Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 20-12 (giờ Mỹ) cho biết đã có cuộc điện đàm “rất tốt đẹp” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về những vấn đề liên quan tới thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung.
Ngay sau đó, phát biểu tại sự kiện Turning Point USA diễn ra ở bang Florida ngày 21-12, Tổng thống Trump nêu rõ các quan chức hai nước vừa “đạt được bước đột phá” trong thỏa thuận thương mại và sẽ ký kết trong thời gian “rất ngắn”.
Tín hiệu lạc quan về tranh chấp thương mại Mỹ – Trung được đưa ra trong thời điểm cuối năm và có thể sẽ có giá trị lớn hơn nữa đối với uy tín chính trị của hai chính quyền. Sau khi hai nước tuyên bố đã đạt thỏa thuận “giai đoạn một”, thông tin về cuộc điện đàm trên được xem như món quà Giáng sinh cho thị trường.
Khởi sắc
Trong cuộc điện đàm, ông Trump nói thêm rằng Trung Quốc đã đồng ý mua số lượng nông sản lớn từ Mỹ, đồng thời cũng thống nhất thủ tục ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” giữa hai bên. Một số cọ xát khác trong quan hệ hai nước như vấn đề Triều Tiên và Hong Kong cũng được “tiến triển”.
Sau điện đàm, đài truyền hình CNBC dẫn lời các chuyên gia cho rằng chứng khoán cuối năm sẽ khởi sắc và diễn biến này sẽ tiếp tục vào quý đầu năm sau trước lúc có thể chững lại.
Cụ thể, chứng khoán đang có một tháng 12 tốt nhất trong 9 năm qua và tính toàn quý thì đây là quý cuối năm tốt nhất kể từ năm 2013.
Đối với riêng ông Trump và ông Tập, cuộc điện đàm trên cũng giúp đưa ra những tín hiệu tốt cho chính quyền đương nhiệm ở mỗi nước.
Ông Trump đã công bố những thành tích kinh tế ngay trong giai đoạn bị Hạ viện Mỹ bỏ phiếu quyết định luận tội, nay một chuyển biến tích cực trong vấn đề tranh chấp thương mại với Trung Quốc càng tạo cảm giác Washington đang thể hiện tốt về mặt chuyên môn.
Tương tự, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tạm gạt đi những diễn biến căng thẳng trong vấn đề Hong Kong, Tân Cương hay Đài Loan gần đây.
Trong bài viết ngày 20-12, Tân Hoa xã cho biết ở cuộc điện đàm, ông Tập đã thẳng thắn thể hiện lo ngại sâu sắc về lời nói và hành động gần đây của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng.
Theo Hãng thông tấn trung ương Trung Quốc, ông Tập lưu ý cách hành xử của Mỹ đã can thiệp chuyện nội bộ và làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc.
Cần nhớ rằng trước đó, một số rò rỉ từ người trong cuộc nói đàm phán thương mại Mỹ – Trung đã tạm ngưng vì ông Tập cần thời gian ổn định chính trị trong nước.
Vì vậy, việc Tân Hoa xã đưa nội dung thẳng thắn của ông Tập trong cuộc điện đàm có thể phản ánh suy nghĩ rằng Mỹ – Trung đã tìm thấy một sự nhất trí nào đó liên quan tới chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Trong dòng tweet ngày 20-12, ông Trump cũng nói có “tiến triển” trong câu chuyện Hong Kong, dù không nêu thêm chi tiết.
Điểm rơi phong độ
Trong những phân tích về tình hình thị trường cuối năm nay và đầu năm sau liên quan tới đàm phán Mỹ – Trung, CNBC cho rằng Tổng thống Mỹ Trump đang tạo đà tốt không chỉ cho đàm phán, mà còn là cuộc bầu cử năm 2020.
Sau cuộc bỏ phiếu luận tội của Hạ viện, một thực tế được nhiều người đồng ý rằng kết quả này sẽ khó có thể khiến ông Trump bị phế truất, vì Thượng viện do đảng Cộng hòa của ông kiểm soát sẽ tìm cách “tha bổng” cho Tổng thống.
Ngược lại, báo chí Mỹ cũng nghiêng về hướng cuộc luận tội đã vô tình tạo ra chuyển biến tích cực có thể giúp ích cho mục tiêu tái đắc cử Tổng thống của ông Trump.
Báo South China Morning Post của Hong Kong dẫn lời ông John Sitilides, nhà phân tích địa chính trị tại Trilogy – Advisors (Washington), nói rằng triển vọng tái đắc cử tháng 11-2020 của ông Trump đang mạnh mẽ hơn và rằng ông Tập hiểu “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đàm phán tiếp tục với Tổng thống Trump” cho tới năm 2024.
Việc đặt lịch ký thỏa thuận “giai đoạn một” vào đầu năm 2020 cũng rơi vào đúng thời điểm cuộc bầu cử Mỹ bắt đầu giai đoạn sơ bộ.
Vào ngày 3-2, Iowa sẽ diễn ra bầu cử dạng họp kín (caucus), sau đó là tại New Hampshire như truyền thống. Ngày 3-3 sẽ là “Siêu thứ Ba” với hàng chục cuộc bầu cử sơ bộ.
Những diễn biến tích cực của đàm phán thương mại Mỹ – Trung sẽ khiến phe Cộng hòa lấy uy tín đủ lớn cho màn khởi động này.
Ông Tập sẽ không dự Davos 2020?
Hãng tin Bloomberg ngày 20-12 cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ không tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ vào tháng 1-2020. Điều này đồng nghĩa ông Tập không có kế hoạch gặp gỡ trực tiếp với Tổng thống Mỹ Trump, người sẽ tham dự sự kiện trên.
Theo lịch, Davos sẽ kéo dài từ ngày 21 tới 24-1-2020, trùng thời điểm Tết âm lịch. Ông Tập thường sẽ dạo thăm các thành phố và thị trấn trong nước, như một cách làm truyền thống từ những năm 1990 của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Một nguồn thạo tin trong khi đó nói rằng Phó thủ tướng Lưu Hạc, nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc trong tranh chấp thương mại Mỹ – Trung, sẽ tới Washington vào tháng 1 để ký thỏa thuận “giai đoạn một”. Trước đó Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định kỳ vọng sẽ ký thỏa thuận dài 86 trang với ông Lưu trong thời gian trên.