Monday, May 6, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSự điều chỉnh chính sách xử lý tàu thuyền nước ngoài vi...

Sự điều chỉnh chính sách xử lý tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển của Indonesia trong năm 2019

Trong Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia áp dụng chính sách cứng rắn, nghiêm khắc nhất đối với các hành vi mà nước này cho là vi phạm vùng biển của Jakarta, điển hình nhất và việc tịch thu và phá huỷ tàu thuyền các nước.

Chính sách đánh chìm, phá huỷ các tàu cá của Chính quyền Indonesia

Dưới sự lãnh đạo của nữ Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti, từ năm 2014, cơ quan chức năng Indonesia đã phá hủy hàng trăm tàu đánh cá ​​bất hợp pháp mà lực lượng tuần duyên nước này bắt giữ với mục tiêu bảo vệ nguồn cá và đời sống ngư dân Indonesia. Trong số các tàu bị bắn chìm mang tính biểu trưng đó có tàu Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Dưới thời Bộ trưởng Bộ Hàng Hải và Nghề cá Indonesia, bà Pudjiastuti đã liên tục được xếp hạng là Bộ trưởng nổi tiếng nhất Indonesia kể từ khi nhậm chức vào năm 2014, chủ yếu nhờ cách tiếp cận mạnh mẽ của bà để giải quyết vấn đề đánh cá bất hợp pháp và những câu chuyện liên quan phát ngôn của bà. Vốn là một cựu doanh nhân trong ngành đánh bắt cá, bà Pudjiastuti từng thực hiện video được tải lên YouTube để bảo vệ chính sách cứng rắn của mình, trong đó bà giải thích rằng đó không phải là chính sách “đóng nhãn hiệu” của bà mà là làm theo luật pháp. Hãng tin Reuters dẫn lời bà Bộ trưởng Pudjiastuti cho biết ngành công nghiệp đánh bắt cá của nước này đã bị thiệt hại gần 200 tỉ rupi (14,89 triệu USD) mỗi năm do hoạt động đánh bắt bất hợp pháp của các tàu cá nước ngoài. Tuyên bố của bà Pudjiastuti phản ánh chính quyền Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo coi trọng việc ngăn chặn hành vi đánh cá trái phép trong phạm vi quốc nội, khu vực và quốc tế. Từ khi lên nắm quyền vào tháng 10/2014, ông Jokowi đã cam kết sẽ hiện thực hóa tầm nhìn của mình là biến Indonesia thành “trục bản lề hàng hải toàn cầu” giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chính phủ Indonesia thậm chí còn tuyên bố các tàu thuyền bất hợp pháp là một mối đe dọa cho ngành đánh cá địa phương của Indonesia. Các chủ tàu vi phạm đó thường là thủ phạm nạn nô lệ hiện đại, sử dụng nhân công bị buôn bán từ các quốc gia Đông Nam Á.

Quyết định huỷ bỏ chính sách đánh chìm các tàu khai thác bất hợp pháp

Theo nhật báo “JakartaGlobe” hôm 3/12, Chính phủ Indonesia đã xem xét chấm dứt chính sách đánh chìm các tàu khai thác bất hợp pháp sau khi các tàu này bị bắt. Ông Edhy Prabowo, Bộ trưởng Bộ Hàng Hải và Nghề cá Indonesia cho biết, Chính phủ nước này đang lên kế hoạch trao tàu bị bắt cho các ngư dân địa phương khác thay vì kích nổ chúng. Người tiền nhiệm của ông Prabowo, bà Susi Pudjiastuti từng bảo thủ với chính sách trước đó và lập luận rằng các tàu bị bắt thường sẽ tìm đường quay về với chủ cũ và khu vực cũ. Chính sách này đã đặt bà Pudjiastuti vào cuộc tranh cãi với ông Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề về Hàng hải và Đầu tư, người có quan điểm rằng các tàu bị bắt có thể được sử dụng tốt hơn ở khu vực khác. Cũng theo tờ “Jakarta Globe”, hiện có 72 tàu đánh bắt bất hợp pháp đang bị giam giữ, trong đó có 45 tàu đang ở tình trạng tương đối tốt. Ông Prabowo đề xuất những tàu này có thể đưa cho ngư dân, các hợp tác xã, chính quyền địa phương hoặc các trường đại học để phục vụ cho mục đích đào tạo. Ông Prabowo cho biết Chính phủ cũng đang cố gắng tìm cách sử dụng các tàu nước ngoài bị mắc kẹt bến cảng của Indonesia, sau khi bộ trưởng Pudjiastuti cấm họ quay trở lại biển, vì nghi ngờ các tàu này được sử dụng để trung chuyển cá đánh bắt bất hợp pháp.

Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong chính sách xử lý của Jakarta

Thứ nhất, mặc dù không phải là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng chính sách phá hủy tàu cá bất hợp pháp bị bắt để ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không thể kiểm soát (IUU), vốn diễn ra ở khắp các vùng biển trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Indonesia là nước sử dụng biện pháp này mạnh tay nhất, với hơn 500 tàu đã bị đánh đắm, tính từ năm 2006 đến đến tháng 5/2019. Cách giải quyết của Indonesia cũng kéo theo tranh cãi trong khu vực khi họ không phải là nước duy nhất có vùng lãnh hải và vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) bị tàu cá nước ngoài xâm phạm. Cách xử lý mạnh tay còn gây ra lo ngại cho mối quan hệ với các nước láng giềng. Việt Nam và các nước có ngư dân bị Indonesia bắt giữ và xử lý đã phản đối mạnh mẽ cách hành xử của Indonesia. Hồi năm 2015, Bắc Kinh đã bày tỏ “quan ngại nghiêm túc” khi một tàu đánh cá của Trung Quốc nằm trong số 41 tàu bị cơ quan chức năng Indonesia đánh chìm xuống biển.

Thứ hai, chính sách trong nhiều năm của chính quyền Indonesia đã vấp phải sự chỉ trích từ chính nội bộ nước này. Phó Tổng thống Jusuf Kalla hồi năm 2018 từng nói rằng chính sách mạnh tay này có thể ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với các nước khác. Phòng Thương mại Indonesia cũng than phiền rằng cách tiếp cận cứng rắn của Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia và việc thiếu tập trung cho các chính sách mang tính xây dựng đã làm tổn hại ngành công nghiệp thủy sản nước này, với tình trạng xuất khẩu thủy hải sản giảm sút. Nhiều ý kiến thậm chí còn cho rằng vị cựu Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti đã sử dụng chính sách đánh chìm tàu cá các nước đề đánh bóng tên tuổi và lôi kéo sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng Indonesia.

RELATED ARTICLES

Tin mới