Tuesday, November 12, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaAustralia - Indonesia cảnh báo về hoạt động quân sự hóa phi...

Australia – Indonesia cảnh báo về hoạt động quân sự hóa phi pháp của TQ ở Biển Đông

Tại cuộc họp thường niên 2+2 giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước Australia và Indonesia ở Bali, Indonesia, hai nước đã ra Tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về diễn biến tình hình Biển Đông.

Tuyên bố nhấn mạnh Australia và Indonesia đã cùng bày tỏ “những quan ngại sâu sắc” về tình trạng Biển Đông, cảnh báo về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp này, nhấn mạnh mối lo lắng hiện nay của khu vực về những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của nước này tại Biển Đông, đồng thời hối thúc tôn trọng luật pháp quốc tế.   Tuyên bố nêu rõ các bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến ở Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực này.

Tuyên bố cũng đề cập tới “quan ngại đối với hoạt động quân sự hóa liên tục của Trung Quốc tại những thực thể tranh chấp”, đồng thời kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền tránh những hành động có nguy cơ làm leo thang căng thẳng. Các bộ trưởng cũng cho biết một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) phải “thiết thực” và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong những năm gần đây, quan hệ song phương giữa Australia và Indonesia không ngừng được củng cố và cải thiện. Trong năm 2019, hai nước đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện nhằm nâng tầm quan hệ song phương. Thỏa thuận sẽ giúp các nông dân chăn nuôi gia súc Australia có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường 260 triệu dân của Indonesia, trong khi các trường đại học Australia hay các nhà cung cấp y tế cũng sẽ được hưởng lợi nhờ dễ dàng tiếp cận nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này. Ở chiều ngược lại, hoạt động của các doanh nghiệp Indonesia trong các ngành dệt may, máy móc tự động, xuất khẩu gỗ, hàng điện tử và dược phẩm dự kiến được thúc đẩy nhờ thị trường Australia rộng mở hơn đối với nước này. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 11,7 tỷ USD năm 2017 và Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Australia.

Sách trắng về Chính sách đối ngoại (Foreign Policy White Paper) Australia năm 2017, được công bố lần đầu tiên sau 14 năm, khẳng định Indonesia là đối tác quan trọng đối với Australia trong tầm nhìn cân bằng lợi ích và ảnh hưởng của Australia tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific), Indonesia cũng được Australia đánh giá là quốc gia chủ chốt tại Đông Nam Á[2]. Với tư cách là hai trung cường (middle-power) cùng thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), Australia và Indonesia chia sẻ những đường hướng của nền ngoại giao trung cường với sự ưu tiên cho ngoại giao kênh II và (Track II diplomacy) và nền ngoại giao đa phương năng động.

Là một trong những thành viên đầu tiên của ASEAN, Indonesia, với uy tín và tầm nhìn tiến bộ, đã được kiểm nghiệm qua lịch sử. Việc chính quyền mới tiếp tục xem trọng mối quan hệ với Indonesia phản ánh rằng Australia tin tưởng khả năng Indonesia, trong tương lai sẽ hội đủ tiềm năng để đóng vai trò trụ cột và tiền tiêu trong ASEAN, và nhờ đó giúp thúc đẩy sự hiện diện và nâng cao vai trò của Australia tại Đông Nam Á. Trong lịch sử, khu vực địa lý phía Bắc luôn là mối quan tâm thường trực của Australia. Quốc gia láng giềng của Australia là Indonesia cũng từng được xem như một mối đe dọa cho an ninh của Australia.

Quan hệ Australia – Indonesia từng xuống rất thấp khi Australia trong vai trò “tiên phong” đã dẫn đầu lực lượng quân sự của Liên Hợp Quốc can thiệp vào Đông Timor năm 1999. Chỉ đến vụ khủng bố tại Bali năm 2002 thì hai nước mới bước vào kỷ nguyên hợp tác chống khủng bố, vì hòa bình và an ninh khu vực; và những hỗ trợ khẩn cấp của Australia cho tỉnh Aceh (Indonesia), vùng bị thiệt hại nặng nhất trong trận đại sóng thần vào tháng 12/2004 đã giúp cải thiện mạnh mẽ quan hệ ngoại giao. Mặc dù những tranh cãi trong quan hệ hai nước vẫn tồn tại, nổi bật là các vấn đề như người tị nạn qua ngả Indonesia để vào Australia, Australia do thám ở Indonesia qua nghe lén điện thoại (2013), Indonesia chỉ trách chính sách tị nạn của Australia (2016), mâu thuẫn trong hợp tác quân sự (2017), nhưng việc Tổng thống Indonesia Joko Widodo hoan nghênh và khuyến khích Australia gia nhập ASEAN, mặc dù không khả thi vì nhiều lý do, nhưng là động thái quan trọng gửi gắm thông điệp rằng Indonesia đánh giá cao vai trò và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước.

Trong vấn đề Biển Đông, hợp tác quân sự Australia – Indonesia được tăng cường trong những năm gần đây, mà đề xuất tập trận giữa hải quân hai nước và các cuộc đối thoại quốc phòng là nổi bật, cũng giúp thúc đẩy quan hệ hai nước. Trong hai năm vừa qua (2016 và 2017), phía Indonesia đã đề xuất với Australia về việc cùng tập trận chung ở Biển Đông; dự định này sau đó đã bỏ ngỏ vì phía Australia lo ngại kích động phản ứng từ phía Trung Quốc. Trong các đối thoại 2+2, gồm Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng 2 nước, cũng như tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), lãnh đạo hai nước thường xuyên bàn về nội dung thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Hợp tác quân sự Australia – Indonesia, được khôi phục vào tháng 2/2017, trải dài trên nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh biển. Đây là chỉ dấu cho những bước phát triển, dẫu rằng hai quốc gia vẫn cần nhiều quyết tâm chính trị và lòng tin trong hợp tác quân sự, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Trong thế kỷ XXI, với tầm nhìn hội nhập vào châu Á, Australia rất cần củng cố và phát triển quan hệ với Indonesia. Tầm quan trọng của Indonesia trong các vấn đề liên quan đến địa chính trị Đông Nam Á càng cung cấp nhiều chỉ dấu cho tầm quan trọng chiến lược trong quan hệ song phương. Trong ASEAN, Indonesia vẫn là quốc gia có quy mô dân số lớn nhất, cung cấp một thị trường rộng khắp và nguồn nhân lực dồi dào cho các công ty Australia. Indonesia nằm giữa hai đại dương lớn là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là vùng đệm chiến lược, có khả năng kết nối với hai cường quốc hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Indonesia còn án ngữ ba eo biển Malacca, Sunda và Lombok – giữ vai trò chi phối các tuyến đường hàng hải và dòng thương mại qua châu Á, đặc biệt là qua Biển Đông. Quan trọng nữa là, tầm nhìn của Indonesia đang phản ánh khát vọng hướng biển mạnh mẽ. Tháng 11-2014, Tổng thống Widodo đã công bố “Học thuyết Trục biển toàn cầu” (World Maritime Axis) như là kim chỉ nam cho chính sách phát triển quốc gia. Tầm nhìn này được phát triển với Chính sách biển (Indonesian Ocean Policy) công bố vào tháng 6/2017.

Tất cả các lợi thế này đã giúp Indonesia giành được sự quan tâm của các cường quốc, trên cơ sở đó, thúc đẩy quan hệ với Indonesia giúp Australia gia tăng sự hiện diện và ưu thế tại khu vực. Trong bối cảnh chính sách biển của Indonesia, về cơ bản là có thể chia sẻ và dung hòa với chính sách phát triển về phía biển của Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ thì Australia rất cần tranh thủ quan hệ với Indonesia, một bước đi để chia sẻ tầm nhìn với Indonesia nói riêng và các cường quốc nói chung. Chính sách đối ngoại độc lập, linh hoạt của Indonesia cũng có thể cung cấp nhiều giá trị tham khảo cho Australia.

Trong bối cảnh sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á, với nhiều tranh luận, là mang tính biểu tượng hơn là có tính chất hiệu quả trên thực tế, và quan trọng là, Trung Quốc đang khuếch trương ảnh hưởng tại khu vực, thì Indonesia có thể là quốc gia giúp neo giữ những lợi ích chiến lược của Australia tại khu vực. Trước các áp lực địa chính trị và địa kinh tế, bên cạnh Mỹ thì Australia cần một đồng minh chiến lược tại khu vực, Indonesia – quốc gia được các cường quốc xem trọng và các thành viên ASEAN đánh giá cao là đối tác không chỉ giúp Australia phát triển các liên kết kinh tế mà còn là đòn bẩy giúp Australia gia tăng vị thế tại Đông Nam Á. Xét về cả ba chiều kích là ngoại giao, kinh tế và quốc phòng thì Indonesia đều nổi bật trong số các quốc gia ASEAN, tạo thành lợi thế rất lớn cho chính sách sách đối ngoại của Australia dưới thời Thủ tướng Morrison, mặc dù vẫn cần thời gian để định hình và phát triển.

Quan hệ hai nước, vốn cần nhiều hoạt động cụ thể hơn là những bày tỏ trên phương diện ngoại giao, có thể được củng cố và mở rộng; xa hơn là giúp hàn gắn những tổn thương từng xảy ra, như là hệ quả của những sự cố đã làm căng thẳng quan hệ. Truyền thống của Australia, vốn nổi bật với sự năng động của các Ngoại trưởng, có thể tiếp tục được phát huy. Trong nội các mới, đáng chú ý là bà Marise Payne, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, giữ chức Ngoại trưởng sau khi bà Julie Bishop từ chức ngày 26/8 là nhân tố cần được chú ý. Sự năng động và tầm nhìn châu Á của cựu Ngoại trưởng Julie Bishop trong các hoạt động ngoại giao đa phương tại Đông Nam Á và tầm nhìn xem trọng quan hệ Australia – ASEAN có thể cung cấp nhiều tham chiếu cho Ngoại trưởng mới. Bên cạnh đó, những nhân vật chủ chốt trong nội các mới của Thủ tướng Morrison như Ngoại trưởng Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Pyne, Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham đều là những chính trị gia làm việc chăm chỉ và tiết độ. Khi được bổ nhiệm vào năm 2015, bà Marise Payne, nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Australia đã đặt ưu tiên xây dựng quan hệ với Indonesia, để hàn gắn những bất đồng trong quan hệ hai nước. Trong năm 2017, bà đã có chuyến công du đến các quốc gia Đông Nam Á để thúc đẩy các quan hệ quốc phòng. Tại Đối thoại Shangri-La 2018, bà Payne nhấn mạnh lập trường của Australia đối với vấn đề Biển Đông, đó là giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Những kinh nghiệm và thành quả trong quá khứ cho thấy bà Payne đã có những hiểu biết nhất định về quan hệ giữa Australia đối với Indonesia và Đông Nam Á. Trong khi đó, Christopher Pyne, trên cương vị Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng và Simon Birmingham, từng là Bộ trưởng Giáo dục Liên bang Australia dưới thời Thủ tướng Turnbull chưa bộc lộ quan điểm rõ nét đối với Đông Nam Á.

Vấn đề cần chú ý là bên cạnh thúc đẩy lợi ích quốc gia thì Australia cần quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của Indonesia. Các hoạt động giám sát để đảm bảo an ninh hàng hải xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia có thể là nội dung mà Australia cần chung tay để bày tỏ thiện chí và tạo cơ sở để phát triển quan hệ song phương. Giáo dục cũng là kênh mà Australia, vốn nổi bật như là quốc gia phát triển với nền giáo dục đẳng cấp thế giới, có thể phát triển nhân lực cho Indonesia và giúp quốc gia này gia tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng. Australia có thể tạo ra một mối quan hệ đối tác trung và dài hạn với các trường đại học Indonesia, tạo điều kiện để sinh viên Indonesia sang du học tại Australia và thiết lập các cơ sở giáo dục ở Indonesia. An ninh hàng hải và giáo dục có thể hình thành các yếu tố cốt lõi của quan hệ đối tác. Các nội dung này không chỉ bao hàm ý nghĩa kinh tế mà còn giữ tầm quan trọng chiến lược dài hạn trong quan hệ Australia – Indonesia.

RELATED ARTICLES

Tin mới