 12 tên lửa đạn đạo JL-2 và tên lửa chống tàu. Không quân của Hải quân Trung Quốc có 346 máy bay (đứng thứ hai trên thế giới về số lượng, đứng sau Mỹ). Hiện lực lượng này có khoảng 30 máy bay ném bom chiến lược Tây An H-6, có khả năng mang được tên lửa hành trình chống tàu mặt nước tốc độ cận âm; 8 máy bay cảnh báo sớm KJ-200, 5 máy bayY-8 ELINT được trang bị các khí tài trinh sát điện tử, 3 máy bay bay tuần tra chống ngầm tầm xa Y-8MPA trang bị các hệ thống radar trinh sát mặt nước, hệ thống định vị thủy âm tìm kiếm tàu ngầm, 32 máy bay vận tải hạng trung Y-8 (có thể chở 96 lính thường hoặc 82 lính dù hoặc 20 tấn hàng hóa); 20 máy bay J-15, 20 máy bay chiến đấu J-10, 24 máy bay chiến đấu Su-30MK2, 24 máy bay chiến đấuJ-11BH,120 máy bay chiến đấu JH-7 và JH-7A; 48 máy bay J-8II, 35 máy bay J-7D/E (loại cũ, tính năng hạn chế, sản xuất từ những năm 1970); 26 trực thăng vận tải kiêm nhiệm vụ tuần tra biển Z-8… Ngoài ra, Trung Quốc hiện có tàu sân bay Liêu Ninh mới được đưa vào sử dụng từ năm 2012 và mới hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên. Hiện nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đang sử dụng một tàu khu trục Type-052D, 2 tàu khu trục Type-052C, 2 tàu hộ vệ tên lửa Type-054, 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, một tàu hộ tống Type-056 và tàu cung cấp Type-903. Tàu Liêu Ninh hiện mới được trang bị phi đội 24 máy bay chiến đấu J-15.

Không những vậy, Trung Quốc tăng cường tập trận, tuần tra phi pháp trong khu vực. Trong những lần tập trận này, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng thấy, huy động các thiết bị điện tử chặn sóng radar, tên lửa hạm đối không HQ-9B, tên lửa chống hạm (ACBM) YJ-12B, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích J-11, pháp cao xạ, radar… đến các đảo đang tranh chấp trong khu vực. Với việc làm này, Trung Quốc bất chấp sự quan ngại, phản đối của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, từng bước thực hiện âm mưu thôn tính Biển Đông.

Thứ tư, cải tạo phi pháp các thực thể chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, biến chúng thành các căn cứ quân sự tiền tiêu. Tại quần đảo Hoàng Sa, lợi dụng tình trạng kiểm soát trên thực tế toàn bộ quần đảo này. Trung Quốc đã tiến hành rất nhiều hoạt động quân sự phi pháp như xây đường băng trên đảo Phú Lâm có chiều dài 2.000m và sau đó là điều máy bay chiến đấu, bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm; xây dựng trái phép căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa. Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hoạt động đáng chú ý nhất là kể từ năm 2014 Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng và cải tạo đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Xu Bi. Cụ thể: Đá Tư Nghĩa: Trung Quốc cải tạo Đá Tư Nghĩa thành khu vực rộng 62.710m2; xây dựng kiên cố nhiều công trình như các công sự ven biển, bốn pháo phòng thủ, cầu cảng, cơ sở quân sự đa cấp, trạm radar, bãi đáp trực thăng, hải đăng. Đá Ga Ven: Trung Quốc đã xây dựng tại phía Tây đá Ga Ven một bãi lớn bằng bê tông, một bến tàu cùng nhiều ụ súng, radar và các thiết bị thông tin liên lạc khác. Từ khoảng thời gian giữa tháng 4 và tháng 8/2014, Trung Quốc đã đào một kênh tại trung tâm của đá Ga Ven để lấy đất bồi thành một hòn đảo hình chữ nhật với kích thước xấp xỉ 300m x 250m. Phần mở rộng có diện tích 114.000m2, tính đến ngày 19/3/2015. Trên đá này, Trung Quốc xây dựng kênh tiếp cận, bệ súng phòng không, thiết bị liên lạc, tháp phòng thủ, cơ sở quân sự, bãi đáp trực thăng và đê chắn sóng. Đá Gạc Ma: Ban đầu, các công trình xây dựng của Trung Quốc tại Gạc Ma chỉ là vài kết cấu hình “bát giác” xây trên cọc gỗ. Đến năm 1989, tại đây đã xuất hiện thêm hai tháp xi măng tròn, một ngôi nhà hai tầng cũng bằng xi măng, một ăng ten liên lạc vệ tinh cao 2,5m và liền kế bên một cột ăng-ten cao 2,4m. Đến thời điểm đầu năm 2013, các công trình nhân tạo trên đá Gạc Ma chỉ là một bãi nhỏ bằng bê tông được trang bị một số phương tiện thông tin liên lạc UHF/VHF, trạm radar, súng phòng không cùng với một bến tàu. Từ cuối năm 2013, các hình ảnh vệ tinh đã cho thấy sự hiện diện của tàu Tian Jing Hao tại khu vực đá Gạc Ma, mở đầu cho các hoạt động biến đá Gạc Ma này thành đảo nhân tạo. Đá Gạc Ma có diện tích xây dựng năm 2012 khoảng 4.128m2, nay Trung Quốc đã xây dựng lên 10,9ha (109.000m2), bao gồm sáu công trình khác nhau với một khu vực cảng. Đảo này sẽ trở thành khu căn cứ quân sự tổng hợp, có thể đốn các tàu tải trọng lên tới trên 5.000 tấn, có đường băng dài 1,6km đủ cất và hạ cánh các loại máy bay chiến đầu. Đá Chữ Thập: Trước năm 2014, trên đá Chữ Thập chỉ có một trạm đồn trú của lính thủy đánh bộ của Trung Quốc, cũng với một số thiết bị radar giám sát, một nhà trồng rau, một sân bay trực thăng, một số bệ súng và pháo cùng hệ thống súng phóng lựu chống biệt kích DP-65. Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động cải tạo đảo tại đây từ tháng 8/2014. Ảnh vệ tinh tháng 6/2015 cho thấy, phần diện tích được Trung Quốc cải tạo trên đá Chữ Thập đã lên tới 2,79km2 (2.790.000m2), trở thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa. Nơi đây, sẽ trở thành một căn cứ hải lục, không quân hoàn chỉnh của Trung Quốc. Đá Châu Viên: Trước năm 2013, các công trình nhân tạo được Trung Quốc xây dựng trên đá Châu Viên chỉ bao gồm căn cứ và một hệ thống khí tài được gia cố có khả năng chịu được sức gió lên đến 130 km/giờ. Căn cứ này có thể sử dụng làm nơi neo đậu cho các tàu tuần tra cỡ nhỏ của Trung Quốc. Ngày 13/9/2014, truyền thông nhà nước của Trung Quốc công bố hình ảnh chụp các công trình được xây dựng trên đá Châu Viên tương tự như những gì Trung Quốc xây dựng trên đá Gạc Ma. Diện tích phần cải tạo trên đá Châu Viên được mở rộng tới 119.711m2, tính đến ngày 14/3/2015. Những công trình xuất hiện tại đây gồm kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng-ten liên lạc vệ tinh, radar. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, nhiều công trình vẫn đang tiếp tục được xây dựng. Đá Xu Bi: Trước đây, Trung Quốc đã cho xây dựng một bãi đáp trực thăng, một đồn gác nhỏ làm bằng bê tông để quân đội luân phiên đóng dân tàu hải quân tiến vào vùng biển bên trong. Đến tháng 5/2012, Trung Quốc cho xây thêm một radar hình vòm đặt trên đỉnh của tòa nhà bốn tầng được xây kiên cố tại đây. Phần đất cải tạo trên đảo được mở rộng đáng kể từ tháng 7/2014. Tới ngày 17/4/2015, hoạt động bồi đắp ở đá Xu Bi đã mở rộng lên tới 2,27km2 (2.270.000m2); truyền thông Trung Quốc đã khẳng định, kích thước của đá Xu Bi đã tăng thêm 1,8km2 (1.800.000m2). Trung Quốc hiện đã xây dựng trên đá Xu Bi các công trình gồm có: kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quân sự và có khả năng Trung Quốc sẽ xây một đường băng dài khoảng 3.300m, có thể tiếp nhận được hầu hết các loại máy bay chiến đấu của lực lượng Trung Quốc. Đá Vành Khăn: Cho tới cuối năm 2014, các công trình nhân tạo duy nhất tại bãi đá này chỉ gồm một trạm gác, một đồn quân sự với các tàu chiến và các tàu tuần tra biển của Trung Quốc. Ngày 05/02/2015, Trung Quốc bắt đầu cho tàu nạo vét các đảo. Chỉ sau vài tháng, Trung Quốc đã biến đá Vành Khăn trở thành một đảo nhân tạo có diện tích 2,42 km2 (2.420.000m2), tính đến ngày 13/4/2015. Hiện Trung Quốc vẫn đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng đảo nhân tạo trên đá Vành Khăn, với sự hiện diện của tàu chiến đổ bộ, có khả năng chứa 500-800 quân tuần tra quanh đó.

Thứ năm, đưa ra Chiến lược “cường quốc biển” với nội đam bao phủ toàn bộ các lĩnh vực liên quan biển, nhằm tạo cơ sở, hành lang để Trung Quốc thôn tính Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng Chiến lược biển với bốn yếu tố cơ bản là: xác định việc mở rộng quản lý biển là hạt nhân của chiến lược chính trị biển; khẳng định việc xây dựng chiến lược cường quốc biển là hạt nhân của chiến lược phát triển kinh tế biển; xác định an ninh biển và an ninh quốc gia là vấn đề trọng tâm trong chiến lược phòng vệ biển; khẳng định và coi trọng việc sử dụng kỹ thuật cao kết hợp với kỹ thuật thông thường trong chiến lược khoa học – kỹ thuật biển. Trong đó có một số nét nổi bật: (1) Mục tiêu của Trung Quốc là phấn đấu đến năm 2050 vươn lên trở thành siêu cường thế giới ngang hàng với Mỹ trên cơ sở ‘cải cách, mở cửa’ và ‘trỗi dậy hòa bình’. Trung Quốc cho rằng thời gian từ nay đến năm 2020 là cơ hội tốt nhất cho Trung Quốc phát triển. Vì vậy, xu thế chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những năm tới là cố gắng giải quyết các mâu thuẫn bên trong và bên ngoài một cách hài hòa, tránh các biện pháp cực đoan, không đối đầu với Mỹ, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, duy trì môi trường hòa bình, hữu nghị. (2) Trung Quốc bắt đầu xây dựng và triển khai chiến lược biển mới, đẩy mạnh sự kiểm soát và khai thác các vùng biển gần và vươn ra các đại dương. (3) Trung Quốc chủ trương “khai thác biển xa trước, biển gần sau, biển có tranh chấp trước, biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sau”, “ngoại giao đi trước, hải quân đi sau”; phân hóa, chia rẽ ASEAN, tranh thủ và hạn chế Mỹ, Nhật Bản. (4) Trung Quốc chủ trương lấy giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương trực tiếp với các nước liên quan, tập trung đẩy mạnh khai thác cạn kiệt tài nguyên, khoáng sản ở Biển Đông.

Nhìn chung, về bản chất, Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông nhằm chiếm trọn khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng và nguồn tài nguyên phong phú phục vụ phát triển trong nước. Để đạt được âm mưu trên, Trung Quốc đã, đang và sẽ không từ bất kỳ thủ đoạn nào, dù cho thủ đoạn đó vi phạm luật pháp quốc tế và bị cộng đồng quốc tế lên án. Hành động này của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả các nước có lợi ích hợp pháp ở Biển Đông, cần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ ngăn chặn các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới