Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngTàu sân bay thứ hai của Trung Quốc mang tham vọng kiểm...

Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc mang tham vọng kiểm soát biển Đông

Sơn Đông – hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo và là chiếc thứ hai của nước này – chính thức được đưa vào hoạt động và bàn giao cho Hải quân nước này hôm 17/12.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới đảo Hải Nam chủ trì buổi lễ.

Việc đưa hàng không mẫu hạm mới, mang tên Sơn Đông, vào hoạt động chính thức, được Trung Quốc xem là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng sức mạnh hải quân của đất nước.

Con tàu này, trước đây được gọi là Type 001A, từng đi qua eo biển Đài Loan để thực hiện các “thử nghiệm khoa học và huấn luyện thường xuyên” và cũng từng đến Biển Đông để tham gia cuộc thử nghiệm và diễn tập ở khu vực.

Tàu sân bay Sơn Đông bắt đầu được thử nghiệm vận hành trên biển đầu tiên vào tháng 5/2018.

Trước đây, tàu từng được dự kiến đưa vào vận hành chính thức từ tháng 4. Tuy nhiên, giai đoạn thử nghiệm lại mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến.

Điều này khiến một số nhà quan sát cho rằng, tàu đã gặp sự cố kỹ thuật, theo South China Morning Post.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Vận hành hàng không mẫu hạm Sơn Đông, khi đó còn mang tên Type 001A, trong chuyến thử nghiệm vận hành trên biển đầu tiên vào tháng 5/2018

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh, cải tạo từ tàu lớp Kuznetsov mua của Ukraine vào năm 1998, mất khoảng 13 tháng chạy thử trước khi gia nhập lực lượng vào năm 2012.

Tàu Sơn Đông có lượng giãn nước 65.000 tấn, dài 315,5m, rộng 75m, là tàu sân bay cỡ trung bình chạy bằng động lực thông thường; tốc độ lớn nhất 30 hải lý/h, thủy thủ đoàn và nhân viên không quân 1.190 người.

Con tàu là phiên bản sửa đổi của thiết kế lớp Kuznetsov nhưng được lắp đặt radar kiểu mới có thể tìm kiếm toàn diện 360 độ.

Tàu sân bay này có thể mang theo 36 tiêm kích hạm J-15, so với tàu Liêu Ninh chỉ 24 chiếc. Tàu được nâng cấp hệ thống radar cũng như có boong tàu rộng để các tiêm kích cất và hạ cánh.

Tàu sân bay được đóng bởi Công ty đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, bắt đầu từ tháng 11 năm 2013.

Với bến tàu dài 700 mét, quân cảng này có thể phục vụ đồng thời nhiều tàu sân bay. Tổ hợp này cũng là nơi đặt căn cứ tàu ngầm hạt nhân Du Lâm (Yulin).

Căn cứ tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Thanh Đảo, trên vùng bờ biển phía đông. Đây là cảng nhà của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh.

Giấc mơ hàng không mẫu hạm của Trung Quốc

Báo New York Times dẫn Báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Liêu Ninh đã gia nhập hạm đội của Hải quân Trung Quốc vào năm 2012 và chưa được thử nghiệm qua các hoạt động chiến đấu.

Matthew P. Funaiole, một thành viên cao cấp của Dự án nghiên cứu về sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đóng ở thủ đô Washington, được tờ New York Times dẫn lời cho biết, c”hỉ có một số rất ít các quốc gia có hàng không mẫu hạm. Với hai hàng không mẫu hạm hiện có, Trung Quốc lọt vào danh sách các quốc gia như vậy.”

Nhưng không dừng ở đó, Trung Quốc đã bắt đầu đóng tàu sân bay thứ ba tại một nhà máy đóng tàu gần Thượng Hải. Nước này cũng lên kế hoạch đóng tàu thứ tư. Khi đó, Trung Quốc chỉ đứng sau mỗi Hoa Kỳ, với 10 tàu sân bay đang hoạt động.

Hải quân Trung Quốc “tiếp tục phát triển thành một lực lượng hoạt động toàn cầu, dần dần mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài khu vực Đông Á, với khả năng duy trì hoạt động ngày càng dài hơn,” theo báo cáo của Lầu Năm Góc.

Bản quyền hình ảnh PA Media Image caption Đưa hàng không mẫu hạm Sơn Đông vào hoạt động đánh dấu cột mốc quan trọng trong nâng cao sức mạnh hải quân Trung Quốc

Dễ dàng khống chế Biển Đông?

Chuyên gia quân sự Song Zhongping ở Hong Kong được báo South China Morning Post dẫn lời nhận định rằng, hai tàu sân bay Liên Ninh và Sơn Đông sẽ nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hải quân Trung Quốc, chứ không phải là Bộ Tư lệnh Chiến khu Bắc Bộ và Nam Bộ.

Nhưng ông cũng nói rằng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Biển Đông, tàu Sơn Đông vẫn có thể được đặt dưới sự chỉ huy của Chiến khu Nam Bộ để phối hợp các hoạt động chung.

Còn Chuyên gia quân sự Li Jie ở Bắc Kinh cũng nói với tờ South China Morning Post rằng, việc Bắc Kinh đã “chọn quân cảng Tam Á [để đưa tàu vào vận hành] vì giới lãnh đạo quân sự nước này muốn nêu bật tầm quan trọng địa chiến lược của căn cứ hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc.”

Từ Quân cảng Tam Á, quân đội Trung Quốc sẽ có thể dễ dàng kiểm soát Biển Đông và các tuyến hàng hải trong khu vực.

Việc triển khai tàu sân bay mới tại Tam Á cũng nhằm răn đe các lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan, một nguồn tin quân sự cho tờ South China Morning Post biết.

Nguồn tin này lý giải điều này bằng việc viện dẫn việc tàu sân bay này từng đi khu vực eo biển Đài Loan trước khi đến Tam Á.

RELATED ARTICLES

Tin mới