Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐàm luậnCần có chiến lược bài bản hơn của “những người anh em”...

Cần có chiến lược bài bản hơn của “những người anh em” trên biển Đông

Hôm 21/12, trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Saifuddin Abdullah lên tiếng: “Đối với Trung Quốc, tuyên bố rằng toàn bộ Biển Đông thuộc về sở hữu của họ, tôi nghĩ điều đó thật nực cười”.

Lâu nay Malaysia thường ngại đụng chạm đến Trung Quốc. Mặc dù có những chỉ trích về yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng chính phủ nước này ít lên tiếng về các tranh chấp ở vùng biển, nhất là sau khi Trung Quốc đã bơm hàng tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Bởi vậy, lần này thái độ của Kuala Lumpur được dư luận hết sức chú ý.

Một số nhà báo nêu câu hỏi, rằng việcMalaysia khẳng định quyền chủ quyền của mình có ảnh hưởng như thế nào đến Bộ Quy tắc ứng xử (COC), ông Saifuddin nói, ông hy vọng vấn đề này có thể gây ra tranh luận giữa các quốc gia trong khu vực, nhưng các quốc gia cần trung thực, thẳng thắn, để thúc đẩy quá trình đàm phán.

Ông nói: “Chắc chắn nó sẽ gây tranh luận. Tuy nhiên, đó là một tuyên bố mà chúng tôi đã thực hiện rồi. Chúng tôi sẽ kiên trì bảo vệ yêu sách của mình. Có thể nói rằng, bất cứ ai cũng có thể đưa ra chứng cứ lịch sử, nêu lên những thách thức và yêu sách tranh chấp. Đây không phải là điều gì bất thường”.

Vì sao có chuyện “hòn bấc ném di hòn chì ném lại?”. Vì rằng sau khi Kuala Lumpur đòi hỏi quyền chủ quyền ở vùng 200 hải lý, ngày 17/12, Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội, cho rằng Malaysia đã  “vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, các quyền và quyền tài phán” của Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng đã gửi công hàm đến Malaysia khẳng định Kuala Lumpur đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và vi phạm  “các tiêu chuẩn về quan hệ quốc tế”.

Trong thư gửi đến tổng thư ký Antonio Guterres vào tuần trước, phái đoàn thường trực của Trung Quốc bên cạnh Liên hợp quốc khẳng định: “Trung Quốc có vùng nội thủy, lãnh hải và một vùng tiếp giáp lãnh hải căn cứ vào các đảo (của nước này) ở Biển Đông; vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa”. Vì vậy, Bắc Kinh “nghiêm túc yêu cầu Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) không xem xét hồ sơ của Malaysia”.

Động thái này của Malaysia và Bắc Kinh khiến cho cuộc chiến pháp lý lẫn thực địa ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn.

Cần nhắc lại rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 đã bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền theo yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông, dựa trên những đảo nhân tạo mà nước này kiểm soát. Tuy nhiên, mỗi khi có quốc gia nào lên tiếng đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông lập tức Trung Quốc phản đối. Không chỉ phớt lờ phán quyết của Tòa án quốc tế, Bắc Kinh còn có những hành động hung hăng hơn, nhất là việc tăng cường các đội tàu hải cảnh vây ép, hăm dọa trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của các nước khác.

Các nước bị hành động xâm lược của Trung Quốc đe dọa đã không chịu khuất phục và có những giải pháp kiên trì, kiên quyết về ngoại giao, về kinh tế, quân sự. Tuy nhiên sự liên minh chiến lược giữa các nước ở thế yếu hơn so với Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunây thì chưa được thể hiện rõ ràng. Dường như mới được thể hiện quan điểm, thái độ qua các cuộc thăm viếng của các nguyên thủ quốc gia.

Chuẩn bị bước sang năm 2020 theo bình luận của các nhà nghiên cứu, rất cần một chiến lược bài bản hơn của “những người anh em” trên biển Đông. Cần lên tiếng mạnh mẽ hơn và tổ chức tập trận trên thực địa. Trong xu thế thế giới đa cực hiện nay, một quốc gia nào đó ỷ thế nước lớn, huênh hoang tuyên bố thế giới đơn cực, ví mình như một “thành phố trên đỉnh đồi”,bắt người khác phải ngước nhìn là không thể chấp nhận.

RELATED ARTICLES

Tin mới