Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ toan tính gì khi đưa tàu sân bay nội địa đầu...

TQ toan tính gì khi đưa tàu sân bay nội địa đầu tiên?

Không chỉ để phô trương sức mạnh quân sự, việc đưa tàu sân bay Sơn Đông vào Biển Đông đang căng thẳng Trung Quốc hy vọng giúp kiềm chế Nhật Bản, Mỹ và Đài Loan.

 

Chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, có tên là Sơn Đông, được đưa vào biên chế Hải quân nước này sau buổi lễ ra mắt hoành tráng với sự có mặt của 5.000 người và được đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đến thị sát tại căn cứ hải quân ở Tam Á, đảo Hải Nam phía nam Trung Quốc – truyền thông nước này đưa tin.

Từ Hải Nam, tàu sân bay mới của Trung Quốc có thể “vươn tay” ra khắp vùng Biển Đông và eo biển Đài Loan một cách dễ dàng, đồng thời gửi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ đến các cường quốc khu vực khác, bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản – theo nhận định của các nhà quan sát.

Việc tàu Sơn Đông đi vào hoạt động cũng đưa Trung Quốc gia nhập vào nhóm nhỏ các quốc gia sở hữu nhiều hàng không mẫu hạm, trong đó có Mỹ và Anh. Theo các báo cáo, Bắc Kinh cũng đang tiếp tục làm việc để chế tạo tàu sân bay thứ ba.

Việc sở hữu 2 tàu sân bay sẽ giúp cho Trung Quốc khiến Nhật Bản luôn bận rộn. Là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, không quân và hải quân của nước này trong những năm gần đây liên tục tiến hành một loạt cuộc tập trận nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng tới Tây Thái Bình Dương, buộc Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản phải chạy đua với tốc độ kỷ lục.

Và trong khi Tokyo còn đang tập trung nhiều vào tàu Liêu Ninh, được biên chế tại thành phố Thanh Đảo, phía bắc Trung Quốc, thì giờ đây, họ còn cần phải để mắt thêm tới chiếc tàu sân bay thứ hai ở phía nam – ông Collin Koh, nhà phân tích tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết.

Khi mà một số nhà quan sát coi các tàu sân bay là lỗi thời trong thời đại của các tên lửa siêu thanh cực kỳ chính xác, bao gồm cả những loại mà Trung Quốc cũng sở hữu, thì một số người khác lại khẳng định chúng vẫn là công cụ răn đe mạnh mẽ. Nhắc đến tàu sân bay mới của Trung Quốc, họ cho rằng, nó vừa là biểu tượng cho thanh thế của nước này, vừa là minh chứng cho năng lực quân sự thực chất.

“Từ lâu, Trung Quốc vẫn luôn than vãn rằng mình là quốc gia duy nhất trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không có tàu sân bay (chế tạo trong nước). Một tàu sân bay mới sẽ thể hiện sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tương xứng với tầm vóc ngoại giao và kinh tế cũng đang phát triển của họ” – ông Koh nói.

Bên cạnh đó, ông Koh cũng cho biết thêm rằng, tàu sân bay cũng sẽ cung cấp các lựa chọn chính trị khả thi cho giới lãnh đạo Trung Quốc. “Bắc Kinh đã học được nhiều điều từ cách Mỹ sử dụng tàu sân bay trong thời bình lẫn thời chiến” – ông nói.

Ông Koh lưu ý tới việc Mỹ sử dụng các tàu sân bay USS Nimitz và USS Independence như là “đội cứu hỏa” trong việc xoa dịu căng thẳng trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996.

Ra mắt tàu sân bay nội địa đầu tiên, Trung Quốc toan tính gì? - 2

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới dự buổi lễ ra mắt tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này – Sơn Đông – tại đảo Hải Nam ngày 17/12. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trong cuộc khủng hoảng đó, Trung Quốc đã tiến hành các vụ thử tên lửa “khiêu khích” để gây áp lực đến cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan. Đáp lại, cựu Tổng thống Bill Clinton ra lệnh phô diễn sức mạnh quân sự mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á, bằng cách gửi các tàu đến khu vực xung quanh Đài Loan trong một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh.

Thông điệp đó tác động đến suy nghĩ của Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó rót rất nhiều tiền vào việc xây dựng lực lượng hải quân tầm cỡ thế giới. Và chi phí khổng lồ của chương trình phát triển hàng không mẫu hạm cho thấy, đối với Trung Quốc, tàu sân bay mới không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa biểu tượng.

Giống như Liêu Ninh – tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được tân trang lại từ chiếc tàu lớp Kuznetsov của Liên Xô, Sơn Đông được đặt tên theo một tỉnh ở phía bắc nước này và dựa trên một thiết kế của Liên Xô với đường băng kiểu “nhảy cầu”, thay vì sử dụng máy phóng như tàu sân bay Mỹ. Tàu sân bay Trung Quốc cũng chỉ được vận hành bởi nhà máy tuabin hơi nước chạy bằng dầu thông thường, chứ không phải là nhiên liệu hạt nhân mà tàu sân bay Mỹ sử dụng.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, Sơn Đông sẽ có thể mang theo 36 máy bay chiến đầu J-15, thay vì 24 chiếc như Liêu Ninh. Một số nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố đó cũng khả năng tổng thế của chiếc tàu mới, tuy nhiên tờ Global Times lại khẳng định rằng, “tàu sân bay thứ hai không phải là bản sao của tàu sân bay thứ nhất và sở hữu uy lực lớn hơn nhiều”.

Theo ông Koh, người Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển các công nghệ tàu sân bay, bao gồm máy phóng điện từ tiên tiến để phóng tiêm kích, cũng như đầu tư vào các yếu tố hỗ trợ như phòng không và triển khai tác chiến nhanh, đồng thời tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu về chiến thuật chiến đấu của tàu sân bay và các khái niệm hoạt động.

Điều đó cho thấy, họ “vô cùng nghiêm túc trong việc tạo ra một năng lực thực chất, chứ không phải là một con voi trắng”, – ông nói thêm.

Ra mắt tàu sân bay nội địa đầu tiên, Trung Quốc toan tính gì? - 3

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới dự buổi lễ ra mắt tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này – Sơn Đông – tại đảo Hải Nam ngày 17/12. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Mặc dù vẫn chưa rõ liệu Sơn Đông có đóng quân tại căn cứ trên đảo Hải Nam hay không, nhưng quyết định tổ chức một buổi lễ hoành tráng tại đây cho thấy Bắc Kinh muốn gửi thông điệp rằng họ sẽ không lùi bước trong tranh chấp với các cường quốc khu vực khác trên Biển Đông.

Trung Quốc hiện đang có yêu sách phi lý về “đường lưỡi bò” tại đây. Trong khi đó, cả Nhật Bản và Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng cả hai đồng minh này đều thường xuyên tuyên bố cam kết của họ đối với một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Washigton lên án Bắc Kinh vì những động thái của họ ở Biển Đông, bao gồm cả việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo – như các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) – và thiết lập trên đó các sân bay quân sự và vũ khí tối tân.

Mỹ lo ngại các tiền đồn phi pháp đó có thể được sử dụng để hạn chế tự do hàng hải tại tuyến đường biển huyết mạch với khoảng 3 nghìn tỷ USD thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm. Quân đội Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tra duy trì tự do hàng hải tại khu vực.

Bắc Kinh tuyên bố, họ triển khai vũ khí tối tân tới các đảo nhân tạo nhằm mục đích phòng thủ, nhưng một số chuyên gia cho rằng, đây là một phần trong nỗ lực phối hợp của Trung Quốc nhằm kiểm soát thực tế các vùng biển.

Việc triển khai tàu sân bay mới đến Tam Á cũng sẽ giúp răn đe các “lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan” – Global Times, dẫn lời nguồn tin quân sự giấu tên, cho biết. “Đó là lý do tại sao tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan trên đường đến Tam Á vào tháng trước” – nguồn tin cho biết.

Sơn Đông từng đi qua eo biển Đài Loan khi tiến hành thử nghiệm khoa học và huấn luyện vào tháng trước, với sự giám sát chặt chẽ của các tàu hải quân Mỹ và Nhật Bản, sau đó mới tiến ra Biển Đông.

Theo ông Koh, lý do chính khiến Trung Quốc triển khai Sơn Đông tới rìa Biển Đông là nhằm “tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc áp đặt ảnh hưởng ở cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”. Việc đươc đặt Sơn Đông tại Tam Á cũng giúp Bắc Kinh tạo ra một gọng kìm phong tỏa Đài Loan trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ – chuyên gia nói.

Ngoài Sơn Đông, các hình ảnh vệ tinh do một viện nghiên cứu của Mỹ công bố hồi tháng 5 cho thấy Trung Quốc còn đang chế tạo chiếc tàu sân bay thứ ba. Đó dự kiến sẽ là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được trang bị hệ thống máy phóng, cho phép sử dụng nhiều loại máy bay hơn.

Dẫu vậy, ngay cả khi Trung Quốc sở hữu chiếc tàu sân bay thứ ba, nước này vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với Mỹ, quốc gia hiện đang có sự phục vụ của 10 siêu tàu sân bay lớp Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân.

RELATED ARTICLES

Tin mới