Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChủ tịch Hội đồng Liên bang Nga ủng hộ giải quyết tranh...

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là UNCLOS 1982

Phát biểu trong hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân tại Trụ sở Hội đồng Liên bang Nga, thủ đô Maxcova hôm 10/12, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko đã nhất trí ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là UNCLOS 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông; ủng hộ thực thi đầy đủ, nghiêm túc DOC và tiến tới sớm hoàn thiện COC.

Về quan hệ chính trị, ngoại giao

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Liên bang Nga ngày càng được củng cố và phát triển tốt đẹp. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Liên bang Nga, coi đây là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại, mong muốn thúc đẩy hợp tác Việt – Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, phát triển toàn diện, đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai nước. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đánh giá cao Việt Nam và Nga chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng trong các vấn đề quốc tế, khu vực, duy trì sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc; cảm ơn Nga ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cho rằng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã có bước chuyển biến tích cực kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2016. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 4,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2017; chín tháng năm 2019 đạt 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga vẫn còn nhiều tiềm năng mà có thể khai thác hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề nghị hai cơ quan nghị viện của hai nước thúc đẩy các cơ quan hữu quan của Nga và Việt Nam mở rộng cấp phép cho doanh nghiệp hai nước được xuất khẩu nông, thủy sản trên cơ sở có đi có lại, phù hợp với thỏa thuận song phương đạt được, tiến tới công nhận tương đương nông thủy sản của nhau, cũng như các mặt hàng khác. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hợp tác năng lượng, đặc biệt là lĩnh vực dầu khí là trụ cột quan trọng của hợp tác Việt – Nga.

Về quốc phòng, an ninh

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam bày tỏ hài lòng nhận thấy hợp tác trên các lĩnh vực như: quốc phòng, an ninh và kỹ thuật quân sự, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, du lịch và hợp tác giữa các địa phương hai nước phát triển năng động, thu được nhiều kết quả cụ thể. Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã có bước phát triển vượt bậc thời gian qua, với lượng du khách Nga đến Việt Nam và Việt Nam đến Nga đều tăng mạnh. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Quốc hội hai nước luôn ủng hộ và phối hợp chặt chẽ trên trường quốc tế, tích cực tham gia vào các diễn đàn đa phương do hai bên tổ chức. Trên cương vị Chủ tịch AIPA 41 vào năm 2020, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa ASEAN và Nga.

Về tình hình Biển Đông

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko đánh giá cao và đồng ý với những ý kiến đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về lập trường ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông; ủng hộ thực thi đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam góp phần tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới