Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đã có chuyến thăm tới Việt Nam và hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 23/12. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Indonesia chuẩn bị kỷ niệm 60 năm chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Indonesia và Tổng thống Sukarno đến Việt Nam. Hai bên đã trao đổi về nhiều vấn đề song phương và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng trên thế giới và khu vực. Năm 2020, hai nước sẽ kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1955-2020). Indonesia là quốc gia thứ 4 trên thế giới và đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đó, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển và hoàn thiện trong nỗ lực cùng hướng tới các mục tiêu phát triển quốc gia để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân cả hai nước. Năm 2003, trong chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Megawati đến Việt Nam, hai bên đã ký Hiệp định quan hệ Đối tác toàn diện. Đây là thay đổi lớn, mở đường cho hợp tác và quan hệ hai nước phát triển trên nhiều lĩnh vực. Tháng 9/2011 trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến Indonesia, hai bên đã nhất trí phát triển quan hệ hướng tới Đối tác chiến lược và điều đó đã trở thành hiện thực trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tháng 6/2013, lãnh đạo hai nước đã chính thức quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược. Đây là 1 dấu mốc chuyển cả về chất và trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. Tháng 10/2013, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã ký chương trình hành động để triển khai hợp tác đối tác chiến lược 2014-2018. Năm 2020, Việt Nam và Indonesia đều đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hai nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Trong vấn đề Biển Đông, trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, tại các diễn đàn song phương và đa phương, hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử (COC) cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Cả hai nước cũng chấp nhận nguyên tắc đường không đơn, phân biệt giữa Đường thềm lục địa với đường đặc quyền kinh tế (EEZ) vào năm 2018 và Indonesia đang mong muốn hợp tác với Việt Nam để đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Lần gần đây nhất, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) diễn ra ở Bangkok, Thái Lan (8/2019), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsurdi đã nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia trên mọi lĩnh vực, trong đó có hợp tác về các vấn đề trên biển. Hai bên đã thảo luận và chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác thực chất và hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác. Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, duy trì hoà bình, ổn định và tăng cường tin cậy giữa các nước.
Trước đây, Indonesia khẳng định không có tranh chấp chủ quyền với nước nào trên Biển Đông. Quần đảo Natuna cũng nằm ngoài phạm vi “đường lưỡi bò” phi pháp Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, “đường lưỡi bò” đã chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Trung Quốc gọi vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực quần đảo Natuna là “vùng đánh cá truyền thống” nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp. để bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển, Indonesia đã tích cực triển khai hữu hiệu chính sách quốc phòng cũng như thực thi chiến lược biển phù hợp với thực tiễn. Chính phủ Indonesia đã đề ra kế hoạch hành động 5 năm (2016-2019) với 425 hoạt động được phân bổ trong 5 nhóm ưu tiên, gồm: Biên giới biển, không gian biển và ngoại giao biển do Bộ Ngoại giao, Quân đội, Bộ các vấn đề biển và nghề cá và Bộ Thông tin chủ trì thực hiện; Công nghiệp biển và kết nối do Bộ Công nghiệp, Bộ Giao thông, Bộ Việc làm và nhà ở, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn chủ trì; Dịch vụ, tài nguyên biển và quản lý môi trường biển do Bộ các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Năng lượng và khoáng sản, Bộ Công nghiệp, Bộ Môi trường và rừng chủ trì; Quốc phòng và an ninh biển do Quân đội, Bộ Quốc phòng, Cơ quan an ninh biển, Bộ Các vấn đề biển và nghề cá chủ trì; Văn hóa biển do Bộ Các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Giao thông, Bộ Nghiên cứu khoa học và giáo dục và Bộ Nhân lực chủ trì thực hiện.