Trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn được sự báo sẽ trở thành một trong những động lực chủ yếu cho sự phát triển của thế giới trong thời gian tới. Vì vậy, không khó hiệu khi các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ đều sẽ chú trọng và có sự điều chỉnh chiến lược đối với khu vực có tầm quan trọng đặc biệt này.
Sự điều chỉnh chiến lược của Washington và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm 2020
Sự điều chỉnh chiến lược đáng chú ý nhất của Mỹ cho đến nay là vào đầu năm 2011, khi đó Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu sang châu Á – Thái Bình Dương nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược xuyên suốt là tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo thế giới, không để xuất hiện bất cứ đối thủ nào có thể cạnh tranh hay thách thức vị thế số một của Mỹ ở một khu vực được đánh giá là phát triển nhanh và năng động nhất thế giới này. Để thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ đã thực hiện một số biện pháp chiến lược. Thứ nhất, Mỹ tăng cường quan hệ liên minh quân sự với các đồng minh truyền thống trong khu vực, như Philippines, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, trong đó liên minh Mỹ – Nhật Bản là cốt lõi của cả hệ thống an ninh trong khu vực. Đồng thời, Mỹ phát triển và tăng cường quan hệ với nhiều đối tác khác trong khu vực, như thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN và quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Theo hướng này, Mỹ tiến hành bố trí lại lực lượng ở Nhật Bản và quyết định mở thêm căn cứ quân sự ở Australia và Philippines; tăng cường các cuộc diễn tập quân sự phối hợp song phương hoặc đa phương với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực. Thứ hai, Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ sẽ chuyển phần lớn hạm đội hải quân tới Thái Bình Dương vào năm 2020, điều chỉnh tương quan lực lượng hải quân bố trí tại Thái Bình Dương và Đại Tây Dương từ tỷ lệ 50-50 thành 60-40, nghiêng về ưu tiên khu vực Thái Bình Dương. Mỹ liên tục công bố các báo cáo chiến lược về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thứ ba, Mỹ tăng cường sự tham gia và ảnh hưởng của Mỹ tại các diễn đàn ở khu vực có liên quan tới Biển Đông, như ASEAN, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Đông Á (EAF); Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Đông Á; Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Thứ tư, Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mặc dù trước đó đã hoàn tất đàm phán hồi năm 2015. Lúc đó, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố, TPP là “Hiệp định của thế kỷ XXI” và với TPP, Mỹ chứ không phải là Trung Quốc hay Nga sẽ “viết luật chơi cho thế giới”.
Sự điều chỉnh chiến lược của Bắc Kinh và “quan hệ nước lớn kiểu mới” của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình
Sự điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc liên quan tới châu Á – Thái Bình Dương được thể hiện trong chính sách đối ngoại, chiến lược “Vành đai, con đường” (BRI) và sự điều chỉnh chiến lược quốc phòng của nước này. Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc được thể hiện khá rõ ở quan điểm coi tất cả các nước trên thế giới đều là đối tác và phân thành 4 nhóm theo các tiêu chí chủ yếu là mức độ ưu tiên và tầm quan trọng của đối tác đối với Trung Quốc, xét cả về mặt kinh tế và chính trị. Nhóm 1 là quan hệ đối tác cao nhất, trong đó chỉ có Nga mà Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược. Nhóm 2 là quan hệ đối tác hữu nghị, gồm Hàn Quốc, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Canada, Mexico, Argentina và nhiều nước khác. Nhóm nước này không có xung đột về những lợi ích căn bản nhưng có mâu thuẫn cục bộ với Trung Quốc. Nhóm 3 là quan hệ “đối tác dựa trên cơ sở đồng thuận” gồm có EU và các nước ASEAN. Đây là nhóm nước Trung Quốc có nhiều lợi ích kinh tế nhưng lại mâu thuẫn về chính trị trong nhiều vấn đề then chốt và tranh chấp lãnh thổ. Nhóm 4 là quan hệ “đối tác thực dụng” bao gồm Mỹ và Nhật Bản mà Trung Quốc coi là “đối thủ cạnh tranh chiến lược tiềm tàng”.
Trong các nước đối tác, Trung Quốc tập trung vào hai đối tượng là các nước láng giềng và các nước lớn. Với các nước láng giềng, Trung Quốc cho rằng đang tích tụ nhiều vấn đề cần giải quyết và là một trong những lý do chủ yếu dẫn đến sự điều chỉnh chính sách ngoại giao với các nước này. Trung Quốc chủ trương liên thông ngoại giao láng giềng tại sáu địa bàn gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á, Tây Á và Nam Thái Bình Dương; kết hợp điều phối bốn mặt tư duy ngoại giao láng giềng giữa “đột phá trên biển” và “tích cực Tây tiến”, giữa “đứng vững trong nước” và “triển khai ra ngoài”. Phương châm điều chỉnh chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong 5-10 năm tới là “kiên trì chủ động về chiến lược, không bị rối loạn bởi các sự kiện cục bộ”; chuyển từ “bị động đối phó, khắc phục tiêu cực” sang “chủ động phản công, tích cực đáp trả”, tăng cường yếu tố chiến lược và yếu tố an ninh trong điều chỉnh chính sách ngoại giao láng giềng, làm cho chính sách láng giềng phục vụ tốt hơn chiến lược đối ngoại tổng thể của Trung Quốc. Trong các mối quan hệ cụ thể, Trung Quốc áp dụng chiến thuật “khác biệt cự ly” với các quốc gia láng giềng, tùy theo “mức độ thân sơ”, “mức độ cống hiến” của từng quốc gia đối với lợi ích của Trung Quốc mà có những đối sách thích ứng. Để bảo đảm môi trường bên ngoài, Trung Quốc tập trung ưu tiên xây dựng “quan hệ nước lớn kiểu mới”, trước hết là với Mỹ. Trung Quốc còn đề xuất xây dựng “quan hệ quân sự kiểu mới Trung Quốc – Mỹ” với nội hàm “tôn trọng lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, hợp tác, ổn định”. Quan điểm về “quan hệ nước lớn kiểu mới” và “quan hệ quân sự kiểu mới” do Trung Quốc chủ động đề xướng đều xuất phát từ tư duy ổn định quan hệ với nước lớn, với quân đội nước lớn để bảo đảm an ninh quốc gia. Mục tiêu chủ yếu của “xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới” này là nhằm đối phó với chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ nhưng mục tiêu cụ thể chính là tạo môi trường thuận lợi xung quanh để bảo vệ các lợi ích được xem là cốt lõi của Trung Quốc, như chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển.
Trung Quốc cũng tiến hành điều chỉnh chiến lược quốc phòng. Kể từ năm 2015 khi Trung Quốc công bố Sách trắng quốc phòng, thể hiện rõ nhất chiến lược quốc phòng của quốc gia này trong một giai đoạn lịch sử mới, chuyển từ thời kỳ “giấu mình chờ thời” sang thực hiện ”giấc mộng Trung Hoa”, trở thành cường quốc thế giới. Đến năm 2019, Bắc Kinh tiếp tục công bố Sách trắng quốc phòng với tiêu đề “Quốc phòng của Trung Quốc trong thời kỳ mới”, trong đó viết “Nền quốc phòng Trung Quốc mang tính phòng vệ, Trung Quốc không theo đuổi bá quyền, bành trướng hay mở rộng tầm ảnh hưởng. Trung Quốc chủ trương không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào”. Sách Trắng viết, các nước Châu Á Thái Bình Dương đang ngày càng nhận thức rằng họ là thành viên của một cộng đồng có số phận chung. Giải quyết các khác biệt và tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn đã trở thành một lựa chọn chính sách ưu tiên cho các nước trong khu vực, biến khu vực trở thành một phần ổn định của bối cảnh toàn cầu.
Sự điều chỉnh chiến lược của Nga trong chiến lược “Hướng Đông” và tương quan mối quan hệ với TQ
Sự điều chỉnh chiến lược của Nga nhằm khai thác tiềm năng các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở châu Á để thu hút đầu tư cho phát triển khu vực Xi-bê-ri và Viễn Đông của Nga; tiếp cận thị trường rất lớn về tài nguyên năng lượng ở châu Á với vai trò là nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới; mở rộng thị trường vũ khí trang thiết bị rộng lớn ở châu Á do các nước trong khu vực này có nhu cầu rất lớn về vũ khí trang bị hiện đại. Sự điều chỉnh của Nga trong quan hệ đối tác với ASEAN là một trong những ưu tiên trong chính sách của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương bởi Nga và ASEAN có quan hệ gắn kết với nhau dựa trên nền tảng lịch sử bền vững, sự gần gũi hoặc trùng hợp về quan điểm đối với nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực, tạo khả năng to lớn để hai bên cùng phối hợp hoạt động trong các công việc quốc tế. Nga và ASEAN ủng hộ việc xây dựng cấu trúc khu vực hoàn thiện hơn ở châu Á – Thái Bình Dương theo nguyên tắc bình đẳng và minh bạch, dựa trên cơ sở đa trung tâm, quyền tối cao của pháp luật, tính đến lợi ích của tất cả các nước trong khu vực dựa trên cơ sở Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á mà Nga đã tham gia từ năm 2004. Theo quan điểm của mình, Nga không có tham vọng giành ưu thế quân sự, cũng không đặt ra nhiệm vụ bảo đảm an ninh biên giới phía Đông của Nga làm phương hại đến an ninh của các nước khác; không có kế hoạch xây dựng căn cứ ở châu Á – Thái Bình Dương, không xây dựng liên minh quân sự bí mật với các nước trong khu vực, không cạnh tranh với bất kỳ các nước nào trong việc tranh giành ảnh hưởng. Nga khẳng định tôn trọng chủ quyền của các nước trong khu vực, ủng hộ sự đa dạng của mô hình phát triển, đối thoại giữa các nền văn hóa và tôn giáo; hợp tác với các nước trong khu vực trong khuôn khổ cơ chế đa phương hiện có và sẵn sàng đề xuất sáng kiến xây dựng các diễn đàn mới, như tăng cường tiếp xúc chặt chẽ hơn nữa giữa ASEAN với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Hai bên có đủ các điều kiện cần thiết, gồm ý chí chính trị, truyền thống hữu nghị lâu đời, nền tảng hợp tác bền vững và sự quan tâm về lợi ích của nhau.
Sự điều chỉnh chiến lược của Ấn Độ và tầm quan trọng của Chiến lược “Hành động hướng Đông”
Sự điều chỉnh chiến lược của Ấn Độ đối với châu Á – Thái Bình Dương được thể hiện rõ nhất ở “Chính sách hướng Đông” được công bố chính thức vào năm 1992 nhằm tăng cường quan hệ với các nước ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung sang chính sách “Hành động phía Đông”. Hiện nay, Ấn Độ công khai khẳng định lợi ích của mình ở Biển Đông thể hiện trên cả khía cạnh kinh tế và an ninh. Về kinh tế, khoảng 77% giá trị thương mại và hơn 90% khối lượng thương mại của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển, trong đó, 55% được vận chuyển qua eo biển Malaca tới các thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương. Về an ninh, sự an toàn của tuyến đường vận tải biển qua Biển Đông có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Ấn Độ. Các thách thức an ninh truyền thống (xung đột leo thang giữa các bên yêu sách) và an ninh phi truyền thống (tội phạm xuyên quốc gia trên biển, cướp biển) ở khu vực này cản trở đường vận tải hàng hóa trên biển của Ấn Độ. Do đó, việc Ấn Độ tăng cường hiện diện hải quân và “quyền tiếp cận” ở Biển Đông là một phần quan trọng trong lợi ích của Ấn Độ. Theo chiều hướng đó, Ấn Độ đã thiết lập quan hệ hợp tác an ninh với Nhật Bản và Australia.
Sự điều chỉnh chiến lược của Tokyo và vai trò, uy tín của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Dấu mốc quan trọng trong quá trình điều chỉnh chính sách quốc phòng của Nhật Bản để trở thành một “quốc gia bình thường”, thể hiện qua việc nội các nước này đưa ra lời giải thích mới về nội dung Điều 9 của Hiến pháp, theo đó Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ tham gia sứ mệnh phòng thủ tập thể bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giải thích rõ, theo quyết định của Chính phủ Nhật Bản diễn giải lại Điều 9 của Hiến pháp, Nhật Bản có 4 phương án hành động để thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Một là, sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để đánh chặn các tên lửa đang bay nhằm vào các mục tiêu của Mỹ. Hai là, triển khai lực lượng phòng vệ trên biển JMSDF (Japan Maritime Self-Defense Force) của Nhật Bản một khi các tàu của Mỹ bị tấn công ở các vùng biển xa. Ba là, sử dụng các lực lượng phòng vệ Nhật Bản JSF để thực hiện một cuộc phản công nếu một bộ chỉ huy liên quân có sự tham gia của Nhật Bản bị một quốc gia nào đó tấn công trên lãnh thổ nước ngoài. Bốn là, sử dụng lực lượng quân sự để loại bỏ những trở ngại trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Bốn phương án trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản luôn ở trong trạng thái sẵn sàng bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của Liên minh Nhật Bản – Mỹ cũng như bảo đảm lợi ích an ninh của Nhật Bản. Như vậy, theo cách giải thích này, Nhật Bản vẫn tuân thủ chủ trương phòng vệ chứ không phải tiến công, kể cả khi phải đối phó với Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Sự điều chỉnh chiến lược của Nhật Bản thể hiện rõ nhất qua việc nước này thể hiện trong vấn đề Biển Đông. Nhật Bản hướng đến việc đảm bảo tự do hàng hải, ổn định khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp bởi Biển Đông là tuyến đường thương mại, vận chuyển nguồn nguyên liệu cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản; hỗ trợ cho chính sách của Mỹ đối với Biển Đông. Vì Nhật Bản là đồng minh và cũng là quốc gia có lợi ích rất lớn ở Biển Đông, Nhật Bản sẽ có những đóng góp quan trọng cho chính sách tái cân bằng nói chung và chính sách đối với Biển Đông nói riêng của Mỹ; nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á: Một mục tiêu quan trọng của Nhật Bản khi can dự vào vấn đề Biển Đông chính là tăng cường sự ảnh hưởng của nước này tại khu vực Biển Đông, tích cực can dự đối với cục diện an ninh khu vực, xây dựng hình ảnh nước lớn ở khu vực. Những năm qua, cùng với đột phá trong việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là sau khi nới lỏng nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản đã tích cực bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á nhằm một mặt, nâng cao thực lực quân sự của các nước này, đối phó với Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy; đồng thời, không ngừng củng cố, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực này.
Nhìn chung, năm 2020 khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn sẽ là một trong những khu vực thu hút sự quan tâm và triển khai chiến lược quan trọng của các nước. Xu hướng cọ xát chiến lược sẽ phức tạp, kéo theo nhiều biến số. Trong đó, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung sẽ vấn đóng vai trò chủ đạo, chi phối các mối quan hệ khác.