Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ đã xây dựng ảnh hưởng ở châu Á như thế nào?

TQ đã xây dựng ảnh hưởng ở châu Á như thế nào?

Một nghiên cứu được công bố hôm 10/12 cho biết Trung Quốc đã chi 126 tỷ USD để xây dựng ảnh hưởng ở Nam và Trung Á.

 

Nghiên cứu “Chính sách đối ngoại Con đường Tơ lụa” được tổ chức AidData phối hợp với Viện Chính sách Xã hội châu Á và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) thực hiện. Nghiên cứu đã cho thấy nỗ lực xây dựng ảnh hưởng ở châu Á của Trung Quốc thông qua nhiều biện pháp.

Theo AidData, chính sách ngoại giao bằng tiền của Trung Quốc, với tổng giá trị đầu tư khoảng 126 tỷ USD, vượt trội hơn các công cụ ngoại giao khác về quy mô cũng như hiệu quả. Pakistan, quốc gia sớm ký kết Sáng kiến Vành đai và Con đường, là một minh chứng. Trong giai đoạn 2000-2018, Pakistan nhận 30% đầu tư quốc tế của Trung Quốc. Dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan được Bắc Kinh rót 60 tỷ USD để xây dựng hệ thống đường sá, ống dẫn, khu công nghiệp và một hải cảng dọc biển Arab.

Các dự án cơ sở hạ tầng chiếm đến 95% hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cho các quốc gia ở Nam và Trung Á. 5% còn lại phục vụ cho hỗ trợ ngân sách chung, viện trợ nhân đạo và xóa nợ.

Trung Quốc có thể “nhảy vào” những dự án không được các chủ đầu tư khác quan tâm vì lo ngại quốc gia đó không có khả năng xử lý nợ. Nghiên cứu của AidData gọi việc hỗ trợ tài chính cho các quốc gia không có khả năng trả nợ là “cho vay khép kín”, cho phép Trung Quốc đưa các công ty và lao động của họ ra nước ngoài thực hiện các dự án. “Cho vay khép kín” hạn chế được rủi ro đầu tư cho Trung Quốc, song điều này lại bị một số quốc gia được đầu tư chỉ trích là không đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho họ.

Hỗ trợ tài chính của Trung Quốc với các quốc gia Nam Á trong giai đoạn 200-2018, đơn vị tỷ USD. Đồ họa: AidData.

Hỗ trợ tài chính của Trung Quốc với các quốc gia Nam Á trong giai đoạn 200-2018, đơn vị tỷ USD. Đồ họa: AidData.

Trung Quốc không phải là nước duy nhất sử dụng chính sách viện trợ có ràng buộc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng làm điều tương tự. Nhưng việc thiếu minh bạch trong giải ngân hỗ trợ tài chính có thể sẽ dẫn tới “thao túng chính trị và tham nhũng”.

Ấn Độ, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực, đã liên tục lên tiếng về vấn đề này.

“Chúng tôi liên tục cảnh báo các nước láng giềng Nam Á như Sri Lanka về bẫy nợ từ các hỗ trợ tài chính của Trung Quốc”, một quan chức an ninh cấp cao của Ấn Độ chia sẻ. “Chúng ta đã thấy điều này xảy ra ở Maldives và trong cáchoạt động đầu tư của Trung Quốc ở thành phố Hambantota và thành phố cảng Colombo ở Sri Lanka”, quan chức này nói.

Đến nay, các quốc gia được Trung Quốc đầu tư nhiều nhất ở khu vực gồm: Pakistan (38,43 tỷ USD), Kazakhstan (32,87 USD), Sri Lanka (12,8 tỷ USD) và Bangladesh (10,32 tỷ USD). Ấn Độ cũng đã nhận khoảng 6,3 tỷ USD từ Trung Quốc dưới hình thức các gói tài chính.

“Người dân dường như có những quan điểm trái chiều về việc Trung Quốc sử dụng chính sách đối ngoại bằng tiền để tiếp cận quốc gia của họ”, Siddhartha Ghose, Giám đốc AidData, đồng tác giả của nghiên cứu, nhận định. “Bất đồng này có thể đến từ việc chính quyền Trung Quốc thường ràng buộc các hỗ trợ tài chính với điều khoản phải sử dụng công ty, lao động và nguồn cung từ Trung Quốc”, Ghose nói.

Nghiên cứu cũng theo dõi nỗ lực Bắc Kinh “quyến rũ” các lãnh đạo cấp cao ở những nước Trung Quốc có lợi ích chiến lược. Với phương châm “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, Bắc Kinh ưu tiên thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các quốc gia Nam Á. Họ đã dành những lời có cánh khi gọi Ấn Độ là “nhân tố thống trị” ở Nam Á còn Kazakhstan là “cường quốc khu vực”.

Các chuyến công du đến Nam Á chiếm đến 85% tổng số hoạt động ngoại giao của lãnh đạo đảng Trung Quốc trong giai đoạn 2010-2018. Sri Lanka, Nepal và Bangladesh được Trung Quốc đặc biệt quan tâm.

Chính sách đối ngoại bằng quan hệ quân sự cũng là một đòn bẩy giúp Bắc Kinh đạt được lợi ích chiến lược của mình ở khu vực. Quan hệ quân sự thường bền vững hơn các mối quan hệ hợp tác khác.

Giới lãnh đạo Trung Quốc coi đây là một nền tảng cơ bản đối với các mục tiêu an ninh ở khu vực. Gần 1/3 các cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra ở khu vực được thực hiện với Pakistan. Hai nước có quan hệ đối tác chiến lược. Các cuộc tập trận chung chủ yếu nhằm bảo vệ an ninh Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan. Ngoài ra, Ấn Độ cũng nằm trong nhóm 5 nước thường xuyên tập trận quân sự chung với Trung Quốc.

Trung Quốc cũng tăng cường hoạt động truyền thông để gây ảnh hưởng với các chính quyền khu vực, đặc biệt với Ấn Độ và Kazakhstan.

Theo AidData, Bắc Kinh sử dụng hai biện pháp gây ảnh hưởng bằng truyền thông: mở rộng các hoạt động phát sóng quốc tế và xây dựng quan hệ tốt với nhà báo và truyền thông nước ngoài.  Mục đích chính của nỗ lực này ban đầu nhằm xây dựng hình ảnh đối tác đáng tin cậy cho Trung Quốc. Nhưng giờ đây chúng được sử dụng để kêu gọi ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về Tây Tạng và Đài Loan.

“Trung Quốc đã chi 9 tỷ USD trong năm 2009 để xây dựng mạng lưới xuất bản và phát sóng quốc tế, với phần lớn số tiền dành cho Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI)”, báo cáo cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới