Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCác bước đi của TQ nhằm tạo ra một mạng lưới phòng...

Các bước đi của TQ nhằm tạo ra một mạng lưới phòng không, đạn đạo trên các thực thế chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông

Những năm qua, Trung Quốc đã từ âm thầm đến công khai triển khai, thiết lập các hệ thống, phương tiện, kỹ thuật công nghệ và khí tài quân sự ở Biển Đông nhằm tạo ra một sức răn đe về đạn đạo và phòng không ở Biển Đông, phục vụ cho việc theo đuổi và đạt được các “yêu sách chủ quyền” phí pháp.

Triển khai các hệ thống phóng tên lửa tự hành (TEL) và tên lửa chống tiếp cận ra các thực thể nhân tạo ở Biển Đông

Năm 2019, Bắc Kinh được cho là đã bố trí triển khai các xe phóng tên lửa tự hành (TEL) ra các thực thể nhân tạo bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, cụ thể ở đây có thể là đá Subi. Mục đích của việc đưa các tên lửa lên xe phóng là để sau khi khai hỏa có thể nhanh chóng rời trận địa và ẩn nấp, tăng độ sống sót nếu xảy ra chiến sự. Dù có diện tích lên tới 5,52km2, các phương tiện TEL gần như không có chỗ nấp trên đá Xu Bi và dễ trở thành mục tiêu bị tấn công phủ đầu ngay từ đầu nếu xảy ra chiến sự. Điều này hoàn toàn khác với đất liền, nơi các xe TEL có thể di chuyển trên các con đường và tỏa ra nhiều nơi để nấp trong các hầm ngầm, công sự bí mật.

Hồi năm 2018, các bức ảnh được ImageSat International (ISI) chụp cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt hai bệ phóng tên lửa mới ở bờ phía Bắc đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bên cạnh chúng là một hệ thống radar, tất cả đều được bao phủ bởi lưới ngụy trang. Phân tích của ISI đánh giá rằng nó tương tự hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đã được triển khai tại đảo Phú Lâm vào tháng 2/2016. Hệ thống này có tầm hoạt động khoảng 200 km, đặt ra mối đe dọa cho bất kỳ máy bay dân sự hay quân sự gần đó. Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tên lửa phòng không HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có thể là một bước đi nữa trong kế hoạch dài hơi của Bắc Kinh nhằm triển khai sức mạnh quân sự trên khắp Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Với “trò chơi tên lửa” đó, cuối cùng, các hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát trái phép trên Biển Đông sẽ được dùng cho chiến đấu cơ và các hoạt động trinh sát thường xuyên khác, trong đó có các chuyến tuần tra săn ngầm, đồng thời là nơi tiếp nhận một lượng lớn dân tái định cư, góp phần củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở vùng biển này. Quan trọng hơn, sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu, khí tài phòng không trên những hòn đảo này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tìm cách thực thi một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông, tương tự những gì họ đã làm trên biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013. Trung Quốc cũng được cho là đã triển khai hệ thống tên lửa chống hạm YJ-62 phi pháp tại đảo Phú Lâm. YJ-62 được thiết kế bởi Viện công nghệ cơ điện Haiying thuộc Tổng công ty công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC). Tên lửa dài 6,1 m, đường kính 0,54 m, trọng lượng 1,24 tấn, có thể tấn công cả mục tiêu trên mặt đất lẫn trên biển. Truyền thông Trung Quốc còn khẳng định tên lửa YJ-62 có khả năng tấn công các mục tiêu ở sâu trong đất liền với các đầu đạn được tăng trọng lượng lên 400 kg để nâng cao hiệu quả công phá.

Lần đầu tiên phóng thử tên lửa đất đối hạm ra Biển Đông

Vào tháng 7/2019, Trung Quốc đã lần đầu tiên tiến hành bắn thử ít nhất 6 quả tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) từ đất liền ra Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ lúc đó cho biết “điều đáng lo ngại thực sự là hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại chính các cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các thực thể này”. Đài NHK của Nhật Bản sau đó dẫn lời một sĩ quan giấu tên tiết lộ Trung Quốc đã bắn 6 tên lửa ASBM từ đất liền ra Biển Đông, nhắm trúng hai mục tiêu giả định trên biển. Mặc dù chi tiết về loại tên lửa được Trung Quốc phóng không được tiết lộ chính thức, song các nhà quan sát phân tích cho rằng đó là loại tên lửa DF-21D. Giới quan sát đồng ý cho rằng động thái của Trung Quốc là sự leo thang căng thẳng và mang tính dằn mặt chưa từng có. Thời điểm diễn ra vụ bắn thử có nhiều tàu chiến của hải quân Mỹ trên Biển Đông nhưng không có tàu nào nằm gần khu vực mục tiêu của Trung Quốc.

Thiết lập các lớp chống tiếp cận từ xa (rada, vệ tinh…) ở Biển Đông

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một trong số các đảo ở khu vực bắc Biển Đông bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và ưu tiên phát triển nhanh, đã được trang bị các tên lửa phòng không HQ-9 và chiến đấu cơ J-11 cũng như tiêm kích bom JH-7. Đây là các động thái đã được nhiều chuyên gia phân tích quốc phòng dự báo nhiều năm trước và có thể là dấu hiệu cho những bước quân sự hóa tiếp theo của Trung Quốc trên các tiền đồn phi pháp ở khắp Biển Đông. Trung Quốc được cho là đã lắp đặt trái phép một trạm radar mảng pha cao tần trên đá Châu Viên, một trong những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp nằm ở khu vực trung tâm phía Nam Biển Đông. Loại radar kiểu này được cho là có thể phát hiện máy bay và tàu thuyền từ khoảng cách xa vượt đường chân trời và trên lý thuyết có khả năng phát hiện một số máy bay tàng hình trong một số trường hợp nhất định. Sự xuất hiện của các loại radar cao tần hiện đại như vậy ngày càng chứng tỏ Trung Quốc đang tích cực triển khai chiến lược A2/AD ở Biển Đông, giới phân tích đánh giá. Các chuyên gia thuộc CSIS gọi những vùng kiểm soát của các vũ khí chống tiếp cận mà Trung Quốc triển khai đến Biển Đông là “các vòng tròn đe dọa”. Bên cạnh đó, Trung Quốc nhiều lần công khai về việc nước này thiết lập mạng lưới Bắc Đẩu Tinh dưới đáy biển hay phủ sóng các mạng 3G, 4G nhằm kết nối các hệ thống với nhau.

Bố trí lực lượng “dân quân biển” quanh các thực thế, núp danh dân sự

Lực lượng dân quân biển đóng vai trò lớn trong những hoạt động cưỡng ép để đạt các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu. Ngụy trang dưới vỏ bọc tàu cá, lực lượng này trở thành yếu tố quan trọng của chiến lược “vùng xám”, là mũi nhọn giúp Trung Quốc kiểm soát thực địa ở Biển Đông, biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp và gây lúng túng cho các nước trong việc phản ứng. “Lực lượng này vô cùng nguy hiểm không chỉ vì hành xử hung hăng đối với tàu các nước láng giềng mà còn vì họ không phải lực lượng chuyên nghiệp, không được huấn luyện cũng như không bị chế tài theo các quy định thông thường về va chạm trên biển mà các nước áp dụng cho lực lượng chiến đấu có vũ trang”. Trên lý thuyết, dân quân biển Trung Quốc là những ngư dân đã trải qua các khóa huấn luyện quân sự, vẫn làm công việc đánh bắt hàng ngày nhưng sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ của quân đội. Tuy nhiên, các học giả cho rằng đánh cá chỉ là vỏ bọc. Họ mang vỏ bọc các tàu đánh cá, nhưng các thông tin thu thập được cho thấy những con tàu này chẳng quan tâm gì đến đánh bắt, thậm chí họ còn không mang theo ngư cụ phù hợp. Những con tàu ‘thân xanh’ này chỉ thực hiện nhiệm vụ duy nhất là xâm chiếm các vùng biển đang có tranh chấp trên Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu kêu gọi chú ý đến lực lượng dân quân biển trong báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2017. Theo đó, Bắc Kinh đang sử dụng hạm đội tàu cá thương mại để thực thi áp đặt các yêu sách chủ quyền và thúc đẩy lợi ích theo hướng có tính toán ở dưới ngưỡng khơi mào xung đột quân sự. Đến năm 2019, trong báo cáo được công bố hồi tháng 6, Lầu Năm Góc gọi dân quân biển là “một bộ phận của dân quân toàn quốc Trung Quốc, một lực lượng dự bị vũ trang bao gồm dân thường sẵn sàng được huy động” và nhấn mạnh rằng lực lượng dân quân biển “đóng vai trò lớn trong các hoạt động cưỡng ép để đạt được các mục tiêu chính trị của Trung Quốc mà không cần chiến đấu”. Tàu cá “dân quân biển” có nhiệm vụ hỗ trợ phòng không và phỏng thủ đạn đạo. Nhiều vụ việc đã cho thấy ngư dân Trung Quốc được trang bị các loại vũ khí, công nghệ như laser thường chiếu vào máy bay các nước ở Biển Đông, gây nguy hiểm đáng kể.

RELATED ARTICLES

Tin mới